Các hình thức chào bán cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng và những vấn đề cần lưu ý.
Trở thành công ty đại chúng là một bước tiến quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của một doanh nghiệp. Sau khi trở thành công ty đại chúng, cổ phiếu của công ty sẽ được đăng ký giao dịch (tại Upcom) hoặc niêm yết (trên HOSE / HNX) tùy phương thức trở thành công ty đại chúng và việc đáp ứng các điều kiện niêm yết sau khi trở thành công ty đại chúng. Từ đó, mở ra cơ hội để công ty đại chúng tiếp cận nhiều hơn với các nhà đầu tư, tăng khả năng huy động vốn và tạo nên cơ hội để doanh nghiệp phát triển mở rộng.
Các hình thức chào bán cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng và những vấn đề cần lưu ý.
Trong bài viết này, tác giả đề cập đến các phương thức chào bán cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình trở thành và duy trì tư cách công ty đại chúng.
Trong bài viết này, tên của các văn bản pháp luật viết tắt được hiểu như sau:
“Luật chứng khoán 2019” là Luật chứng khoán số 54/2019/QH14; được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 57/2024/QH15;
“Nghị định 155” là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán;
“Thông tư 57/2021/TT-BTC” là Thông tư số 57/2021/TT-BTC về lộ trình sắp xếp thị trường giao dịch cổ phiếu; được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 69/2023/TT-BTC;
“Luật doanh nghiệp 2020” là Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14; được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 03/2022/QH15 ;
Lưu ý rằng, nội dung bài viết chỉ bao gồm các thông tin có ý nghĩa tham khảo và không phải là ý kiến tư vấn của tác giả hay của BFSC đối với một tình huống pháp lý cụ thể. Do đó, tác giả bài viết và BFSC không chịu trách nhiệm về mọi hậu quả xảy ra với Khách hàng trong trường hợp Khách hàng sử dụng thông tin trong bài viết như ý kiến tư vấn pháp lý cho tình huống phát sinh thực tế. Chúng tôi khuyến cáo rằng mọi tình huống phát sinh thực tế, Khách hàng cần liên hệ với BFSC để được được tư vấn bởi đội ngũ luật sư có kinh nghiệm của chúng tôi.
[1]. Công ty đại chúng là gì?
Theo Điều 32.1 Luật chứng khoán 2019, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên, có vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ;
b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.
[2] Các hình thức chào bán cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng?
Theo quy định tại Điều 32.1 Luật chứng khoán 2019 đã viện dẫn tại mục [1] bài viết, công ty đại chúng trước hết là công ty cổ phần, đáp ứng một trong hai trường hợp quy định tại Điều 32.1(a) hoặc 32.1(b) Luật chứng khoán 2019. Là công ty cổ phần, công ty phải có cổ phiếu và để có được số lượng cổ đông đáp ứng yêu cơ cấu cổ đông thiểu số tối thiểu (ít nhất 10% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết được nắm giữ bởi ít nhất 100 cổ đông không phải là cổ đông lớn), công ty phải tiến hành các đợt chào bán cổ phiếu để gia tăng số lượng cổ đông và cổ đông thiểu số. Do đó, theo quan điểm của cá nhân tác giả, không xét đến trường hợp công ty đại chúng có cơ cấu cổ đông thiểu số sau quá trình sáp nhập, hợp nhất, để trở thành công ty đại chúng và không xét đến khả năng hiếm gặp là công ty cổ phần đủ điều kiện đăng ký tư cách công ty đại chúng tại thời điểm kết thúc thời hạn góp vốn sau khi thành lập, công ty có hai khả năng lựa chọn hình thức chào bán cổ phiếu, bao gồm:
[2.1] Chào bán cổ phiếu riêng lẻ (private placement)
Ở hình thức này, trước khi trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp có thể chào bán cổ phiếu riêng lẻ một lần hoặc chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhiều lần cho đến khi vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và cơ cấu cổ đông đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán 2019.
[2.2] Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)
Ở hình thức này, trước khi trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp phải chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký chào bán với Ủy ban chứng khoán Nhà nước theo quy định tại Điều 16 Luật chứng khoán 2019 và việc chào bán được xác định là thành công, đáp ứng các yêu cầu chào bán và không bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước hủy bỏ chào bán. Hình thức chào bán cổ phiếu này chỉ được thực hiện một lần, nếu chào bán không thành công, Ủy ban chứng khoán sẽ hủy bỏ kết quả chào bán và doanh nghiệp sẽ phải thực hiện lại thủ tục chào bán.
