Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp từ Quỹ hỗ trợ đầu tư theo Nghị định 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật số 57/2024/QH15 bổ sung quy định về Quỹ hỗ trợ đầu tư vào Luật đầu tư số 61/2020/QH14, theo đó, khoản 1 Điều 18a Luật đầu tư quy định “Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư”.
Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư (“Nghị định”), trong đó quy định chi tiết về đối tượng được hưởng, tiêu chí và điều kiện được hưởng hỗ trợ, các loại chi phí được hỗ trợ, hồ sơ và thủ tục đề nghị hỗ trợ chi phí. Theo quy định tại Nghị định, chính sách hỗ trợ đầu tư từ Quỹ hỗ trợ đầu tư theo Nghị định này chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp và dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và các khoản hỗ trợ bao gồm hai mục chính hỗ trợ chi phí và hỗ trợ chi phí đầu tư. Trong bài viết này, người viết bài giới thiệu một số quy định về các hỗ trợ mà doanh nghiệp có thể được hưởng từ Quỹ.
1. Hỗ trợ chi phí
1.1. Các hạng mục hỗ trợ chi phí từ Quỹ
Các hạng mục hỗ trợ chi phí từ Quỹ bao gồm:
(i) Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
(ii) Chi phí nghiên cứu phát triển;
(iii) Chi phí đầu tư tạo tài sản cố định;
(iv) Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao;
(v) Chi phí đầu tư công trình hạ tầng.
1.2. Đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí từ Quỹ
Đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí từ Quỹ bao gồm
(i) Doanh nghiệp công nghệ cao;
(ii) Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao;
(iii) Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao;
(iv) Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
1.3. Tiêu chí và điều kiện hưởng hỗ trợ chi phí từ Quỹ đối với (i) doanh nghiệp công nghệ cao; (ii) doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; (iii) doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao
1.3.1. Điều kiện về quy mô vốn đầu tư dự án hoặc doanh thu dự án
a) Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;
b) Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;
c) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm;
d) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao mà công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định;
đ) Doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam và hằng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
1.3.2. Điều kiện giải ngân vốn đầu tư
Doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ theo điều kiện về quy mô vốn đầu tư quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 Nghị định (mục 1.3.1 (a), (b), (c) bài viết) còn phải đáp ứng hoặc cam kết đáp ứng điều kiện giải ngân vốn đầu tư như sau:
a) Đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư.
Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo thì hoàn thành giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 4.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
b) Đối với dự án đầu tư đã đăng ký vốn đầu tư chưa đạt mức tối thiểu 12.000 tỷ đồng trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành và điều chỉnh tăng vốn đầu từ ngày Nghị định có hiệu lực để đạt mức tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo:
Trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn dưới 10.000 tỷ đồng thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn dưới 4.000 tỷ đồng thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 4.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên thì thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
c) Đối với các dự án đầu tư đã đăng ký vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư,
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành giải ngân thì thời hạn hoàn thành giải ngân thực hiện theo các văn bản đã được cấp hoặc hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo trong vòng 05 năm từ ngày được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh vốn đầu tư trong các văn bản nêu trên tại lần điều chỉnh gần nhất trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành;
d) Đối với dự án đầu tư đã đăng ký vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành mà đã hoàn thành giải ngân trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành thì được hỗ trợ các chi phí quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định.
1.3.3. Điều kiện doanh thu của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh thu của dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh thư của dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ theo điều kiện về doanh thu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 Nghị định (mục 1.3.1 (a), (b), (c) bài viết) phải đáp ứng điều kiện doanh thu của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh thu của dự án ứng dụng công nghệ cao, của dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại năm tài chính đề nghị hỗ trợ. Doanh thu của dự án được nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị định phải được hạch toán riêng.
1.3.4. Điều kiện không nợ thuế và nợ ngân sách
Doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách Nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ.
1.4. Tiêu chí và điều kiện hưởng hỗ trợ chi phí từ Quỹ đối với Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp
1.4.1. Điều kiện đối với Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp
a) Trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức khoa học và công nghệ theo pháp luật về khoa học và công nghệ;
b) Có lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ gồm các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.
1.4.2. Điều kiện đối với doanh nghiệp dự án
Doanh nghiêp có dự án Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển phải không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ.
1.5. Mức hỗ trợ chi phí từ Quỹ
1.5.1. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 50% chi phí phát sinh trong năm tài chính của dự án và thực tế đã chi cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam.
