Các vấn đề pháp lý doanh nghiệp cần quan tâm
Các vấn đề pháp lý doanh nghiệp cần quan tâm
Phạm vi các vấn đề pháp lý mà mỗi doanh nghiệp cần quan tâm là khác nhau, phụ thuộc vào (i) cơ cấu vốn và tài sản; (ii) quy mô tổ chức; (iii) ngành nghề kinh doanh; và (iv) các hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp. Bài viết này, tác giả chỉ xin đề cập đến nội dung các vấn đề pháp lý có khả năng phát sinh trong quá trình hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Bài viết không đi sâu phân tích chi tiết các vấn đề pháp lý vì phạm vi mỗi vấn đề pháp lý là rất rộng và các công việc cần phải thực hiện cho mỗi vấn đề pháp lý có thể thay đổi tùy góc độ tiếp cận của mỗi doanh nghiệp. Mong muốn của tác giả là bài viết là cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng thể về các văn bản pháp luật để có được sự phán đoán cần thiết khi tiếp cận với các vấn đề pháp lý.
1. Nhóm các vấn đề pháp lý chung
Luật doanh nghiệp
Các quy định của Luật doanh nghiệp liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp nói chung và các quy định pháp luật khác tùy theo mô hình doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân). Ngoài các quy định về vấn đề đặt tên doanh nghiệp và các quy định pháp luật mang tính thủ tục về đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến các vấn đề pháp lý quan trọng bao gồm: (i) góp vốn và chuyển giao tài sản góp vốn, đăng ký mua cổ phần và thanh toán tiền mua cổ phần; (ii) tăng giảm vốn điều lệ; (iii) cơ cấu tổ chức quản lý và thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; (iv) các quy định pháp luật về tái cấu trúc, mua bán sáp nhập; (v) các quy định pháp luật về nhóm công ty và sở hữu chéo; (vi) các quy định pháp luật về doanh nghiệp Nhà nước.
Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
Trong trường hợp doanh nghiệp có sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc có mối quan hệ hợp tác kinh doanh đối với doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước thì các quy định của Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là một trong các vấn đề pháp lý trọng yếu cần được quan tâm một cách có chủ ý.
Các luật về thuế
Các quy định của Luật quản lý thuế, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân cũng là những vấn đề pháp lý mà hầu hết mọi doanh nghiệp đều sẽ gặp phải trong quá trình hoạt động và cần được quan tâm. Một trong các sai lầm phổ biến là thường gặp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ là các vấn đề liên quan đến phân bổ các chi phí và lợi nhuận, thu nhập trước thuế để được khấu trừ thuế một cách hợp lệ. Do nguồn lực nhân sự và kinh phí hoạt động hạn chế nên khá nhiều doanh nghiệp không quan tâm một cách thích đáng đến các vấn đề này và dẫn đến quyền lợi của người lao động cũng như của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không được bảo vệ một cách toàn diện.
Bộ luật lao động
Các quy định của Bộ luật lao động cũng là những vấn đề pháp lý mà mọi doanh nghiệp đều phải quan tâm ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào quy mô tổ chức và độ phức tạp của việc xây dựng cơ cấu lương, thưởng. So với các mối quan hệ kinh doanh vốn được coi trọng hơn do tính chất của việc tạo nên dòng tiền và tạo nên thu nhập cho doanh nghiệp, mối quan hệ lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít được quan tâm và do đó dễ dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám khi người lao động đạt đến một khả năng nhất định bỗng nhận thấy rằng công sức đóng góp của họ đối với doanh nghiệp là “đáng kể” nhưng sự đãi ngộ của doanh nghiệp đối với họ lại ở chỉ ở mức độ “hạn chế, chưa thỏa đáng”.
Các quy định pháp luật về hợp đồng
Các quy định về hợp đồng là một vấn đề pháp lý quan trọng và có thể nói là quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Pháp luật về hợp đồng vốn không được điều chỉnh bằng một luật riêng, phụ thuộc vào giao dịch thực tế mà doanh nghiệp cần quan tâm đến các quy định được quy định rải rác trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại, các luật kinh doanh chuyên ngành, các Luật về thuế và ngoài ra có thể là các quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật cạnh tranh. Có thể nói, trong số các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp thì pháp luật về hợp đồng phải nên được coi là một trong những vấn đề pháp lý cần được quan tâm hàng đầu vì nó tạo ra dòng tiền, thu nhập cho doanh nghiệp và trong không ít trường hợp nó tạo ra các nghĩa vụ và cả các thiệt hại cho doanh nghiệp, nếu không được quan tâm một cách thích hợp. Do đó, cho dù muốn hay không thì sự quan tâm một cách sâu sắc đến việc soạn thảo, đàm phán và quản trị hợp đồng, giao dịch là một vấn đề không thể coi nhẹ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, không phụ thuộc vào quy mô và tính chất của hoạt động.
Luật chứng khoán
Các quy định của Luật chứng khoán cũng là một trong những vấn đề pháp lý cần được doanh nghiệp quan tâm. Nhất là đối với các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu, chào bán chứng khoán ra công chúng, doanh nghiệp được xác định là công ty đại chúng và doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh (đặc biệt là các giao dịch về mua bán sáp nhập) đối với các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết.
Luật cạnh tranh
Các quy định của Luật cạnh tranh cũng là một trong những vấn đề pháp lý cần được doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các vấn đề pháp lý liên quan đến Luật cạnh tranh dường như bị bỏ ngỏ và chỉ xuất hiện rất ít trong các thủ tục liên quan đến sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi mở rộng quy mô kinh doanh và nhất là khi nằm trong vùng phủ sóng của các mối quan hệ với các công ty, tập đoàn lớn hoặc tham gia vào các giao dịch mua bán sáp nhập thì mức độ quan tâm đối với các vấn đề này cần được chú trọng.
Luật sở hữu trí tuệ
Các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những vấn đề pháp lý cần được doanh nghiệp gia tăng mức độ quan tâm. Trong một môi trường kinh doanh ngày càng năng động và khắt khe, các quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và cần được quan tâm một cách đầy đủ, cả dưới góc độ của người sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ hay người sử dụng quyền sở hữu trí tuệ.
Luật hải quan
Các quy định của Luật hải quan không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu mà còn có phạm vi áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kê khai, đại lý hải quan và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kho ngoại quan.
Luật kế toán, Luật kiểm toán
Các quy định của Luật kế toán là bắt buộc đối với mọi số liệu, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Đối với các công ty đại chúng thì việc kiểm toán báo cáo tài chính là bắt buộc, do đó ngoài việc tuân thủ Luật kế toán thì trong nhiều trường hợp doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các vấn đề pháp lý về kiểm toán được quy định trong Luật kiểm toán độc lập.
2. Nhóm các vấn đề pháp lý chuyên ngành
Các luật chuyên ngành
Nhóm các vấn đề pháp lý chuyên ngành của doanh nghiệp rất đa dạng, phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các vấn đề pháp lý này có thể được quy định chung trong Luật đầu tư (về các điều kiện kinh doanh và đầu tư) nhưng lại được quy định chi tiết tại các luật kinh doanh chuyên ngành. Ngoài ra, các quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các vấn đề pháp lý mang tính kỹ thuật và bao gồm cả các quy định pháp luật về điều kiện giao dịch và hợp đồng sẽ được quy định một cách chi tiết tại các luật chuyên ngành như Luật thương mại, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật dược, Luật dầu khí, Luật khoáng sản, Luật điện lực, Luật hàng không, Luật hàng hải…
Các luật thuế chuyên ngành
Nhóm các vấn đề pháp lý chuyên ngành cũng bao gồm các luật thuế chuyên ngành, trong đó chủ yếu gồm Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thường là mối quan tâm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh các hàng hóa dịch vụ chịu thuế tương ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về môi trường cũng sẽ chịu tác động của luật thuế tài nguyên.
Nhóm các vấn đề pháp lý về đầu tư
Luật đầu tư và các luật có liên quan
Các quy định của Luật đầu tư sẽ được áp dụng đối với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, từ hoạt động đăng ký đầu tư cho đến thực hiện hoạt động đầu tư và các vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán sáp nhập dự án. Song song với các quy định của Luật đầu tư, các quy định về điều kiện kinh doanh và đầu tư trong các luật kinh doanh chuyên ngành cũng được áp dụng trong quá trình thực hiện các hoạt động này. Ngoài ra còn phải kể đến các quy định về ưu đãi, miễn giảm thuế được quy định trong các luật về thuế và các quy định về miễn giảm quyền sử dụng đất được quy định trong Luật đất đai và các quy định về sử dụng ngoại hối trong các hoạt động đầu tư có liên quan. Trong khi tiến hành hoạt động đầu tư, đặc biệt là hoạt động đầu tư có sử dụng đất hoặc sử dụng mặt nước trong hoạt động đầu tư thì các quy định của Luật đất đai, Luật sử dụng tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường cũng là những vấn đề pháp lý sẽ phát sinh và cần được quan tâm. Trong một số hoạt động đầu tư khác, có thể cũng sẽ phát sinh các vấn đề pháp lý liên quan đến các quy định của Luật phòng cháy chữa cháy và các quy định về an ninh trật tự. Hoạt động đầu tư có sử dụng lao động nước ngoài thì ngoài việc cần quan tâm đến các quy định pháp luật chung của Bộ luật lao động, doanh nghiệp cũng phải quan tâm hợp lý đến các quy định về giấy phép lao động, các quy định về việc đăng ký tạm trú, thường trú cho lao động nước ngoài.