Cũng cần nói thêm rằng, Luật chứng khoán năm 2006 và Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán năm 2006 có quy định về hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thành lập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, lĩnh vực công nghệ cao, hoặc thành lập tổ chức tín dụng cổ phần. Tuy nhiên, Luật chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã không còn duy trì các hình thức chào bán này.
Có một ngoại lệ có thể xảy ra về lý thuyết là một công ty cổ phần được thành lập mới và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành công ty đại chúng theo quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán 2019 ngay tại thời điểm kết thúc thời hạn góp vốn. Trường hợp này chưa xảy ra trên thực tiễn thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nếu xảy ra trên thực tế thì cũng không thuộc một trong hai trường hợp chào bán cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, khả năng này khó có thể xảy ra trên thực tiễn nên tác giả không đi sâu phân tích trong bài viết này.
[3] Ưu nhược điểm giữa hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ để trở thành công ty đại chúng và hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng.
[3.1] Hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ để trở thành công ty đại chúng
Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ, bao gồm trường hợp chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hành thành công ty cổ phần và trường hợp chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020. Về cơ bản, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo các quy định của Luật doanh nghiệp 2020 là không quá phức tạp, chủ yếu chỉ bao gồm yêu cầu phương án chào bán được Chủ sở hữu / Hội đồng thành viên / Đại hội đồng cổ đông thông qua, việc thực hiện quyền mua cổ phần và chuyển quyền mua cổ phần được thực hiện đúng, Hội đồng quản trị xác nhận kết quả chào bán và cuối cùng là thủ tục đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Luật doanh nghiệp 2020 không quy định điều kiện chào bán, hồ sơ chào bán, trình tự thủ tục chào bán, trình tự thủ tục phân phối cổ phần. Các nội dung này do doanh nghiệp tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm, miễn là không vi phạm các quy định của Luật doanh nghiệp 2020 về các vấn đề có liên quan.
Ưu điểm thứ nhất của phương thức này là việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ này có thể diễn ra một lần hoặc nhiều lần mà không bị ràng buộc là phải thành công ngay sau khi chào bán lần đầu như đối với trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Ưu điểm thứ hai của phương thức này là công ty không bị hạn chế bởi thời gian thành lập và hoạt động như đối với trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đối với trường hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng, mặc dù Luật chứng khoán 2019 và Nghị định 155 không quy định về thời gian thành lập và hoạt động, nhưng các quy định “hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục trước năm đăng ký chào bán phải có lãi” tại Điều 15.1(b) Luật chứng khoán năm 2019 và điều kiện đối với báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 02 năm liền kề trước năm đăng ký chào bán tại Điều 11.4(a) Nghị định 155 ngầm định rằng công ty phải hoạt động tối thiểu là 02 năm (hoặc 03 năm) trước thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Ưu điểm thứ ba (và theo quan điểm của tác giả bài viết cũng là nhược điểm) là công ty không bị ràng buộc bởi điều kiện về kinh doanh có lãi, không có lỗ lũy kế đến năm chào bán như đối với trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Ưu điểm thứ tư là thủ tục chào bán và các ràng buộc của cổ đông lớn trước khi chào bán cố phiếu riêng lẻ, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 là khá đơn giản, ngoại trừ việc phải đáp ứng điều kiện để được coi là “chào bán cổ phần riêng lẻ” theo quy định tại Điều 125.1.
Với điều kiện về vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên theo quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán 2019, có vẻ không phải là một điều kiện khó khăn đối với các công ty trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Và với việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ không đòi hỏi quá nhiều điều kiện như đối với phương thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, công ty hoàn toàn có thể có thể lặp đi lặp lại nhiều lần quá trình này cho đến khi đạt vốn điều lệ mong muốn.
Tuy nhiên, phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ để trở thành công ty đại chúng không phải là không có những nhược điểm như được đề cập dưới đây:
Thứ nhất, do tính chất của hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ là (i) không thông qua phương tiện thông tin đại chúng và (i) chỉ được chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nên việc đạt điều kiện có ít nhất 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ không phải là điều dễ dàng có thể đạt được. Trong trường hợp đạt được cơ cấu này với tỷ lệ cổ đông không phải là cổ đông lớn sít sao với tỷ lệ tối thiểu được quy định, khả năng duy trì cơ cấu cổ đông như vậy trong một thời gian dài để đủ điều kiện đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán, đăng ký giao dịch Upcom và tiến đến khả năng niêm yết sau 02 năm giao dịch tại Upcom cũng không phải là một chuyện dễ dàng.
