Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Trong bài viết này, Công ty luật BFSC đề cập đến (i) cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu; (ii) cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu; (iii) quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; (iv) quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch công ty; (v) Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; (vi) Giám đốc, Tổng giám đốc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Các vấn đề có liên quan đến người đại diện theo pháp luật và Ban kiểm soát, kiểm soát viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn tại các link dẫn kèm trong bài viết. BFSC vẫn luôn luôn khuyến cáo rằng các bài viết được đăng tải trên website của chúng tôi chỉ nên được sử dụng với mục đích tham khảo, không phải là quan điểm tư vấn chính thức của chúng tôi đối với một vấn đề pháp lý cụ thể của nào có khả năng phát sinh trong quá trình tổ chức quản lý của bất kỳ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tương tự nào.
Nội dung vài viết
(i) Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu;
(ii) Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu;
(iii) Thẩm quyền của Chủ sở hữu công ty tnhh một thành viên là cá nhân;
(iv) Thẩm quyền của Chủ sở hữu công ty tnhh một thành viên là tổ chức;
(v) Hội đồng thành viên và thẩm quyền;
(vi) Chủ tịch Hội đồng thành viên và thẩm quyền;
(vii) Chủ tịch công ty và thẩm quyền;
(viii) Giám đốc, Tổng giám đốc và thẩm quyền;
(ix) Trách nhiệm chung của người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Đối với công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước trong đó Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp khác do công ty quyết định.
Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
(Điều 79 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
(Điều 85 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14)
Thẩm quyền của các cơ quan quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Thẩm quyền của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức
(i) Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
(ii) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
(iii) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty;
(iv) Quyết định dự án đầu tư phát triển;
(v) Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
(vi) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
(vii) Thông qua báo cáo tài chính của công ty;
(viii) Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
(ix) Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;
(x) Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;
(xi) Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
(xii) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
(xiii) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
(xiv) Quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Quyền của chủ sở hữu công ty là cá nhân
(i) Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty,
(ii) Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
(iii) Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
(iv) Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
(v) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
(vi) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
(Điều 76 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty
(i) Góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.
(ii) Tuân thủ Điều lệ công ty.
(iii) Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
(iv) Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
(v) Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
(vi) Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
(vii) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
(Điều 77 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty trong một số trường hợp đặc biệt
(i) Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, tặng cho một phần vốn điều lệ cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác hoặc công ty kết nạp thêm thành viên mới thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng, tặng cho hoặc kết nạp thành viên mới.
(ii) Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty.
(iii) Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu công ty hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
(iv) Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân mất tích thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
(v) Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân mà bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty được thực hiện thông qua người đại diện.
(vi) Trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức mà bị giải thể hoặc phá sản thì người nhận chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu trở thành chủ sở hữu hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.
(vii) Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân mà bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc chủ sở hữu công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì cá nhân đó không được hành nghề, làm công việc nhất định tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.
(Điều 78 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14)
Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên có từ 03 đến 07 thành viên. Thành viên Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Khoản 1 Điều 80 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14)
Chủ tịch Hội đồng thành viên
Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu theo nguyên tắc đa số theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nhiệm kỳ, quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại Điều 56 về Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
(Khoản 3 Điều 80 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14)
Khác biệt so với quy định về Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
(i) Tỷ lệ thành viên dự họp cuộc họp Hội đồng thành viên
Cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng thành viên dự họp.
Trong khi cuộc họp Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được tiến hành theo quy tắc sau:
– Cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ nhất được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
– Cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở lên;
– Cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc số thành viên dự họp và số vốn điều lệ được đại diện bởi số thành viên dự họp.
(ii) Tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên
Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thông qua khi có trên 50% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được ít nhất 75% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số phiếu biểu quyết trở lên tán thành.
Trong khi đó, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thông qua tại cuộc họp trong trường hợp sau đây:
– Được các thành viên dự họp sở hữu từ 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành, trừ:
– Được các thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành đối với nghị quyết, quyết định bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.
Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Chủ tịch công ty do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm. Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Điều 81 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Giám đốc, Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 05 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
(i) Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
(ii) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
(iii) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
(iv) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty;
(v) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
(vi) Ký hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
(vii) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
(viii) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
(ix) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
(x) Tuyển dụng lao động;
(xi) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
(Điều 82 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Trách nhiệm của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác, Kiểm soát viên
(i) Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
(ii) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.
(iii) Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
(iv) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
(v) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
(Điều 83 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh