Chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng
Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu vắn tắt các quy định pháp luật về chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng. Nội dung bài viết thuần túy đề cập đến các quy định pháp luật và chủ yếu là các quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (“Luật chứng khoán”) và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán (“Nghị định 155/2020/NĐ-CP”).
Trái phiếu có bảo đảm là gì?
Khoản 8 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định “Trái phiếu có bảo đảm là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều 23 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định thêm rằng bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi trái phiếu được thực hiện bằng một hoặc một số phương thức sau:
a) Bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Bảo đảm bằng tài sân của tổ chức phát hành, tài sản của bên thứ ba. Tài sản bảo đảm phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và được đăng ký, xử lý theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đối tượng được phép chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng?
Khoản 3 Điều 18 Luật Chứng khoán quy định tổ chức phát hành là “doanh nghiệp”. Tuy nhiên theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 thì công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân không được phép phát hành chứng khoán. Do đó, đối tượng được phép chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng sẽ chỉ bao gồm công ty cổ phần (đại chúng hoặc chưa đại chúng) và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Điều kiện chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng
Điều 23 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định điều kiện chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng gồm 3 điều kiện chính như sau:
(1) Đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này (về các điều kiện quy định tại Điều 19, xin xem chi tiết tại bài viết “chào bán trái phiếu ra công chúng tại thị trường Việt Nam”).
(2) Được bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi trái phiếu bằng một hoặc một số phương thức sau:
a) Bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Bảo đảm bằng tài sân của tổ chức phát hành, tài sản của bên thứ ba. Tài sản bảo đảm phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và được đăng ký, xử lý theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
(3) Có Đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
Đại diện người sở hữu trái phiếu?
Điều 24 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu như sau:
1.Trước khi trái phiếu được phát hành, Đại diện người sở hữu trái phiếu do tổ chức phát hành chỉ định.
2. Đại diện người sở hữu trái phiếu không phải tổ chức bảo lãnh thanh toán của tổ chức phát hành, bên sở hữu tài sản bảo đảm của trái phiếu hoặc cổ đông lớn hoặc người có liên quan của tổ chức phát hành.
3. Đại diện người sở hữu trái phiếu có tối thiểu các trách nhiệm sau:
a) Giám sát việc tuân thủ các cam kết của tổ chức phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu;
b) Làm trung gian liên lạc giữa người sở hữu trái phiếu, tổ chức phát hành và các tổ chức có liên quan khác;
c) Yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi tổ chức phát hành không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu;
d) Trường hợp trái phiếu được bảo đảm thanh toán bằng phương thức bảo đảm bằng tài sản, Đại diện người sở hữu hái phiếu là tổ chức nhận và quản lý tài sản bảo đảm, thay mặt người sở hữu trái phiếu thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo đúng điều khoản hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;
đ) Trường hợp Đại diện người sở hữu trái phiếu không được nhận tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Đại diện người sở hữu trái phiếu phải chỉ định bên thứ ba nhận tài sản bảo đảm. Tổ chức nhận tài sản bảo đảm có trách nhiệm phối hợp với Đại diện người sở hữu trái phiếu để quản lý và thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo điều khoản hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự;
e) Báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong trường hợp phát hiện tổ chức phát hành có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.
4. Đại diện người sở hữu trái phiếu được thay đổi khi được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận. Trường hợp thay đổi các điều khoản khác tại Hợp đồng đại diện người sở hữu trái phiếu, việc thay đổi phải đồng thời được cấp có thẩm quyền của tổ chức phát hành thông qua.
Hồ sơ chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng
Điều 25 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng gồm có:
1. Các tài liệu quy định tại Điều 20 Nghị định này (các tài liệu này, xin xem thêm trong bài viết “chào bán trái phiếu ra công chúng tại thị trường Việt Nam”).
2. Văn bản cam kết bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp trái phiếu được bảo đảm theo phương thức bảo lãnh thanh toán.
3. Đối với trường hợp bảo đảm bằng tài sản: tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản được dùng để bảo đảm thanh toán trái phiếu; cam kết của bên thứ ba sở hữu tài sản bảo đảm về việc dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu (trường hợp bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba); hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm giữa bên sở hữu tài sản bảo đảm, Đại diện người sở hữu trái phiếu, bên nhận tài sản bảo đảm khác (trường hợp Đại diện người sở hữu trái phiếu không được nhận tài sản bảo đảm) và tổ chức phát hành; hợp đồng bảo hiểm tài sản (nếu có) đối với các tài sản này; chứng thư thẩm định giá tài sản bảo đảm còn hiệu lực; văn bản xác nhận đã đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản được dùng để bảo đảm (nếu có). Văn bản xác nhận đã đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản được dùng để bảo đảm phải được gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán.
4. Hợp đồng đại diện người sở hữu trái phiếu giữa tổ chức phát hành với Đại diện người sở hữu trái phiếu.
Trình tự, thủ tục chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng
Trình tự, thủ tục chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng được áp dụng theo quy định về trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng, xin xem chi tiết tại bài viết này.
Cần lưu ý rằng: các quy định pháp luật được giới thiệu trong bài viết này không thể hiện quan điểm tư vấn của người viết bài hay Công ty luật BFSC về một giao dịch chào bán trái phiếu ra công chúng cụ thể. Việc thẩm định hồ sơ thực tế và cung cấp các ý kiến tư vấn, diễn giải quy định pháp luật cho các giao dịch chào bán chứng khoán ra công chúng đòi hỏi những yêu cầu phức tạp. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người đọc chỉ sử dụng thông tin trong bài viết với mục đích tham khảo. Trong trường hợp doanh nghiệp dự kiến chào bán trái phiếu ra công chúng, vui lòng liên hệ với các luật sư về tài chính và công ty luật về tài chính để được tư vấn chi tiết.