Thứ hai, cổ phiếu của công ty đại chúng hình thành theo phương thức này không được niêm yết ngay lập tức (trên HOSE / HNX) sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chứng nhận tư cách công ty đại chúng, kể cả trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết, mà bắt buộc phải đăng ký giao dịch tại sàn giao dịch dành cho chứng khoán chưa niêm yết (Upcom). Sau khi đã giao dịch tại Upcom tối thiểu là 02 (hai) năm, nếu cổ phiếu đáp ứng các điều kiện niêm yết thì mới được niêm yết. Trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, không hiếm những công ty đã giao dịch ở Upcom rất nhiều năm nhưng không đủ điều kiện để niêm yết.
Thứ ba, việc không đòi hỏi điều kiện về hoạt động kinh doanh của (các) năm trước năm trở thành công ty đại chúng phải có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán và báo cáo tài chính (về vốn điều lệ) và báo cáo xác nhận vốn chủ sở hữu chỉ cần sự xác nhận của kiểm toán độc lập (mà không phải là được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp nhận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán) trên thực tế có thể sẽ là một yếu điểm dẫn đến cố phiếu của công ty đại chúng không đủ sự tin cậy, không đủ sức hấp dẫn và doanh nghiệp ít có khả năng phát triển.
[3.2] Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng
Luật chứng khoán 2019 và Nghị định 155, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng có thể được thực hiện bởi công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, công ty cổ phần phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 15.1 Luật chứng khoán 2019, công ty trách nhiệm hữu hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định 155. Việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước và chỉ được thực hiện việc phân phối cổ phiếu sau khi đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán. Sau khi kết thúc việc phân phối cổ phiếu, tổ chức phát hành phải thông báo kết quả chào bán đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Trong trường hợp kết quả chào bán không đáp ứng điều kiện về cơ cấu cổ đông quy định tại Điều 15.1(d) Luật chứng khoán 2019, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ hủy kết quả chào bán.
Ưu điểm đầu tiên của hình thức chào bán này là tổ chức phát hành phải đáp ứng các điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục khắt khe khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và trong trường hợp kết quả chào bán không đáp ứng điều kiện về cơ cấu cổ đông thì sẽ bị UBCKNN hủy bỏ kết quả chào bàn. Do đó, cổ phiếu của công ty đại chúng trong trường hợp này đạt được sự tin cậy của các nhà đầu tư, khả năng chào bán thành công sẽ cao hơn và khả năng phát triển của doanh nghiệp sau chào bán cũng rộng mở hơn.
Ưu điểm thứ hai của hình thức chào bán này là cổ phiếu của công ty đại chúng có thể được niêm yết ngay trên HNX hoặc HOSE sau khi kết thúc đợt chào bán mà không bắt buộc phải giao dịch ở sàn Upcom trong 02 năm như đối với cổ phiếu của công ty đại chúng quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán 2019 (trừ khi công ty không đáp ứng các điều kiện niêm yết sau khi đã chào bán thành công). Tại thời điểm trước ngày 01/07/2025, khả năng niêm yết cổ phiếu của công ty đại chúng hình thành sau quá trình chào bán cổ phiếu ra công chúng thành công trên sàn HOSE hay HNX phụ thuộc vào vốn điều lệ của công ty đại chúng (để niêm yết trên HOSE, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên). Tuy nhiên, theo Thông tư 57/2021/TT-BTC, từ ngày 01/07/2025 trở đi, cổ phiếu của công ty đại chúng hình thành sau quá trình chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ được niêm yết tập trung trên HOSE (nếu đáp ứng điều kiện niêm yết), không phân biệt vốn điều lệ đã góp.
Nhược điểm của hình thức này, theo quan điểm của cá nhân tác giả, là việc vẫn chưa đặt ra các điều kiện đầy đủ tương ứng với điều kiện niêm yết để đảm bảo rằng cổ phiếu của công ty đại chúng hình thành từ hình thức chào bán này được niêm yết sau khi chào bán thành công. Việc chưa đồng bộ điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với điều kiện niêm yết sẽ dẫn đến tình trạng có công ty đại chúng hình thành sau quá trình chào bán cổ phiếu ra công chúng nhưng vẫn không đủ điều kiện niêm yết mà phải đăng ký giao dịch tại Upcom. Điều này làm giảm tính hấp dẫn về vị thế của công ty đại chúng hình thành sau quá trình chào bán cổ phiếu ra công chúng thành công, dẫn đến việc một số doanh nghiệp không mặn mà với việc chào bán cố phiếu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng khi chưa sẵn sàng với việc chờ đợi phải giao dịch ở Upcom cho đến khi đáp ứng điều kiện niêm yết.
