Cẩn trọng với quy định về “thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam” trong việc lựa chọn Trọng tài, Tòa án nước ngoài.
Cẩn trọng với quy định về “thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam” trong việc lựa chọn Trọng tài, Tòa án nước ngoài để giải quyết các tranh chấp vốn, cổ phần liên quan đến doanh nghiệp có quyền đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Các bên nước ngoài có xu hướng lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các giao dịch liên quan đến vốn, cổ phần trong doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp đó có quyền đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam. Lập luận được đưa ra là do cổ đông, thành viên công ty, chủ sở hữu doanh nghiệp chỉ là chủ sở hữu đối với phần vốn góp, cổ phần, vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp và gián tiếp sở hữu các bất động sản này thông qua việc kiểm soát vốn điều lệ của doanh nghiệp; do đó, chủ thể các quyền tài sản đối với bất động sản là doanh nghiệp và trong trường hợp có tranh chấp về vốn, cổ phần trong doanh nghiệp đó thì sẽ không được coi tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản.
Tuy nhiên, các phán quyết của Tòa án Việt Nam trong quá trình giải quyết thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài liên quan đến các tranh chấp vốn, cổ phần trong doanh nghiệp có quyền đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam lại cho thấy lập luận được đưa ra để lựa chọn Trọng tài, Tòa án nước ngoài như trên là không hoàn toàn chính xác.
Để tiếp tục cho bài viết, tác giả giới thiệu tóm tắt ba quyết định phúc thẩm dưới đây:
[I]. Vụ việc thứ nhất:
Quyết định 28/2020/QĐKDTM-PT ngày 29 tháng 06 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Xem chi tiết tại đây https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta507307t1cvn/chi-tiet-ban-an)
Quyết định số 28/2020/QĐKDTM-PT ngày 29 tháng 06 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài giữa Người được thi hành: Bà O, một cá nhân mang quốc tịch Hàn Quốc và Người phải thi hành: Công ty TNHH S, một pháp nhân có trụ sở tại Việt Nam.
Nội dung vụ việc:
Bà O sở hữu 100% phần vốn góp trong Công ty TNHH P (một pháp nhân có trụ sở tại Việt Nam) thỏa thuận bán toàn bộ 100% phần vốn góp này cho Công ty TNHH S (một pháp nhân có trụ sở tại Việt Nam). Căn cứ hợp đồng mua bán phần vốn góp, bà O đã bàn giao toàn bộ nhà xưởng của Công ty TNHH P cho Công ty TNHH S quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, Công ty TNHH S không thanh toán khoản tiền nhận chuyển nhượng phần vốn góp cho bà O và bà O đã khởi kiện tại Tòa án Hàn Quốc. Bản án của Tòa án Hàn Quốc buộc Công ty TNHH S phải trả cho bà O khoản tiền nhận chuyển nhượng phần vốn góp theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và khoản lãi. Bà O yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án Hàn Quốc nêu trên.
Quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đ đã không công nhận và cho thi hành bản án của Tòa Án Hàn Quốc. Quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đ với lập luận như sau:
[2.1] Căn cứ Hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa bà O và Công ty TNHH S, bà O chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH P cho Công ty TNHH S. Trong đó tại điểm d mục 3 của hợp đồng xác định bà O phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh bà O được quyền chuyển nhượng vốn điều lệ và các quyền liên quan đến sử dụng đất, tòa nhà, cơ sở vật chất cho Công ty TNHH S. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên đã thể hiện chuyển nhượng toàn bộ Công ty TNHH P.
[2.2] Tài sản bà O chuyển nhượng cho Công ty TNHH S có nhà xưởng, máy móc, … gắn liền trên diện tích 10.000m2 là bất động sản, tọa lạc tại thành phố T2, tỉnh L, Việt Nam đã được UBND tỉnh L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Tranh chấp giữa bà O và Công ty TNHH S là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH P có trụ sở tại tỉnh L, Việt Nam và Công ty TNHH S có trụ sở tại tỉnh Đ, Việt Nam.
[2.3] Căn cứ theo quy định pháp luật Việt Nam, tại Điều 469, điểm a khoản 1 Điều 470 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt giữa bà O và Công ty TNHH S đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam.
[II] Vụ việc thứ hai:
Quyết định số 12/2023/QĐPT-KDTM ngày 07 tháng 03 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1245158t1cvn/chi-tiet-ban-an)
Quyết định phúc thẩm số 12/2023/QĐPT-KDTM ngày 07 tháng 03 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về việc “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án Đại Hàn Dân Quốc” giữa: Người được thi hành: Một cá nhân là ông K1 mang quốc tịch Hàn Quốc và Người phải thi hành gồm: (i) Một nhà đầu tư nước ngoài là S.INC – pháp nhân mang quốc tịch Hàn Quốc; (ii) Một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Công ty TNHH S2 (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) do S.INC sở hữu 100% vốn điều lệ.