1.5.2. Mức hỗ trợ chi phí nghiên cứu phát triển
Doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển hằng năm tính theo mức lũy tiến từng phần áp dụng cho từng đối tượng theo tỷ lệ hỗ trợ như sau:
Bậc | Phần chi phí nghiên cứu và phát triển đã chi trong năm tài chính (tỷ đồng) | Doanh nghiệp tại điểm a và c khoản 2 Điều 16 (%) | Doanh nghiệp tại điểm d khoản 2 Điều 16 (%) | Doanh nghiệp tại điểm b khoản 2 Điều 16 (%) |
1 | Đến 120 | 20 | 10 | 1 |
2 | Từ 120 đến 240 | 25 | 15 | 5 |
3 | Trên 240 | 30 | 20 | 10 |
1.5.3. Mức hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định
Mức hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định được tính toán theo quy định dưới đây nhưng số tiền hỗ trợ tối đa trong một năm không vượt quá 0,5% tổng vốn đầu tư quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án:
Bậc | Giá trị nguyên giá của TSCĐ đầu tư tăng thêm trong năm tài chính (tỷ đồng) | Doanh nghiệp tại điểm a và c khoản 2 Điều 16 (%) | Doanh nghiệp tại điểm b khoản 2 Điều 16 (%) |
1 | Đến 120 | 8 | 1 |
2 | Từ 120 đến 240 | 9 | 2 |
3 | Trên 240 | 10 | 3 |
1.5.4. Mức hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao
a) Doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, c khoản 2 Điều 16 Nghị định (doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao) được hỗ trợ 1% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm tài chính. Doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 3% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm tài chính nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Doanh thu đạt tối thiểu 200.000 tỷ đồng, nhân lực đạt tối thiểu 10.000 người, tỷ lệ giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 30%;
Doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo.
b) Doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định (doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao) được hỗ trợ 0,5% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm tài chính. Doanh nghiệp được hỗ trợ 1% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm nếu đồng thời đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
Doanh thu đạt tối thiểu 200.000 tỷ đồng, nhân lực đạt tối thiểu 10.000 người. Tỷ lệ giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 30%.
1.5.5. Chi phí đầu tư công trình hạ tầng
a) Doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 25% đối với các khoản chi phí thực tế phát sinh trong năm tài chính và đã thực tế chi đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội.
b) Công trình hạ tầng xã hội là các công trình phục vụ trực tiếp cho người lao động của doanh nghiệp hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định, bao gồm: nhà ở xã hội cho công nhân thuê, trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình thể thao.
2. Hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu
2.1. Đối tượng hưởng hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu từ Quỹ
Đối tượng hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu là doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
2.2. Tiêu chí và điều kiện hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu
Doanh nghiệp là đối tượng hưởng hỗ trợ chi phí ban đầu từ Quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ;
(ii)Trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức khoa học và công nghệ theo pháp luật về khoa học và công nghệ;
(iii) Có lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ gồm các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
(iv) Có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.
(v) Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
2.3. Mức hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu
Doanh nghiệp là đối tượng hưởng hỗ trợ chi phí ban đầu từ Quỹ theo quy định tại Điều 24 Nghị định được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án.
Nghị định cũng quy định Chính phủ xem xét quyết định mức hỗ trợ khác so với mức tối đa nêu trên.
3. Các lưu ý
(i) Doanh nghiệp thuộc đối tượng và đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ sẽ được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Nghị định đối với các khoản chi phí đã phát sinh trong năm tài chính 2024.
(ii) Để được hưởng hỗ trợ, doanh nghiệp phải lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục đánh giá hỗ trợ chi phí theo quy định tại Chương IV Nghị định.
(ii) Dựa trên ngân sách và kế hoạch sử dụng ngân sách hàng năm của Quỹ, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp không nhất thiết đảm bảo sẽ đạt mức tối đa như quy định tại Nghị định.
(iii) Doanh nghiệp được hỗ trợ không đúng hoặc hưởng mức hỗ trợ thực tế cao hơn mức có thể được hưởng sẽ phải bồi hoàn cho Quỹ khoản hỗ trợ và có thể phải chịu phạt với mức phạt 10% và có thể trả lãi trên số tiền đã được hỗ trợ không đúng.
Nội dung bài viết có trích dẫn các quy định của Nghị định để giới thiệu chi tiết nội dung Nghị định. Tuy nhiên, các trích dẫn pháp lý được đề cập trong bài viết không phải là ý kiến tư vấn pháp lý của người viết bài hay của BFSC LAW LLC đối với một tình huống pháp lý tương tự. Do đó, người viết bài và BFSC LAW LLC không chịu trách nhiệm trong trường hợp người đọc sử dụng bất kỳ nội dung nào của bài viết để xử lý một tình huống pháp lý cụ thể. Mọi tình huống phát sinh thực tế, quý độc giả cần liên hệ với BFSC LAW LLC để được cung cấp dịch vụ.
Mọi ý kiến trao đổi, đóng góp, xin liên hệ với tác giả bài viết:
Luật sư Phan Quang Chung
BFSC LAW LLC
Điện thoại: (024) 7108 2688 | Email: [email protected]