[4] Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi chào bán cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng
Như đã đề cập đến trong phần thứ ba, việc trở thành công ty đại chúng không phải là điều dễ dàng (nhưng cũng không phải là điều quá khó khăn nếu doanh nghiệp quyết tâm thực hiện). Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tác giả, việc trở thành công ty đại chúng chỉ thực sự có ý nghĩa đối với cổ đông và doanh nghiệp nếu sau đó, cổ phiếu của công ty đủ điều kiện niêm yết trên thị trường giao dịch chính thức, tạo điều kiện cho thị giá cổ phiếu được định giá tốt hơn, chuyển nhương dễ dàng hơn và sau đó là khả năng doanh nghiệp huy động thêm vốn từ thị trường thông qua các đợt chào bán, phát hành chứng khoán mới. Nhưng trước khi đạt được những lợi ích đó, doanh nghiệp chào bán cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng cần lưu ý đến các vấn đề sau đây:
[4.1] Khả năng chào bán cổ phiếu của từng loại hình doanh nghiệp
Cần lưu ý rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 177 và khoản 2 Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào. Do đó, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh không có khả năng chào bán cổ phiếu riêng lẻ hoặc chào bán cổ phiếu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng. Theo Luật doanh nghiệp 2020, quyền phát hành chứng khoán (bao gồm cổ phiếu) chỉ có ở loại hình công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân có thể, theo quy định tại Điều 205 Luật doanh nghiệp năm 2020, chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần để được quyền chào bán cổ phiếu. Luật doanh nghiệp 2020 không quy định việc chuyển đổi công ty hợp danh thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân. Do đó, công ty hợp danh không thể chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần để từ đó thực hiện quyền chào bán cổ phiếu.
Một vấn đề khác cần lưu ý là quy định về loại hình doanh nghiệp được phép tồn tại theo của pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại có sự tham gia của tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ được phép tồn tại dưới hình thức ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc ngân hàng liên doanh, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Do đó, trong một số trường hợp nhất định, khả năng chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty đại chúng bằng hình thức chào bán cổ phiếu là không thể thực hiện được.
[4.2] Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu
Trong cả hai trường hợp mà một công ty cổ phần được xác nhận là công ty đại chúng, vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu đều phải đảm bảo từ 30 tỷ đồng trở lên, số liệu này phải được xác thực, trong đó: Vốn điều lệ được tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán và được thể hiện trên báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập đối với công ty đại chúng theo quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán năm 2019 hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với công ty đại chúng trong trường hợp quy định tại Điều 32.1(b) Luật chứng khoán năm 2019; Vốn chủ sở hữu được xác định dựa trên báo cáo về vốn điều lệ đã góp tính đến thời điểm đăng ký công ty đại chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với trường hợp quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán năm 2019 hoặc dựa trên báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng đối với trường hợp công ty đại chúng quy định tại Điều 32.1(b) Luật chứng khoán năm 2019.
Ở thời điểm trước ngày 01/07/2025 giá trị vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của công ty đại chúng sẽ tạo ra khả năng cổ phiếu sau khi chào bán ra công chúng sẽ được niêm yết trên sàn nào (HOSE hay HNX). Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 57/2021/TT-BTC về lộ trình sắp xếp lại thị trường cố phiếu thì sẽ không có sự khác biệt nào đối với các cổ phiếu được chào bán mới từ ngày 01/07/2025, theo quy định tại Thông tư 57/2021/TT-BTC, kể từ ngày 01/07/2025, HOSE sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị niêm yết và thực hiện niêm yết mọi cổ phiếu của công ty đại chúng hình thành sau quá trình chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (nếu đủ điều kiện), không phân biệt vốn điều lệ đã thực góp và HNX sẽ không tiếp nhận hồ sơ niêm yết sau ngày này. Với quy định của Thông tư 57/2021/TT-BTC, các công ty niêm yết sẽ không bị phân biệt sàn giao dịch bởi vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu sau ngày 01/07/2025.
