Các quy định áp dụng chung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Các quy định áp dụng chung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Tiếp nối bài viết “trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”, trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến các quy định chung của Bộ luật hình sự về hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp và các quy định pháp luật có liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Chúng tôi lưu ý rằng bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của người viết bài, trên cơ sở nghiên cứu riêng của người viết bài và chỉ có ý nghĩa tham khảo, không phải là quan điểm tư vấn của người viết bài hoặc Công ty luật BFSC đối với một tình huống đã phát sinh thực tiễn. Mọi tình huống phát sinh thực tiễn cần được nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng bởi các luật sư có kiến thức và kinh nghiệm.
Nội dung bài viết
Các hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội
Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Các hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Khoản 1 Điều 33 Bộ luật hình sự quy định 03 (ba) hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bao gồm:
(a) Phạt tiền;
(b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
(c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Khoản 2 Điều 33 Bộ luật hình sự cũng quy định 03 (ba) hình phạt bổ sung áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bao gồm:
(a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
(b) Cấm huy động vốn;
(c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Trong số các hình phạt được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, hình phạt tiền vừa được coi là hình phạt chính, vừa được coi là hình phạt bổ sung (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Khoản 3 Điều 33 Bộ luật hình sự quy định, đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng 01 (một) hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Trong phần tiếp theo dưới đây, người viết bài giới thiệu thêm về các hình phạt chính và hình phạt bổ sung được quy định tại các điều luật tương ứng.
Phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 77 Bộ luật hình sự).
Phạt tiền có thể được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung. Tất cả 33 điều luật về các tội phạm liên quan đến pháp nhân thương mại đều có quy định hình phạt tiền.
Mức phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78 Bộ luật hình sự)
Đây là một hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Bộ luật hình sự có tới 24 điều luật quy định hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn trong số 33 điều có quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
Thời hạn đình chỉ hoạt động được quy định là từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong trường hợp pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, pháp nhân thương mại sẽ tự mình đình chỉ thực hiện hoạt động theo phán quyết của Tòa án hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ căn cứ quy định tại Điều 206 Luật doanh nghiệp năm 2020 để ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh trên cơ sở phán quyết của Tòa án.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79 Bộ luật hình sự)
Đây là một hình phạt chính được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Hình phạt này được ghi nhận tại 20/33 điều có quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Theo quy định tại điều luật, Tòa án có thể đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng hình phạt này không đương nhiên dẫn đến chấm toàn bộ hoạt động của pháp nhân thương mại, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau: “Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”.
Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80 Bộ luật hình sự)
Đây là một hình phạt bổ sung được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Trong 31 điều luật quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, có 30 điều luật quy định hình phạt cấm kinh doanh hoặc hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Riêng Điều 216. Tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm y tế không quy định hình phạt bổ sung này.
Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.
Theo quy định tại điều luật, Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Cấm huy động vốn (Điều 81 Bộ luật hình sự)
Đây là một hình phạt bổ sung được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Cấm huy động vốn được quy định tại 27/33 điều luật áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Có 6 Điều không áp dụng gồm các điều:
Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường
Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông.
Điều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
Điều 324. Tội rửa tiền.
Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.
Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:
– Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư;
– Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;
– Cấm huy động vốn khách hàng;
– Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
– Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
Theo quy định tại điều luật, Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn nêu trên. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82 Bộ luật hình sự)
Khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự quy định, Tòa án có thể quyết định áp dụng các biện tư pháp sau đây đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
a) Các biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Bộ luật này (trong đó, Điều 47 quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm và Điều 48 quy định về Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
c) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Khoản 2 điều luật quy định, Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm phạm tội của mình gây ra.
Khoản 3 điều luật quy định, căn cứ vào từng trường hợp phạm tội cụ thể, Tòa án có thể quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả của tội phạm:
a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
b) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm;
d) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật;
đ) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
e) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.
Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 83 Bộ luật hình sự)
Theo quy định tại điều luật, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 84 Bộ luật hình sự)
Khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:
(i) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
(ii) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
(iii) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
(iv) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;*
(v) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.
Khoản 2 của điều luật quy định, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Khoản 3 của điều luật quy định, các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 85 Bộ luật hình sự).
Khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự quy định, chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
(i) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;
(ii) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;
(iii) Phạm tội 02 lần trở lên;
(iv) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
(v) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
(vi) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
Khoản 2 của điều luật quy định, các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Điều 86 Bộ luật hình sự)
Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội là trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện nhiều hành vi phạm tội thuộc nhiều loại tội phạm khác nhau, đều chưa hết thời hiệu, chưa bị xét xử và bị đưa ra xét xử cùng một lần.
Điều luật quy định, khi xét xử cùng 01 lần pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;
c) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;
d) Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật này thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;
đ) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 87 Bộ luật hình sự)
Điều 87 Bộ luật hình sự quy định ba trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân thương mại phạm tội, cụ thể như sau:
1. Trường hợp pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước về đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một pháp nhân thương mại đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một pháp nhân thương mại phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 88 Bộ luật hình sự)
Điều luật quy định, pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 89 Bộ luật hình sự).
Pháp nhân thương mại phạm tội được xóa án tích thì coi như chưa từng bị kết án. Nếu sau khi được xóa án tích mà lại phạm tội thì không coi là có tiền án để xác định tái phạm nguy hiểm trường hợp này phải xác định là phạm tội lần đầu.
Điều luật quy định, pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Về thời hiệu thi hành bản án được đề cập đến trong điều luật, khoản 3 Điều 60 Bộ luật hình sự quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm. Cần lưu ý rằng: (i) Khoản 4 Điều 60 Bộ luật hình sự quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và khoản 4 Điều 60 Bộ luật hình sự cũng quy định nếu trong thời hạn của thời hiệu thi hành bản án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới; và (ii) các quy định về việc không áp dụng thời hiệu thi hành bản án không được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Tác giả bải viết: Luật sư Phan Quang Chung