Các quy định chung về điều chỉnh dự án đầu tư trong nước
Các quy định chung về điều chỉnh dự án đầu tư trong nước.
Luật đầu tư số 61/2020/QH14 (sau đây gọi tắt là Luật đầu tư năm 2020) quy định Nhà đầu tư có quyền điều chỉnh dự án đầu tư. Khi điều chỉnh dự án đầu tư, Nhà đầu tư có thể phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến các quy định chung về điều kiện, thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư đối với trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư trong nước. Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và trong các trường hợp cụ thể sẽ được đề cập trong các bài viết khác.
Nội dung chính của bài viết
Các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư
Trường hợp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi điều chỉnh dự án
Trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án
Trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (mới) khi điều chỉnh dự án
Hạn chế khi điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư
Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của người viết bài trên cơ sở nghiên cứu quy định của pháp luật, không phải là quan điểm tư vấn của tác giả bài viết hay của BFSC đối với một tình huống pháp lý phát sinh trong thực tế. Tác giả bài viết và Công ty luật BFSC khuyến cáo quý độc giả chỉ nên coi đây là tài liệu tham khảo, mọi tình huống phát sinh thực tế, xin liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư
Khoản 1 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020 quy định “Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật”.
Theo quy định của điều luật đã viện dẫn, điều chỉnh dự án đầu tư được tiến hành trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, xuyên suốt dự án và không bị giới hạn. Các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư được dự liệu trong điều luật gồm có:
(i) điều chỉnh mục tiêu dự án;
(ii) chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
(iii) sáp nhập các dự án (điều cần lưu ý rằng Luật đầu tư năm 2020 không đề cập đến trường hợp hợp nhất các dự án);
(iv) chia, tách một dự án thành nhiều dự án;
(v) sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh;
(vi) điều chỉnh các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp chỉ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư
(Tác giả sử dụng cụm từ “chỉ phải” với hàm ý rằng trong trường hợp này, Nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hay chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư như các mục tiếp theo của bài viết).
Khoản 2 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020 quy định “Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.
Điều 40 Luật đầu tư năm 2020 quy định các nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm có:
1. Tên dự án đầu tư.
2. Nhà đầu tư.
3. Mã số dự án đầu tư.
4. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.
5. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
6. Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).
7. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
8. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:
a) Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;
b) Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
9. Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
10. Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Cần lưu ý rằng, theo Luật đầu tư năm 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có hai loại: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp cho dự án đầu tư không thuộc diện phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp cho dự án đầu tư thuộc diện phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Do đó, một số tình huống thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng nhà đầu tư không được áp dụng thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà phải thực hiện một trong hai thủ tục sau
(i) Thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, nếu dự án đầu tư trước điều chỉnh thuộc diện phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020;
(ii) Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (lần đầu), nếu dự án đầu tư trước điều chỉnh không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng nay do điều chỉnh lại trở thành dự án đầu tư thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, theo quy định tại khoản 7 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020.
Trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư
Khoản 3 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020 quy định đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh thì khi điều chỉnh dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
b) Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
c) Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;
d) Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;
đ) Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
e) Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
g) Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).
Trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư
Khoản 7 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020 quy định: “Trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.”
Hạn chế khi điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư
Khoản 4 Điều 41 Luật đầu tư quy định đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai;
b) Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính;
d) Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch;
đ) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
e) Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.
Các bài viết sẽ được đề cập tiếp theo
>>> Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.
>>> Trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chỉ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
>>> Trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp phải điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh.
Tác giả bài viết: Luật sư Phan Quang Chung