Một nội dung khác liên quan đến vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của công ty đại chúng là vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của công ty đại chúng tối thiểu theo quy định của Luật chứng khoán 2019 là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức vốn này không phải là điều kiện vốn tối thiểu đối với mọi công ty đại chúng, đặc biệt là các công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành mà ở đó quy định mức vốn pháp định cao hơn. Trong trường hợp là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành, công ty đại chúng ngoài việc đáp ứng quy định về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu theo quy định của Luật chứng khoán 2019 thì còn phải đáp ứng quy định về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu của pháp luật chuyên ngành.
Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu là những con số biết nói và ảnh hưởng lớn tới niềm tin và kỳ vọng của của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Do đó, việc đảm bảo vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu ở mức độ cao nhất trong khá năng có thể là việc mà Ban lãnh đạo công ty đại chúng phải có định hướng ngay trước thời điểm trở thành công ty đại chúng, tránh tình trạng dậm chân tại chỗ sau khi trở thành công ty đại chúng do số vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư. Tất nhiên, việc vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại thời điểm trở thành công ty đại chúng thấp không phài là lý do duy nhất cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, nếu hoạt động kinh doanh của công ty được định hình với sản phẩm dịch vụ tốt, quản trị công ty hiệu quả, kết quả kinh doanh có lãi, biên lợi nhuận tốt, ngành nghề kinh doanh và công ty có tiềm năng phát triển; và các quy định của Thông tư 57/2021/TT-BTC đã tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp đều có thể niêm yết trên HOSE mà không phụ thuộc vào vốn điều lệ. Nhưng nếu không có sản phẩm, dịch vụ tốt và định hướng phát triển rõ ràng, thì việc trở thành công ty đại chúng với vốn điều lệ “tối thiểu” sẽ là một sự lựa chọn không hợp lý.
[4.3] Cơ cấu cổ đông
Có sự khác biệt về điều kiện cơ cấu cổ đông của công ty đại chúng trong hai trường hợp được quy định tại Điều 32.1(a) và Điều 32.1(b) Luật chứng khoán 2019: Đối với công ty đại chúng quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán 2019, cơ cấu cổ đông chỉ cần đáp ứng điều kiện chung là có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ; Đối với công ty đại chúng quy định tại Điều 32.1(b) Luật chứng khoán năm 2019, tỷ lệ này phụ thuộc vào vốn điều lệ, theo đó, công ty đại chúng có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng phải có tổi thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn, tỷ lệ này sẽ là 10% trong trường hợp vốn điều lệ từ 1000 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, công ty đại chúng cũng cần lưu ý để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài, tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức và các điều kiện về cơ cấu cổ đông, tỷ lệ sở hữu của cổ đông được quy định tại Luật chứng khoán 2019 và pháp luật chuyên ngành.
[4.4] Lãi và lỗ của hoạt động kinh doanh
Hoạt động kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế không phải là điều kiện đối với công ty đại chúng quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán 2019 và cũng không phải là điều kiện để hủy tư cách công ty đại chúng theo Điều 38 Luật chứng khoán 2019. Đây cũng không phải là điều kiện để được đăng ký giao dịch cổ phiếu / bị hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch dành cho chứng khoán chưa niêm yết (Upcom).
Tuy nhiên, đây là điều kiện bắt buộc đối với trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng theo Điều 32.1(b) Luật chứng khoán năm 2019. Một trong các điều kiện để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần (và công ty trách nhiệm hữu hạn) được quy định tại Điều 15.1(b) Luật chứng khoán 2019 là hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tiếp trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, và không có lỗ lũy kế đến năm đăng ký chào bán. Đây cũng là điều kiện bắt buộc khi xem xét điều kiện niêm yết cổ phiếu sau khi hoàn tất việc chào bán. Đây cũng là một điều kiện dẫn đến việc hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc nếu doanh nghiệp niêm yết lỗ liên tiếp từ 03 (ba) năm liên tục trở lên.
Theo quan điểm của cá nhân tác giả, không xét đến các thua lỗ trong ngắn hạn, nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ít có khả năng có lãi, ngay cả trong điều kiện thuận lợi khi đã được tiếp cận thêm nguồn vốn từ cổ đông trong và sau quá trình trở thành công ty đại chúng và các nguồn vốn khác từ vị thế của một công ty đại chúng, doanh nghiệp khó có khả năng thuyết phục các nhà đầu tư và các bên cho vay tiếp tục cấp vốn để duy trì và mở rộng quy mô hoạt động. Do đó, việc cố gắng trở thành công ty đại chúng (theo hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ) mà không có định hướng rõ ràng sau khi trở thành công ty đại chúng để đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi và không có lỗ lũy kế trong vòng 02 (hai) năm kế tiếp (để đủ điều kiện niêm yết) là một quyết định không hợp lý.