Nội dung vụ việc:
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty TNHH S2 có chủ sở hữu duy nhất là S.INC. Tuy nhiên, theo các bản án có hiệu lực của Tòa án Đại Hàn Dân Quốc (“Tòa Án Hàn Quốc”) thì ông K1 mới là ng K1 là chủ sở hữu hợp pháp 100% vốn Điều lệ tại Công ty S2. Ông K1 yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành các bản án của Tòa Án Hàn Quốc để ông K1 có thể thực hiện quyền sở hữu trong Công ty TNHH S2.
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của Người phải thi hành, theo đó công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án của Tòa Án Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết với các nhận định như sau:
[2.1] Công ty TNHH S2 là công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có tư cách pháp nhân, được Ủy ban nhân dân tỉnh B, Việt Nam cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích 5.193 m2, mục đích sử dụng: Đất khu công nghiệp, nguồn gốc sử dụng: Thuê đất của doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thời điểm sử dụng đến ngày 29/09/2053.
[2.2] Tại Bản án của Tòa Án Hàn Quốc, phần Lập Luận có nhận định: Thông tin cơ bản: Thông tin dưới đây không có mâu thuẫn hoặc được công nhận dựa trên bằng chứng A1 đến 26, Bằng chứng B1 đến 4 và 9 tại phần [4] cho rằng S.INC đã mua quyền sử dụng tại huyện B1, tỉnh B, Việt Nam vào tháng 12 năm 2007, bắt đầu xây dựng Nhà máy và hoàn thiện vào tháng 8 năm 2009 và Quyết định 100% vốn góp chủ sở hữu công ty có trong danh sách tại phụ lục 1 (tức Công ty TNHH S2) thuộc về nguyên đơn (tức Người được thi hành là ông K1).
Như vậy 100% vốn sở hữu này bao gồm vốn góp, các tài sản hình thành trong quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH S2, quyền sử dụng đất, các tài sản gắn liền với đất.
Cũng theo bản án trên thì ông K1 và Công ty TNHH S2 thỏa thuận sau khi thành lập Nhà máy tại huyện B1, tỉnh B, Việt Nam thì chủ sở hữu có thể chuyển nhượng cho nguyên đơn và cho rằng đó là chứng cứ để Tòa án lập luận làm rõ quyền sở hữu.
[2.3] Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 470 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.
Như đã phân tích ở phần trên, bản án của Tòa Án Hàn Quốc công nhận 100% vốn sở hữu cho ông K1 có liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà xưởng, tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh B, Việt Nam nên nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định tại mục [2.4] cho rằng tranh chấp ai là chủ sở hữu vốn góp của Công ty TNHH S2 không phải là tranh chấp về bất động sản nên không thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam là không chính xác. Bởi vì, vốn góp của ông K1 có liên quan đến quyền sử dụng đất đã thuê của Nhà nước Việt Nam của Công ty TNHH S2 nên phải thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam và theo quy định tại Điều 439 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì các bản án của Tòa Án Hàn Quốc sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
[III] Vụ việc thứ ba:
Quyết định số 09/2023/HS-PT ngày 17/01/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ( xem chi tiết tại đây https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1176341t1cvn/chi-tiet-ban-an)
Quyết định số 09/2023/HS-PT ngày 17/01/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài” giữa Người được thi hành: (i) GPS, một Quỹ đầu tư có quốc tịch Hàn Quốc; (ii) UTC, một Công ty quản lý quỹ có quốc tịch Hàn Quốc và Người phải thi hành là VMG, một pháp nhân có quốc tịch Việt Nam.
Theo phán quyết Trọng tài Singapore, VMS phải thanh toán cho GPS và UTC các khoản tiền xuất phát từ yêu cầu bồi thường thiệt hại của GPS và UTC do VMS cung cấp thông tin không đúng sự thật trong hợp đồng mua bán cổ phần giữa hai bên.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã [cùng với các lập luận khác] nhận định:
Từ những phân tích trên, thấy rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết khi có vi phạm về thủ tục tố tụng (điểm c khoản 1 điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự) đã không đảm bảo quyền bình đẳng của các bên theo quy định tại điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015, điều 8 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, điều 4 Luật trọng tài thương mại là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nên phải bị từ chối theo điều 5 công ước New York.
Đồng thời, xét thấy nếu cho công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo yêu cầu của SPS và UTC thì được hiểu là trong quá trình thi hành án quyết của trọng tài thì sẽ phải thi hành các tài sản là bất động sản của VMG tại Việt Nam và theo Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về “Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam” thì chỉ có Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết việc liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, Hội đồng xét đơn cấp phúc thẩm thấy quyết định của Hội đồng xét đơn cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo yêu cầu của GPS và UTC là có căn cứ.
Các phán quyết được tóm tắt trong bài viết là các quyết định phúc thẩm của Tòa án Việt Nam trong quá trình giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài liên quan đến tranh chấp vốn, cổ phần trong doanh nghiệp và doanh nghiệp đó có quyền đối với tài sản bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam. Trong các phán quyết này, Tòa án Việt Nam đã từ chối yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài với lý do các vụ tranh chấp đó thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trước hết, cần nhắc lại rằng điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
Điều 470. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam”.
Điều luật thường dễ bị hiểu theo hướng là chỉ những tranh chấp giữa các chủ thể bất kỳ với hoặc giữa các chủ thể có quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam và đã có cơ sở để xác định là chủ thể có các quyền đó (như trường hợp doanh nghiệp được cho thuê đất để thực hiện dự án trong vụ việc thứ nhất và vụ việc thứ hai hoặc doanh nghiệp có sở hữu bất động sản như trong vụ việc thứ ba) liên quan đến quyền tài sản là các bất động sản thì mới được coi là thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định này.
Tuy nhiên, các quyết định được ban hành bởi Tòa án Việt Nam được đề cập trong bài cho thấy rằng nội hàm của cụm từ “vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam” là rất rộng, quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam trong các bản án này đã được giải thích không chỉ bao gồm quyền của chủ thể trực tiếp (như Tòa án đã lập luận và đề cập trong vụ việc thứ nhất và vụ việc thứ hai) và sự liên quan giữa vụ án dân sự với các quyền đối với tài sản là bất động sản không chỉ giới hạn ở việc xét xử mà còn bao gồm cả quá trình thi hành án (như trong lập luận của Tòa án ở vụ việc thứ ba).
Trong vụ việc thứ nhất và vụ việc thứ hai, tranh chấp của các bên đối với giao dịch chuyển nhượng vốn là tranh chấp liên quan đến 100% vốn Điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Còn trong vụ việc thứ ba, tranh chấp đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần là tranh chấp liên quan đến 62,25% vốn Điều lệ của Công ty cổ phần. Điểm chung của các công ty có liên quan này là đều có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định tại Điều 5 Luật đất đai hiện hành (Luật đất đai năm 2013) thì “người sử dụng đất” được xác định bao gồm tổ chức kinh tế trong nước (khoản 1 Điều 5) hoặc Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư (khoản 7 Điều 5). Tuy nhiên, trong các vụ việc được đề cập, chủ thể của các tranh chấp ở đây không phải là các doanh nghiệp giữ vai trò là “người sử dụng đất” như được quy định tại Điều 5 Luật đất đai năm 2013 mà là tranh chấp của:
(i) Chủ sở hữu công ty, liên quan đến 100% vốn điều lệ trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong vụ việc thứ nhất và vụ việc thứ hai;
(ii) Cổ đông nắm giữ 62,25% vốn điều lệ trong công ty cổ phần, trong vụ việc thứ hai.
Trong các vụ việc được đề cập, các bên tranh chấp và bản thân vụ tranh chấp không liên quan một cách trực tiếp đến quyền đối với tài sản là các bất động sản trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, các phán quyết của Tòa án đã đề cập đến sự liên quan của các tranh chấp này đến các quyền đối với tài sản là bất động sản của doanh nghiệp với ý nghĩa là sự liên quan một cách gián tiếp.
Lập luận của Tòa án tại các quyết định trong các vụ việc được viện dẫn không đề cập rõ ràng đến sự “liên quan” hay “quyền đối với tài sản” trong các trường hợp này được xác định dựa trên các quy định pháp luật nào. Tòa án cũng không đề cập rõ ràng đến việc Tòa án dựa trên (i) quyền của cổ đông, chủ sở hữu trong trường hợp chấp thuận hoặc phủ quyết các quyết định có liên quan đến tài sản là bất động sản của doanh nghiệp hay (ii) doanh nghiệp đó được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thủ tục tố tụng dân sự, thủ tục thi hành án để xác định vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Lập luận trong các quyết định khá là chung chung và không viện dẫn các điều luật có liên quan để làm cở sở để xác định tranh chấp đó là thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án ngoài việc sử dụng chính quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án để đưa ra quyết định.
Rõ ràng là theo cách lập luận và theo cách diễn giải của các quyết định này, hầu hết các tranh chấp về vốn, cổ phần mà quá trình xét xử hoặc thi hành án có thể liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam của bất kỳ chủ thể được coi là có liên quan nào đến việc xét xử, thi hành án đều có thể bị coi là thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo tinh thần của Điều 470.1(a) Bộ luật tố tụng dân sự.
Cũng cần lưu ý một thực tế rằng do các tranh chấp này, sau khi được xét xử bởi Tòa án nước ngoài, Trọng tài nước ngoài còn phải trải qua một trong các thủ tục tại Tòa án Việt Nam là (i) yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc (ii) yêu cầu không công nhận tại Việt Nam nên mới bị xem xét và từ chối dựa trên cơ sở của Điều 470.1(a) Bộ luật tố tụng dân sự. Các tranh chấp tương tự, nếu được giải quyết và ban hành phán quyết bởi Trọng tài trong nước sẽ không phải trải qua các thủ tục này tại Tòa án Việt Nam và hiệu lực của phán quyết Trọng tài trong nước trong các tình huống tương tự sẽ là một chủ đề cần được làm rõ (tác giả sẽ đề cập trong một bài viết khác).
Mọi ý kiến đóng góp về bài viết, vui lòng liên hệ với tác giả bài viết.