4. Nhóm các vấn đề pháp lý về hạ tầng và năng lượng
Các luật chuyên ngành về hạ tầng và năng lượng
Ngoại trừ các quy định của Luật đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, các dự án về hạ tầng và năng lượng sẽ được điều chỉnh bởi các luật kinh doanh chuyên ngành như Luật điện lực, Luật năng lượng nguyên tử, Luật dầu khí, Luật hàng không dân dụng, Luật hàng hải, … quy định về các điều kiện kinh doanh đầu tư và các điều kiện kỹ thuật của dự án.
Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đấu thầu
Ngoài ra, phụ thuộc vào vốn đầu tư thực hiện dự án về hạ tầng và năng lượng mà có thể phát sinh các vấn đề pháp lý liên quan đến Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Các dự án này sẽ dẫn đến các vấn đề pháp lý khác được quy định tại Luật đấu thầu liên quan đến thủ tục đấu thầu, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án.
Luật xây dựng
Song song với các vấn đề pháp lý của Luật đầu tư, các Luật kinh doanh chuyên ngành, Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật đấu thầu như đã đề cập ở trên thì một phần quan trọng của các vấn đề pháp lý trong dự án về hạ tầng năng lượng là các quy định của Luật xây dựng.
5. Nhóm các vấn đề pháp lý về mua bán sáp nhập
Các luật điều chỉnh về giao dịch mua bán sáp nhập
Đây là nhóm các vấn đề pháp lý phức tạp nhất và trải rộng trên nhiều phương diện tuy nhiên lại chưa thực sự được quy định một cách hệ thống bằng một văn bản pháp luật cụ thể. Các vấn đề pháp lý thuộc nhóm này được quy định rải rác tại Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật kinh doanh chuyên ngành, các Luật thuế, Luật cạnh tranh, Luật chứng khoán, Bộ luật dân sự, Luật thương mại ….
Sự phức tạp của các vấn đề pháp lý này dẫn đến một thực tế là các giao dịch về mua bán sáp nhập luôn được tiến hành dưới dự dẫn dắt, định hướng của các luật sư, công ty luật có kinh nghiệm về các giao dịch mua bán sáp nhập.
6. Nhóm các vấn đề pháp lý về vi phạm và tranh chấp
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư và các hoạt động kinh doanh chuyên ngành là một trong các vấn đề pháp lý ít được doanh nghiệp quan tâm, mặc dù đây là một nội dung phòng ngừa cần được quan tâm một cách chủ động. Các quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính là một phần của các quy định này, ngoài ra còn bao gồm các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về việc xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực.
Lựa chọn cơ quan tài phán
Các quy định pháp luật về việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp trong quá trình tham gia vào các hợp đồng, giao dịch cũng cần được quan tâm một cách thỏa đáng bởi mỗi cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ kèm theo các quy trình tố tụng khác biệt và theo những trình tự, thủ tục khác biệt.
Khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp
Các quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng hình sự và đôi khi là cả các quy định pháp luật của Bộ luật hình sự cũng cần được quan tâm một cách thỏa đáng trong các tình huống phòng ngừa, đặc biệt là các quy định pháp luật của Bộ luật hình sự liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trách nhiệm của người quản lý. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các vấn đề pháp lý về trách nhiệm dân sự, nghĩa vụ bồi thường của doanh nghiệp với tư cách là đối tác trong các giao dịch kinh doanh và với tư cách là bên sử dụng lao động trong các quan hệ lao động.
Các vấn đề pháp lý được đề cập trong bài viết này có thể phát sinh đồng thời trong một hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp và việc quan tâm thích đáng đến từng vấn đề pháp lý này cần được doanh nghiệp coi như một hoạt động xuyên suốt trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Chi phí cho việc thuê luật sư riêng hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý từ bên ngoài được coi là chi phí hợp lệ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và trên tất cả là sự an toàn cho từng hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp.
Trong thực tế, doanh nghiệp có thể còn có nhiều vấn đề pháp lý cần phải quan tâm hơn những quy định được đề cập đến trong bài viết này, do đặc thù hoạt động kinh doanh của khách hàng hoặc khách hàng phải tiếp cận với một hoạt động, giao dịch từ một khía cạnh khác. Để có thể đảm bảo sự toàn diện, có lẽ phải liệt kê hầu hết các quy định pháp luật mà phạm vi điều chỉnh có liên quan đến tổ chức, quản lý, hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin đề cập đến các vấn đề pháp lý chính mang tính đại diện cho công tác tổ chức, quản lý, hoạt động, giao dịch mà thôi.
Mọi ý kiến đóng góp, xin gửi cho BFSC hoặc liên hệ với tác giả bài viết.