[4.5] Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Chỉ số này không áp dụng đối với công ty đại chúng quy định tại Điều 32.1(a) Luật chứng khoán 2019 và cũng không là chỉ số cần xem xét khi đăng ký giao dịch cổ phiếu / hủy đăng ký giao dịch tại sàn giao dịch dành cho chứng khoán chưa niêm yết (Upcom).
Tuy nhiên, đây là chỉ số bắt buộc phải đáp ứng khi xem xét điều kiện niêm yết cổ phiếu của công ty đại chúng hình thành sau quá trình chào bán cổ phiếu ra công chúng theo Điều 32.1(b) Luật chứng khoán 2019. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết của doanh nghiệp tối thiếu phải là 5%.
Đối với cả hai hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ và chào bán cổ phiếu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng, như quan điểm của tác giả xuyên suốt trong bài viết này là để trở thành công ty niêm yết, thì việc đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đáp ứng điều kiện niêm yết cổ phiếu là một yêu cầu rất quan trọng. Ban lãnh đạo công ty đại chúng (ở thời điểm trước khi trở thành công ty đại chúng và trong thời gian duy trì tư cách công ty đại chúng, bất kể cổ phiếu đã được niêm yết hay vẫn đang giao dịch ở Upcom) cần xác định việc đảm bảo tỷ lệ này đáp ứng điều kiện niêm yết là một nội dung bắt buộc, trước khi quyết định trở thành công ty đại chúng.
[4.6] Các nghĩa vụ tăng thêm khi là công ty đại chúng so với doanh nghiệp thông thường.
Sau khi được Ủy ban chứng khoán xác nhận tư cách công ty đại chúng, công ty đại chúng phải thực hiện các nghĩa vụ chính bao gồm:
(i) Đăng ký giao dịch cổ phiếu (tại sàn giao dịch dành cho chứng khoán chưa niêm yết – Upcom) hoặc niêm yết cổ phiếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày trở thành công ty đại chúng;
(ii) Công bố thông tin định kỳ và bất thường theo quy định áp dụng đối với công ty đại chúng;
(iii) Áp dụng quản trị pháp lý công ty theo quy định về quản trị pháp lý công ty đại chúng.
Các nghĩa vụ phát sinh này, cùng với việc phải tuân thủ nhiều thủ tục hơn, sẽ đòi hỏi công ty đại chúng phải có đội ngũ nhân sự lớn hơn, tốn kém chi phí hơn cho các hoạt động tuân thủ, đối mặt với khả năng bị xử phạt nếu hoạt động tuân thủ không được thực hiện đúng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định rõ việc trở thành công ty đại chúng không chỉ bao gồm quyền lợi , mà kèm theo rất nhiều nghĩa vụ phải tuân thủ (mà tác giả sẽ đề cập đến trong một bài viết khác).
Kết luận:
Trở thành công ty đại chúng là mục tiêu của không ít doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều trách nhiệm hơn trên hành trình trở thành và duy trì tư cách công ty đại chúng. Tuy nhiên, trở thành công ty đại chúng chỉ là bước khởi đầu, mục tiêu quan trọng của công ty đại chúng là niêm yết trên sàn giao dịch chính thức và mở ra khả năng tiếp cận vốn từ thị trường chứng khoán. Điều đó đòi hỏi Ban lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn xa với một mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và phương án hành động hợp lý. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, không thiếu những công ty đại chúng đã nhiều năm liền ở trong tình trạng “tồn tại”, ít có khả năng phát triển. Do đó, theo quan điểm của cá nhân tác giả, việc trở thành công ty đại chúng dưới bất kỳ hình thức chào bán cổ phiếu nào chỉ nên được tiến hành khi doanh nghiệp có đủ cơ sở để xác định khả năng trở thành công ty niêm yết sau khi chào bán hoặc khi kết thúc thời gian giao dịch bắt buộc tối thiểu tại Upcom và sẵn sàng bứt phá sau khi đã trở thành công ty niêm yết.
Mọi ý kiến trao đổi về bài viết, vui lòng liên hệ với tác giả bài viết:
Luật sư Phan Quang Chung
BFSC LAW LLC | Văn phòng Hà Nội
Email: [email protected] | ĐT: (024) 7108 2688