Giải quyết tranh chấp tại Việt nam
Các bên đương sự trong các tranh chấp, tùy theo điều kiện thực tế của vụ việc có thể lựa chọn Tòa án nước ngoài hoặc Trọng tài nước ngoài, Trọng tài Quốc tế để giải quyết vụ tranh chấp.
Đối với các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài có liên quan đến việc thi hành tại Việt nam. Một trong các bên đương sự trong vụ việc đó, trước khi muốn cho bản án, quyết định, phán quyết đó có hiệu lực thực thi tại Việt nam hoặc muốn làm cho nó mất hiệu lực thì phải thực hiện thêm một thủ tục pháp lý nữa: Thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt nam hoặc Thủ tục yêu cầu không công nhận và không cho thi hành tại Việt nam.
Thủ tục này được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và phần lớn phụ thuộc vào các hiệp định tương trợ tư pháp được ký giữa Việt nam với nước có cơ quan tài phán. Ngoài ra, các hiệp định đa phương, hiệp định song phương và các nguồn luật quốc tế khác cũng được dẫn chiếu, sử dụng đến trong trường hợp này.
Các bên đương sự, theo điều kiện thực tế của vụ việc cũng có thể lựa chọn Tòa án tại Việt nam hoặc Trọng tài Việt nam, Trọng tài quốc tế tại Việt nam để giải quyết tranh chấp. Phán quyết của các cơ quan tài phán có trụ sở tại Việt nam hầu hết được mặc nhiên công nhận và cho thi hành mà không phải thực hiện thêm thủ tục nào khác.
Các bên đương sự, trước khi lựa chọn cơ quan tài phán cũng có quyền lựa chọn tự thương lượng hoặc lựa chọn một cơ quan hòa giải ngoài tố tụng để giải quyết các tranh chấp này. Sau khi hòa giải có kết quả, các bên chỉ cần yêu cầu Tòa án công nhận sự hòa giải hoặc công nhận kết quả hòa giải. Trên thực tế, quy định này hầu hết chỉ mang tính hình thức bởi khó lòng đòi hỏi một trong các bên trong tranh chấp chấp thuận điều kiện của bên kia.
Đối với cơ chế tố tụng tại Việt nam, các bên tranh chấp cần lưu ý rằng nếu giải quyết tại Tòa án thì khoản tiền tạm ứng chi phí cho Tòa án ban đầu sẽ thấp và có khả năng được Tòa án hoàn lại (nếu thắng kiện). Ngược lại, theo tố tụng Trọng tài thì khoản tạm ứng phí Trọng tài thường là lớn và không được hoàn lại (Trọng tài phán quyết cho đương sự được quyền đòi phía thua kiện khoản phí này, nhưng đương sự không được Trọng tài hoàn lại phí Trọng tài dù thắng kiện). Tuy nhiên, nhược điểm của tố tụng Tòa án là kéo dài và trong một số trường hợp có khả năng xảy ra tình trạng thiếu minh bạch hoặc phán quyết rất khó hiểu bởi trình độ, khả năng đánh giá và kinh nghiệm của thẩm phán đối với tình huống pháp lý. Vì vậy, bên nguyên đơn cần cân nhắc chi phí và thời gian tố tụng cũng như khả năng về thỏa thuận trọng tài để lựa chọn cơ quan tài phán. Theo ý kiến của các luật sư của BFSC Law Firm, lựa chọn tố tụng Trọng tài tuy có tốn kém và đòi hỏi hợp đồng được soạn thảo kỹ cảng hơn, nhưng lợi ích về thời gian mang lại là rất lớn, nhất là trong trường hợp đương sự bên kia đã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, có nguy cơ phá sản hoặc đang có biểu hiện của việc trốn tránh nghĩa vụ.
Một vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và cơ chế đảm bảo cho kết quả vụ kiện. Ngay cả trong trường hợp thắng kiện, bên thắng kiện cũng có khả năng không thu hồi được quyền lợi do bên thua kiện mất khả năng thanh toán, phá sản hoặc tẩu tán tài sản. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu vụ kiện, có lẽ bên khởi kiện và luật sư cần đánh giá, cân nhắc và triệt để áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo tố tụng để đảm bảo khả năng thực thi kết quả vụ tranh chấp.
Các luật sư của BFSC Law Firm sẽ có các ý kiến tư vấn xác đáng cho từng vụ việc khi cung cấp dịch vụ.