Chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng
Chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng
Chào bán cổ phiếu riêng lẻ là hoạt động chào bán cổ phần đáp ứng hai điều kiện gồm (i) không chào bán qua phương tiện thông tin đại chúng; và (ii) chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Chào bán cổ phiếu riêng lẻ là một hình thức được doanh nghiệp ưa chuộng để tìm kiếm cổ đông mới với các tiêu chí lựa chọn cổ đông được xác định rõ ràng. Đây cũng là hình thức phổ biến được sử dụng để gọi vốn.
Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật BFSC giới thiệu một số quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ và hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ áp dụng đối với công ty đại chúng. Cần lưu ý rằng, một giao dịch chào bán cổ phiếu riêng lẻ có rất nhiều vấn đề pháp lý, tài chính, quản lý và có rất nhiều công việc phải thực hiện. Nội dung bài viết này của BFSC chỉ giới thiệu một phần nhỏ các quy định pháp luật có liên quan, chỉ nên được sử dụng để tham khảo và không nên coi là quan điểm tư vấn của BFSC đối với bất kỳ vấn đề pháp lý có liên quan nào trong một giao dịch chào bán cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Bài viết này không đề cập đến việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của các công ty cổ phần không được coi là công ty cổ phần đại chúng. Bài viết này cũng không đề cập đến các quy định về chào bán cổ phiếu riêng lẻ đặc thù áp dụng cho công ty cổ phần đại chúng trong các trường hợp: (i) chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá thấp hơn mệnh giá; (ii) chào bán cổ phiếu ưu đãi kèm theo chứng quyền riêng lẻ; (iii)
Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng
(i) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;
(ii) Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
(iii) Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;
(iv) Các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất;
(v) Việc chào bán cổ phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1 Điều 31 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14)
Lưu ý:
(i) Toàn bộ các điều kiện này cũng áp dụng đối với trường hợp chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng (Khoản 3 Điều 31 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14).
(ii) Một phần của các điều kiện này cũng áp dụng đối với trường hợp chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng (Khoản 3 Điều 31 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14), bao gồm các điều kiện sau:
– Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;
– Các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.
Hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng
(i) Giấy đăng ký chào bán theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
(ii) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, trong đó:
– Phương án phát hành nêu rõ: mục đích chào bán; số lượng cổ phiếu chào bán; giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định giá chào bán; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; số lượng nhà đầu tư; nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và số lượng cổ phiếu chào bán cho từng nhà đầu tư hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Những người có quyền lợi liên quan đến đợt chào bán không được tham gia biểu quyết. Trường hợp trong phương án phát hành không nêu cụ thể giá chào bán, nguyên tắc xác định giá chào bán thì giá chào bán được xác định theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;
– Trường hợp đợt chào bán nhằm mục đích huy động tiền để thực hiện dự án, phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán phải bao gồm nội dung về phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
(iii) Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua đối tượng được chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong trường hợp được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền. Những người có quyền lợi liên quan đến đợt chào bán cổ phiếu không được tham gia biểu quyết.
(iv) Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua hồ sơ đăng ký chào bán. Đối với việc chào bán cổ phiếu của tổ chức tín dụng, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đề nghị tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng. Đối với việc chào bán cổ phiếu của tổ chức kinh doanh bảo hiểm, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
(v) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (trong trường hợp được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền) thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
(vi) Cam kết của tổ chức phát hành về việc không vi phạm quy định về sở hữu chéo của Luật Doanh nghiệp.
(vii) Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
(viii) Tài liệu cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư (nếu có).
(ix) Tài liệu sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán (nếu có).