Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước
Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm có: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
(ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm có: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật BFSC giới thiệu các quy định pháp luật liên quan đến cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Cần lưu ý rằng, cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước được giới thiệu trong bài viết này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nội dung bài viết này không đề cập đến cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần. Cũng cần lưu ý rằng nội dung bài viết này chỉ có ý nghĩa tham khảo, không phải là quan điểm tư vấn chính thức của BFSC về cơ cấu tổ chức quản lý của một doanh nghiệp nhà nước cụ thể. Quan điểm tư vấn chính thức của BFSC chỉ được cung cấp cho khách hàng trên cơ sở thỏa thuận dịch vụ với các điều kiện và điều khoản dịch vụ tư vấn cụ thể, áp dụng cho tình huống công việc cụ thể của Khách hàng.
Nội dung bài viết
(i) Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước;
(ii) Hội đồng thành viên và thẩm quyền;
(iii) Chủ tịch Hội đồng thành viên và thẩm quyền;
(iv) Chủ tịch công ty và thẩm quyền;
(v) Giám đốc, Tổng giám đốc và thẩm quyền;
(vi) Ban kiểm soát và thẩm quyền;
(vii) Kiểm soát viên và thẩm quyền.
Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước
Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:
(1) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát;
(2) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.
(Điều 90 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu
Hội đồng thành viên bao gồm Chủ tịch và các thành viên khác, số lượng không quá 07 người. Thành viên Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật. Hội đồng thành viên nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hội đồng thành viên nhân danh công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, cổ đông, thành viên đối với công ty do công ty làm chủ sở hữu hoặc sở hữu cổ phần, phần vốn góp.
Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
(i) Quyết định các nội dung theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
(ii) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc;
(iii) Quyết định kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm, chủ trương phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ của công ty;
(iv) Tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ và quyết định thành lập đơn vị kiểm toán nội bộ của công ty;
(v) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ công ty, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Điều 91, Điều 92 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Chủ tịch Hội đồng thành viên
Chủ tịch Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Hội đồng thành viên không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty và doanh nghiệp khác.
Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
(i) Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng quý và hằng năm của Hội đồng thành viên;
(ii) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
(iii) Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
(iv) Tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên;
(v) Tổ chức giám sát, trực tiếp giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý, điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
(vi) Tổ chức công bố, công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực và tính hệ thống của thông tin được công bố.
(Điều 95 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Chủ tịch công ty
Chủ tịch công ty do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật Chủ tịch công ty có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Một cá nhân được bổ nhiệm không quá hai nhiệm kỳ, trừ trường hợp người được bổ nhiệm đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu.
Chủ tịch công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 92 (Quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thành viên) và Điều 97 (Trách nhiệm của Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên) của Luật doanh nghiệp.
(Điều 99 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Giám đốc, Tổng giám đốc và Phó giám đốc, Phó Tổng giám đốc
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm vụ điều hành các hoạt động hằng ngày của công ty và có quyền, nghĩa vụ sau đây:
(i) Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty;
(ii) Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty;
(iii) Quyết định các công việc hằng ngày của công ty;
(iv) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chấp thuận;
(v) Bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
(vi) Ký kết hợp đồng, giao dịch nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
(vii) Lập và trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh doanh; báo cáo tài chính;
(viii) Kiến nghị phân bổ và sử dụng lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
(ix) Tuyển dụng lao động;
(x) Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty;
(xi) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Công ty có một hoặc một số Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc. Quyền và nghĩa vụ của Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động.
(Điều 100 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14)
Ban kiểm soát, kiểm soát viên
Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
Nghĩa vụ của Ban kiểm soát
(i) Giám sát việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh;
(ii) Giám sát, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty;
(iii) Giám sát và đánh giá việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên và Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
(iv) Giám sát, đánh giá hiệu lực và mức độ tuân thủ quy chế kiểm toán nội bộ, quy chế quản lý và phòng ngừa rủi ro, quy chế báo cáo, quy chế quản trị nội bộ khác của công ty;
(v) Giám sát tính hợp pháp, tính hệ thống và trung thực trong công tác kế toán, sổ sách kế toán, trong nội dung báo cáo tài chính, các phụ lục và tài liệu liên quan;
(vi) Giám sát hợp đồng, giao dịch của công ty với các bên có liên quan;
(vii) Giám sát thực hiện dự án đầu tư lớn; hợp đồng, giao dịch mua, bán; hợp đồng, giao dịch kinh doanh khác có quy mô lớn; hợp đồng, giao dịch kinh doanh bất thường của công ty;
(viii) Lập và gửi báo cáo đánh giá, kiến nghị về nội dung quy định tại các điểm trên cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên;
(ix) Thực hiện nghĩa vụ khác theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu, quy định tại Điều lệ công ty.
Quyền của Ban kiểm soát
(i) Tham gia các cuộc họp Hội đồng thành viên, các cuộc tham vấn, trao đổi chính thức và không chính thức của cơ quan đại diện chủ sở hữu với Hội đồng thành viên; chất vấn Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc về kế hoạch, dự án, chương trình đầu tư phát triển và các quyết định khác trong quản lý, điều hành công ty.
(ii) Xem xét sổ sách kế toán, báo cáo, hợp đồng, giao dịch và tài liệu khác của công ty; kiểm tra công việc quản lý, điều hành của Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
(iii) Yêu cầu Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác báo cáo, cung cấp thông tin trong phạm vi quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty.
(iv) Yêu cầu người quản lý công ty báo cáo về thực trạng tài chính và kết quả kinh doanh của công ty con khi xét thấy cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
(v) Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán để tham mưu và trực tiếp hỗ trợ Ban kiểm soát thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
(vi) Quyền khác quy định tại Điều lệ công ty.
(Điều 103, 105, 105 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14)
Trách nhiệm của Kiểm soát viên
(i) Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của Kiểm soát viên.
(ii) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, công ty và lợi ích hợp pháp của các bên tại công ty.
(iii) Trung thành với lợi ích của Nhà nước và công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
(iv) Trường hợp vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều này mà gây thiệt hại cho công ty thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và thiệt hại còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; hoàn trả lại cho công ty mọi thu nhập và lợi ích có được do vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều này.
(v) Báo cáo kịp thời cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, đồng thời yêu cầu Kiểm soát viên chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả trong trường hợp phát hiện Kiểm soát viên đó vi phạm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm được giao.
(vi) Báo cáo kịp thời cho cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty, Kiểm soát viên khác và cá nhân có liên quan, đồng thời yêu cầu cá nhân đó chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả trong trường hợp sau đây:
– Phát hiện có thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác làm trái quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ hoặc có nguy cơ làm trái quy định đó;
– Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái quy định Điều lệ công ty hoặc quy chế quản trị nội bộ công ty.
(vii) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
(Điều 107 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh