Đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường.
Đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường là hai thủ tục pháp lý quan trọng về môi trường đối với các dự án đầu tư. Trong bài viết này, Công ty luật BFSC giới thiệu vắn tắt các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường theo Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 (“Luật BVMT năm 2020”).
Đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường
1. Tiêu chí về môi trường và phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường
1.1. Tiêu chí về môi trường
Khoản 1 Điều 28 Luật BVMT năm 2020 quy đinh ba tiêu chí về môi trường bao gồm:
(i) Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
(ii) Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; Quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên;
(iii) Yếu tố nhạy cảm về môi trường gồm khu dân cư tập trung; nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, thủy sản; các loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên khác; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; vùng đất ngập nước quan trọng; yêu cầu di dân, tái định cư và yếu tố nhạy cảm khác về môi trường.
1.2. Phân loại dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường
Dựa trên các tiêu chí về môi trường đã được viện dẫn, Điều 28 Luật BVMT năm 2020 phân loại dự án đầu tư thành bốn nhóm, bao gồm:
(i) Dự án đầu tư thuộc nhóm I: Là dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao;
(ii) Dự án đầu tư nhóm II: Là dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án thuộc nhóm I;
(iii) Dự án đầu tư nhóm III: Là dự án đầu tư ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ những dự án đầu tư thuộc nhóm I và nhóm II;
(iv) Dự án đầu tư nhóm IV: Là dự án đầu tư không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gồm các dự án không thuộc nhóm I, II, III.
2. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Theo Điều 29 Luật BVMT năm 2020, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là các dự án đầu tư thuộc nhóm I và thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường là trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
3. Đánh giá tác động môi trường
3.1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
Theo quy định tại Điều 30 Luật BVMT năm 2020, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm có:
(i) Dự án đầu tư nhóm I được quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật BVMT năm 2020;
(ii) Dự án đầu tư nhóm II được quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 Luật BVMT năm 2020;
3.2. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Theo quy định tại Điều 35 Luật BVMT năm 2020, thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định như sau.
(i) Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối vớiựd án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật BVMT năm 2020; và dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 Luật BVMT năm 2020 nếu các dự án này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; dự án đầu tư nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm hành chính của UBND cấp tỉnh; dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quyết định giao khu vực biển của Bộ tài nguyên và môi trường.
(ii) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
(iii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường còn lại. Bộ, Cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.
3.3. Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường
Khoản 1 Điều 33 Luật BVMT năm 2020 quy định, chủ đầu tư dự án phải thực hiện tham vấn đối với (i) cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư và (ii) cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư.
Khoản 5 Điều 33 Luật BVMT năm 2020 quy định, kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết quả tham vấn phải được tiếp thu, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn, đối tượng quan tâm đến dự án đầu tư (nếu có). Trường hợp ý kiến, kiến nghị không được tiếp thu, chủ dự án đầu tư phải giải trình đầy đủ, rõ ràng. Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3.4. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BVMT năm 2020, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm có:
(i) Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
(ii) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
(iii) Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.
3.5. Giá trị của quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Theo quy định tại khoản 5 Điều 36 Luật BVMT năm 2020, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các việc sau đây:
(i) Cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản;
(ii) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí;
(iii) Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
(iv) Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng;
(v) Cấp giấy phép môi trường;
(vi) Cấp giấy phép nhận chìm ở biển; quyết định giao khu vực biển;
(vii) Quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng quy định tại các mục từ (i) đến (vi) nêu trên.
3.6. Các trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Điều 37 Luật BVMT năm 2020 quy định các trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường như sau:
(i) Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 114 của Luật BVMT năm 2020, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
(ii) Điều chỉnh, bổ sung nội dung của dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
(iii) Thực hiện đầy đủ các nội dung trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
(iv) Có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
(v) Thực hiện một trong các thủ tục được quy định sau đây trong trường hợp có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành:
(vi1) Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư khi có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường;
(vi2) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận trong quá trình cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường trong trường hợp thay đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này; bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
(vi3) Tự đánh giá tác động đến môi trường, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thay đổi khác không thuộc trường hợp quy định tại mục (vi1) hoặc (vi2); tích hợp trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường (nếu có).
4. Giấy phép môi trường
4.1. Đối tượng phải có giấy phép môi trường
Theo Điều 39 Luật BVMT năm 2020, đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm có:
(i) Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
(ii) Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại mục (i).
4.2. Thời hạn của Giấy phép môi trường
Theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật BVMT năm 2020, thời hạn của Giấy phép môi trường được quy định là từ 07 năm đến 10 năm tùy từng trường hợp, cụ thể như sau:
(i) 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;
(ii) 10 năm đối với các dự án đầu tư còn lại.
4.3. Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường
Theo quy định tại Điều 41 Luật BVMT năm 2020, thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường được quy định bao gồm năm cơ quan (i) Bộ tài nguyên và môi trường; (ii) Bộ Quốc phòng; (iii) Bộ Công an; (iv) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (v) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cụ thể như sau:
Điều 41. Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:
a) Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này:
a) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại Điều 39 của Luật này;
b) Dự án đầu tư nhóm III quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
c) Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
4.4. Căn cứ cấp giấy phép môi trường
Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật BVMT năm 2020, căn cứ cấp giấy phép môi trường bao gồm:
(i) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
(ii) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có);
(iii) Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp tại thời điểm cấp giấy phép môi trường, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện căn cứ vào các mục (i), (ii), (iv) và (v) mục này.
(iv) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
(v) Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;
4.5. Thời điểm cấp giấy phép môi trường
Theo khoản 2 Điều 42 Luật BVMT năm 2020, thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:
(i) Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại mục (iii);
(ii) Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật BVMT năm 2020. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng;
(iii) Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật BVMT năm 202 đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành, chủ dự án đầu tư được lựa chọn tiếp tục vận hành thử nghiệm để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc lập hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm. Chủ dự án đầu tư không phải vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải nhưng kết quả hoàn thành việc vận hành thử nghiệm phải được báo cáo, đánh giá theo quy định tại Điều 46 của Luật BVMT năm 2020;
(iv) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật BVMT năm 2020 đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.
4.6. Cấp giấy phép môi trường cho từng giai đoạn
Khoản 3 Điều 42 quy định trường hợp dự án đầu tư hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có nhiều công trình, hạng mục công trình thì giấy phép môi trường có thể cấp cho từng giai đoạn, công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải. Giấy phép môi trường được cấp sau sẽ tích hợp nội dung giấy phép môi trường được cấp trước vẫn còn hiệu lực.
4.7. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường
Khoản 1 Điều 43 Luật BVMT năm 2020 quy định thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường gốm có:
(i) Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường;
(ii) Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;
(iii) Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
4.8. Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường
4.8.1. Cấp đổi giấy phép môi trường
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 và khoản 5 Điều 42 Luật BVMT năm 2020, Giấy phép môi trường được cấp đổi nhưng không thay đổi các nội dung khác quy định trong giấy phép trong trường hợp có thay đổi tên dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc thay đổi chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở.
4.8.2. Điều chỉnh giấy phép môi trường
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật BVMT năm 2020, giấy phép môi trường được xem xét điều chỉnh trong thời hạn của giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Thay đổi nội dung cấp phép quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật BVMT năm 2020 theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở hoặc theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
(ii) Dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế.
5.8.3. Cấp lại giấy phép môi trường
Theo khoản 3 Điều 44 Luật BVMT năm 2020, Giấy phép môi trường được cấp lại trong các trường hợp sau đây.
(i) Giấy phép hết hạn;
(ii) Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường so với giấy phép môi trường đã được cấp, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
4.8.4. Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường
Khoản 4 Điều 44 Luật BVMT năm 2020 quy định tước quyền sử dụng giấy phép môi trường khi chủ dự án đầu tư, cơ sở thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến mức phải tước quyền sử dụng giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
4.8.5. Thu hồi giấy phép môi trường
Theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật BVMT năm 2020, Giấy phép môi trường bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
(i) Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền;
(ii) Giấy phép có nội dung trái quy định của pháp luật.