Cơ cấu tổ chức quản lý,của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Cơ cấu tổ chức quản lý,của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật BFSC đề cập đến thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên; thành viên Hội đồng thành viên (thành viên công ty); Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Ngoại trừ quy định về trách nhiệm và khả năng bị khởi kiện, vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật sẽ được đề cập đến trong bài viết “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”; vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm của Ban kiếm soát, kiểm soát viên sẽ được đề cập đến trong bài viết “Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước”.
Nội dung chính của bài viết
(i) Mô hình cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
(ii) Hội đồng thành viên và thẩm quyền
(iii) Chủ tịch Hội đồng thành viên và thẩm quyền
(iv) Giám đốc, Tống giám đốc và thẩm quyền
(v) Thành viên công ty và thẩm quyền
(vi) Các trách nhiệm của người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
(vii) Khởi kiện người quản lý
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phải thành lập Ban kiểm soát. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức.
Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
(i) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
(ii) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn; quyết định phát hành trái phiếu;
(iii) Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty; giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ;
(iv) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
(v) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;
(v) Quyết định mức lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;
(vi) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;
(vii) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
(viii) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;
(ix) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
(x) Quyết định tổ chức lại công ty;
(xi) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;
(xii) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
(Điều 55 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch (Chủ tịch Hội đồng thành viên). Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên do Điều lệ công ty quy định nhưng không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
(i) Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên;
(ii) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên;
(iii) Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên;
(iv) Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
(v) Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
(vi) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
(Điều 56 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Giám đốc, Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Giám đốc, Tổng giám đốc do Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
(i) Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
(ii) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
(iii) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
(iv) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
(v) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý trong công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
(vi) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;
(vii) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
(viii) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;
(ix) Kiến nghị phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
(x) Tuyển dụng lao động;
(xi) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, hợp đồng lao động.
(Điều 63 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Thành viên (thành viên Hội đồng thành viên) công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần vốn điều lệ của công ty.
Thành viên công ty có các quyền sau đây:
(i) Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
(ii) Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp, trừ khoảng thời gian góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp;
(iii) Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
(iv) Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản;
(v) Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ;
(vi) Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
(vii) Tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác theo quy định tại Điều 72 của Luật doanh nghiệp;
(viii) Quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Ngoài các quyền quy định trên, thành viên, nhóm thành viên (i) sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc (ii) một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định hoặc (iii) thuộc trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ (và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn) có các quyền sau đây:
(i) Yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền;
(ii) Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;
(iii) Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên và tài liệu khác của công ty;
(iv) Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Thành viên công ty có các nghĩa vụ sau đây:
(i) Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, trừ trường hợp quy định liên quan đến nghĩa vụ của thành viên công ty trong thời gian thực hiện việc góp vốn và thời gian chờ thay đổi đăng ký phần vốn góp, tỷ lệ vốn góp nếu hết thời hạn góp vốn mà không góp vốn hoặc chưa góp đủ vốn.
(ii) Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp
– Thành viên công ty yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp theo Điều 51 của Luật doanh nghiệp;
– Thành viên công ty chuyển nhượng phần vốn góp theo Điều 52 Luật doanh nghiệp;
– Công ty hoàn trả phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ góp vốn hoặc thành viên công ty không góp, không góp đủ vốn sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
(iii) Tuân thủ Điều lệ công ty.
(iv) Chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
(v) Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây:
– Vi phạm pháp luật;
– Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác;
– Thanh toán khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.
(vi) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Trách nhiệm của người quản lý công ty trách nhiện hữu hạn hai thành viên trở lên
(i) Thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;
(ii) Trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
(iii) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối;
(iv) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
(v) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được tăng tiền lương, trả thưởng khi công ty không có khả năng thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn.
(Điều 71 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14).
Khởi kiện người quản lý
Thành viên công ty tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác do vi phạm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý trong trường hợp sau đây:
(i) Vi phạm quy định về trách nhiệm của người quản lý quy định tại Điều 71 của Luật doanh nghiệp;
(ii) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với quyền và nghĩa vụ được giao;
(iii) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Điều cần lưu ý rằng khái niệm “người quản lý” trong quy định về trách nhiệm của người quản lý theo Điều 71 Luật doanh nghiệp và trong quy định về khởi kiện người quản lý theo Điều 72 Luật doanh nghiệp này sẽ được giải thích theo khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp, theo đó:
‘Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty”
Tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh