Giải quyết tranh chấp thương mại trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài
Giải quyết tranh chấp thương mại trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài
Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 quy định điều kiện để tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài là có thỏa thuận trọng tài. Khoản 3 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 quy định kèm theo đơn khởi kiện (đơn khởi kiện nộp cho Trọng tài) phải có thỏa thuận trọng tài. Theo cách hiểu thông thường thì trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài (không phải là trường hợp có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thực hiện được), Trọng tài sẽ không thụ lý đơn kiện và thẩm quyền giải quyết tranh chấp này do đó sẽ đương nhiên thuộc về Tòa án. Tuy nhiên, hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP lại để ngỏ khả năng Trọng tài vẫn thụ lý đơn kiện đối với tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài. Điều đó đặt ra cho nhóm tác giả mong muốn tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan để giải đáp các câu hỏi có liên quan đến tố tụng trọng tài trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài.
Bài viết này, các luật sư của BFSC mong muốn giúp khách hàng nhận diện các khả năng và các nguy cơ có thể xảy ra khi một vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài lại được một bên tranh chấp đưa ra giải quyết theo thủ tục tố tụng trọng tài. Lưu ý rằng, bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của những người viết bài và nhằm mục đích nghiên cứu, không phải là quan điểm tư vấn của BFSC đối với tình huống pháp lý cụ thể. Các vấn đề pháp lý phát sinh trên thực tế cần được xem xét, đánh giá và tư vấn bởi các luật sư của BFSC. Trên quan điểm thận trọng, trong hầu hết các trường hợp xác định không có thỏa thuận trọng tài, BFSC đều khuyến cáo khách hàng lựa chọn thủ tục tố tụng tại Tòa án hoặc bổ sung một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực trước khi tiến hành khởi kiện tại Trọng tài.
Bài viết này được xem xét, đối chiếu, diễn giải với các quy định trong Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 (“Luật TTTM”), Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM (“Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP”). Trong bài viết, nhóm tác giả cũng sử dụng một số quy định tại Quy tắc tố tụng trọng tài do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), bản có hiệu lực từ ngày 01/03/2017 (“Quy Tắc TTTT VIAC”).
Nội dung bài viết
Thỏa thuận trọng tài là gì?
Trường hợp nào được coi là không có thỏa thuận trọng tài?
Trọng tài có quyền (hoặc nghĩa vụ) từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi không có thỏa thuận trọng tài hay không?
Tòa án có đương nhiên thụ lý đơn khởi kiện khi không có thỏa thuận trọng tài hay không?
Hội đồng trọng tài có buộc phải đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài đã được thụ lý hay không?
Khi nào Hội đồng trọng tài phải đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp do không có thỏa thuận trọng tài?
Các bên tranh chấp có thể bổ sung thỏa thuận trọng tài sau khi vụ tranh chấp được thụ lý hay không?
Hậu quả pháp lý của việc Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp khi không có thỏa thuận trọng tài?
Phán quyết trọng tài được ban hành trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thi hành không?
Việc khởi kiện lại sau khi tố tụng trọng tài bị đình chỉ, phán quyết trọng tài bị hủy do không có thỏa thuận trọng tài?
Biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài?
1. Thỏa thuận trọng tài là gì?
Như đã phân tích trong bài “thỏa thuận trọng tài” thì thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh; thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng; và thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản (Xin xem thêm về thỏa thuận trọng tài tại đây)
2. Trường hợp nào được coi là không có thỏa thuận trọng tài?
Luật Trọng tài thương mại không quy định trường hợp nào được coi là không có thỏa thuận trọng tài. Căn cứ theo khái niệm thỏa thuận trọng tài đã được đề cập thì có lẽ trường hợp không có thỏa thuận trọng tài đồng nghĩa với việc không tồn tại một thỏa thuận trọng tài trên thực tế hoặc thỏa thuận trọng tài không tồn tại. Nghĩa là trường hợp một bên tranh chấp cho rằng có tồn tại một thỏa thuận trọng tài trên cơ sở ý chí chung của các bên trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp nhưng trên thực tế thỏa thuận này không tồn tại dưới một hình thức cụ thể, có khả năng nhận biết được, và bên còn lại không thừa nhận về việc có tồn tại một thỏa thuận trọng tài như vậy.
Theo quan điểm của nhóm tác giả, không có thỏa thuận trọng tài không phải là trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được. Bởi trong trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thực hiện được thì về bản chất là vẫn tồn tại thỏa thuận trọng tài. Mặc dù trên thực tế thì sự phân biệt và định nghĩa ở đây không hoàn toàn rõ ràng, nhất là trong tình huống được đề cập tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại “qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”. Trong tình huống này, nếu bên kia phủ nhận về sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài thì không rõ đây sẽ được coi là trường hợp không có thỏa thuận trọng tài hay sẽ được coi là trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu do hình thức của thỏa thuận trọng tài không phù hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại.
3. Trọng tài có quyền từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi không có thỏa thuận trọng tài hay không?
Mặc dù cả Luật TTTM và Quy Tắc TTTT VIAC đều quy định “kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài”. Nhưng Luật TTTM và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP đều không đề cập đến việc Trọng tài có quyền (hoặc có nghĩa vụ) từ chối thụ lý đơn khởi kiện trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài. Hơn nữa, bản thân khái niệm “thỏa thuận trọng tài” cũng không ràng buộc rằng thỏa thuận trọng tài kèm theo đơn khởi kiện phải là một thỏa thuận tồn tại dưới hình thức vật lý cụ thể để có thể “gửi kèm theo” đơn khởi kiện theo cách hiểu thông thường. Trong nhiều trường hợp như được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật TTTM, thỏa thuận trọng tài có thể thể hiện qua sự mô tả hay quan điểm của một bên tranh chấp về việc có tồn tại một thỏa thuận trọng tài và bên còn lại không phản đối.
Do không có căn cứ rõ ràng về việc Trọng tài có quyền (hoặc nghĩa vụ) từ chối đơn khởi kiện khi không có thỏa thuận trọng tài và nếu không xét đến các vấn đề pháp lý khác, theo quan điểm của những người viết bài thì trong trường hợp đơn khởi kiện trọng tài có đề cập đến một thỏa thuận trọng tài nhưng không có “chứng cứ” thể hiện về sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài thì Trọng tài cũng không bị hạn chế việc thụ lý đơn khởi kiện.
4. Tòa án có đương nhiên thụ lý đơn khởi kiện khi không có thỏa thuận trọng tài hay không?
Trên cơ sở quy định tại Điều 5 Luật TTTM thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài không thuộc về Trọng tài, do đó thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này được hiểu là thuộc về Tòa án.
Nhưng như đã phân tích tại mục 3 bài viết này thì Luật TTTM không quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của Trọng tài trong trường hợp nhận được đơn khởi kiện mà không có thỏa thuận trọng tài kèm theo. Luật TTTM và Bộ luật tố tụng dân sự số 91/2015/QH13 cũng không có quy định rõ ràng về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp này.
Tuy nhiên, hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP quy định như sau:
”Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án yêu cầu một hoặc các bên cho biết tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện để xác định vụ tranh chấp đó có thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
a) Trường hợp tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
b) ……………………………….
c) Trường hợp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp thì dù Tòa án nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hoặc tuy đã có thoả thuận trọng tài nhưng thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp Tòa án đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trừ trường hợp Tòa án thụ lý vụ tranh chấp trước khi có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp. Sau khi có quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài quy định tại các điều 43, 58, 59 và 61 Luật Trọng tài thương mại mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung”.
Hướng dẫn được trích dẫn trong Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP nêu trên chỉ ra rằng:
(i) Rõ ràng là có khả năng xảy ra việc Trọng tài thụ lý đơn khởi kiện theo thủ tục tố tụng trọng tài ngay cả khi không có thỏa thuận trọng tài. Nghĩa là Trọng tài không bắt buộc phải từ chối thụ lý đơn kiện trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài.
(ii) Trong trường hợp Trọng tài đã thụ lý đơn khởi kiện theo mục (i), Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện (nếu mới nhận đơn) hoặc sẽ phải đình chỉ vụ án (nếu đã thụ lý), trừ trường hợp Tòa án đã thụ lý trước Trọng tài;
(iii) Tòa án chỉ đương nhiên thụ lý đơn khởi kiện nếu:
(iii1) không có thỏa thuận trọng tài (và có lẽ là không có bất kỳ bằng chứng nào về việc vụ tranh chấp đã được thụ lý trước theo thủ tục tố tụng trọng tài sau khi Tòa án đã tiến hành kiểm tra theo hướng dẫn tại Nghị quyết). Từ thực tế nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp thương mại tại Tòa án, hầu hết các đơn khởi kiện đều phải kèm theo “chứng cứ” và Tòa án căn cứ vào các “chứng cứ” này để xác định có thỏa thuận trọng tài hay không. Chúng tôi hiếm gặp trường hợp nào Tòa án lại yêu cầu nguyên đơn chứng minh hay cam kết về việc không có thỏa thuận trọng tài hay chưa / không khởi kiện tại Trọng tài; hoặc
(iii2) đã quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài; hoặc
(iii3) đã có quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài quy định tại các điều 43, 58, 59 và 61 Luật TTTM (quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài).
5. Hội đồng trọng tài có buộc phải tự mình ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài đã được thụ lý hay không?
Khoản 1 Điều 43 Luật TTTM quy định quyền của Hội đồng trọng tài về việc Hội đồng trọng tài tự mình đình chỉ giải quyết tranh chấp trong các trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 43 không quy định về việc Hội đồng trọng tài phải tự mình đình chỉ việc tiếp tục tố tụng trọng tài trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài.
Theo Quy Tắc TTTT VIAC thì:
(i) Trong trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì bị đơn mất quyền phản đối (Khoản 1 Điều 9 Quy Tắc TTTT VIAC).
(ii) Trong trường hợp Hội đồng trọng tài cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại thì Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tranh chấp (khoản 2 Điều 28 Quy Tắc TTTT VIAC).
Xét trên quan điểm là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng, Hội đồng trọng tài có quyền đình chỉ việc giải quyết tranh chấp theo quan điểm riêng của Hội đồng trọng tài hoặc tiếp tục giải quyết tranh chấp trên cơ sở áp dụng quy định tại Điều 13 Luật TTTM về “mất quyền phản đối”. Hội đồng trọng tài không có nghĩa vụ nào phải đình chỉ giải quyết tranh chấp vì Nguyên đơn đã khởi kiện nghĩa là chấp nhận tình huống không tồn tại thỏa thuận trọng tài còn nguyên đơn không phản đối nghĩa là cũng chấp nhận tình huống không tồn tại thỏa thuận trọng tài.
6. Khi nào thì Hội đồng trọng tài buộc phải đình chỉ giải quyết tranh chấp do không có thỏa thuận trọng tài?
Theo điểm đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM thì vụ tranh chấp được đình chỉ giải quyết trong trường hợp Tòa án đã quyết định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài. Khoản 2 Điều 59 Luật Trọng tài thương mại quy định Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trường hợp Hội đồng trọng tài chưa được thành lập thì Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Các quy định tương tự cũng được đề cập tại khoản 2 Điều 28 và điểm e) khoản 1 Điều 30 Quy Tắc TTTT VIAC.
Khoản 6 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại quy định như sau:
“Trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Nếu không có thoả thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Toà án. Thời hiệu khởi kiện ra Toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.”
Vấn Đề Quan Trọng Là Cần Phải Hiểu rằng Tòa án không tự mình can thiệp vào hoạt động tố tụng của Hội đồng trọng tài nếu không có khiếu nại của các bên tranh chấp. Do đó, cần xác định một cách rõ ràng rằng (i) nếu không có khiếu nại hợp lệ của các bên tranh chấp và (ii) không có quyết định có hiệu lực của Tòa án xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Hội đồng trọng tài không có nghĩa vụ tự mình quyết định đình chỉ việc giải quyết tranh chấp do không có thỏa thuận trọng tài.
Một vấn đề khác cần để ý rằng sự không đồng nhất giữa Điều 43 và Điều 44 Luật TTTM, có thể gây vướng mắc cho các bên tranh chấp trong việc khiếu nại Hội đồng trọng tài liên quan đến vấn đề không có thỏa thuận trọng tài. Cụ thể như sau:
(i) Khoản 1 Điều 43 Luật TTTM không buộc Hội đồng trọng tài phải xem xét đến khả năng không có thỏa thuận trọng tài trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp; Hội đồng trọng tài cũng không buộc phải tự đình chỉ giải quyết tranh chấp vì lý do không có thỏa thuận trọng tài; Hội đồng trọng tài không phải ra quyết định về việc tiếp tục giải quyết tranh chấp (cả trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài hoặc có thỏa thuận trọng tài).
(ii) Điều 44 Luật TTTM quy định về “khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” nhưng tại khoản 1 Điều 44 lại quy định như sau:
“1. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 43 của Luật này, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho Hội đồng trọng tài.”
Vướng mắc phát sinh ở đây là: Trong trường hợp Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp (vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài) mà không ra bất quyết định nào thì các bên tranh chấp sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục khiếu nại theo khoản 1 Điều 44 Luật TTTM. Tuy nhiên, vướng mắc này đã phần nào được giải quyết thông qua hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP. Nội dung hướng dẫn như sau: “Bên khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì phải làm đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật TTTM và nộp kèm theo các tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật TTTM. Trường hợp Hội đồng trọng tài không ban hành quyết định riêng về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì người yêu cầu phải cung cấp những tài liệu, chứng cứ chứng minh việc Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó”.
Có lẽ, theo tinh thần của hướng dẫn này thì khi xem xét vấn đề thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật TTTM, Hội đồng trọng tài có nghĩa vụ xem xét việc không có thỏa thuận trọng tài.
Quy Tắc TTTT VIAC có quy định rõ nét hơn về các vấn đề cần phải xem xét của Hội đồng trọng tài trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, tạo điều kiện rõ ràng hơn cho các bên tranh chấp trong việc khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về trường hợp không có thỏa thuận trọng tài. Khoản 2 Điều 28 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC quy định như sau:
“Trước khi xem xét nội dung của vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài…” và “Trong trường hợp Hội đồng trọng tài cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại … thì Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết việc tranh chấp”.
7. Các bên tranh chấp có thể bổ sung thỏa thuận trọng tài sau khi vụ tranh chấp được trọng tài thụ lý hay không?
(7.1.) Trường hợp các bên thừa nhận có tồn tại thỏa thuận trọng tài
Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên đã thừa nhận rằng có tồn tại thỏa thuận trọng tài thì tố tụng trọng tài sẽ đương nhiên được tiếp tục và không có trở ngại nào đến từ lý do không có thỏa thuận trọng tài nữa. Trong trường hợp này, quy định tại điểm đ) khoản 2 Điều 16 có lẽ sẽ được xem xét đến và đây không còn là trường hợp không có thỏa thuận trọng tài nữa.
(7.2) Trường hợp các bên tranh chấp bổ sung thỏa thuận trọng tài trong quá trình tố tụng hoặc hòa giải thành
Không có quy định rõ ràng về tình huống các bên tranh chấp đồng ý bổ sung thỏa thuận trọng tài sau khi vụ tranh chấp đã được thụ lý hoặc các bên tranh chấp đã hòa giải thành, ngoại trừ việc Luật TTTM quy định rằng thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập sau khi xảy ra tranh chấp và không có giới hạn nào về thời hạn đối với việc xác lập thỏa thuận trọng tài.
Tuy nhiên, xét trên lợi ích của các bên tranh chấp và mục đích của phương thức tố tụng trọng tài thì các bên hoàn toàn có thể bổ sung thỏa thuận trọng tài trong quá trình tố tụng trọng tài và tố tụng trọng tài không nên vì thế mà phải đình chỉ để khởi kiện lại.
8. Hậu quả pháp lý của việc tố tụng trọng tài vẫn được tiếp tục khi không có thỏa thuận trọng tài?
Giả sử rằng tố tụng trọng tài vẫn được tiếp tục ngay cả khi Hội đồng trọng tài đã nhận thấy không có thỏa thuận trọng tài sau khi thực hiện thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật TTTM và không có sự thừa nhận hay bổ sung thỏa thuận trọng tài của các bên tranh chấp. Trong trường hợp này, tố tụng trọng tài có thể đem kết các hậu quả pháp lý như sau:
(i) Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở áp dụng quy định về “mất quyền phản đối” tại Điều 13 Luật trọng tài thương mại và theo khoản 1 Điều 9 Quy Tắc TTTT VIAC như đã viện dẫn trong bài viết này.
(ii) Hội đồng trọng tài tự mình đình chỉ giải quyết tranh chấp khi có cơ sở xác định không có thỏa thuận trọng tài theo Điều 43 Luật TTTM. Khoản 2 Điều 28 Quy Tắc TTTT VIAC quy định rõ nét hơn trong việc xem xét các vấn đề có liên quan đến thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Quy tắc này quy định rõ ràng về việc Hội đồng trọng tài phải xem xét sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài và phải tự mình đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp khi xét thấy thỏa thuận trọng tài không tồn tại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đây là quyền của Hội đồng trọng tài chứ không phải nghĩa vụ của Hội đồng trọng tài vì Hội đồng trọng tài có thể căn cứ quy định về “mất quyền phản đối” để cho rằng Bị đơn đã không phản đối tố tụng trọng tài trong Bản tự bảo vệ còn nguyên đơn đã không chấp nhận khả năng không có thỏa thuận trọng tài trong Đơn khởi kiện để tiếp tục giải quyết tranh chấp.
(iii) Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án xác định không có thỏa thuận trọng tài theo Khoản 6 Điều 44 và khoản 1 Điều 59 Luật TTTM. Cần lưu ý rằng, quyết định này của Tòa án chỉ có thể được ban hành trên cơ sở khiếu nại của các bên tranh chấp tại Tòa án về quyết định tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài trong khi không tồn tại thỏa thuận trọng tài. Nghĩa là nếu không có khiếu nại nào của các bên tranh chấp thì Tòa án cũng không được quyền can thiệp. Có một khả năng khác sẽ tiếp tục phát sinh trong quá trình các bên tranh chấp khiếu nại lên Tòa án để yêu cầu đình chỉ giải quyết tranh chấp do thỏa thuận trọng tài không tồn tại: đó là việc Tòa án quyết định rằng các bên tranh chấp đã “mất quyền phản đối” theo Điều 13 Luật TTTM.
(iv) Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo các quy định tại chương XI Luật TTTM. Cũng cần phải lưu ý rằng, Tòa án cũng chỉ được quyền hủy bỏ phán quyết trọng tài do không có thỏa thuận trọng tài nếu có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài từ một bên tranh chấp. Nếu không có yêu cầu nào từ các bên tranh chấp, Tòa án cũng không được quyền can thiệp. Quá trình giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài này, quy định về “mất quyền phản đối” có lẽ vẫn sẽ tiếp tục được xem xét để quyết định về việc phán quyết trọng tài có bị hủy hay không.
9. Phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành hay không?
Mặc dù khoản 2 Điều 68 Luật TTTM quy định trường hợp không có thỏa thuận trọng tài là cơ sở để hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng phán quyết trọng tài chỉ có thể bị hủy nếu có đơn yêu cầu hợp lệ của các bên tranh chấp và Tòa án có thể xem xét để quyết định về việc có hủy phán quyết trọng tài hay không hủy phán quyết trọng tài.
Do đó, nếu không có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hợp lệ từ các bên tranh chấp và sau đó không có bản án của Tòa án về việc hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài sẽ đương nhiên có hiệu lực thi hành.
10. Thủ tục khởi kiện lại sau khi tố tụng trọng tài bị đình chỉ, phán quyết trọng tài bị hủy do không có thỏa thuận trọng tài
(10.1) Khởi kiện lại sau khi Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp do không có thỏa thuận trọng tài.
Khoản 6 Điều 44 Luật TTTM quy định sau khi có quyết định đình chỉ của Hội đồng trọng tài vì lý do không có thỏa thuận trọng tài, nếu không có thỏa thuận khác, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Tòa án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Ngoài quyền khởi kiện lại vụ tranh chấp tại Tòa án như đã đề cập trên đây, việc khởi kiện lại vụ tranh chấp tại Trọng tài cũng sẽ không bị hạn chế nếu các bên có thỏa thuận trọng tài mới. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định về thời hiệu theo thủ tục tố tụng trọng tài có còn hay không để đặt ra việc thỏa thuận trọng tài mới vì khoảng thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện tại khoản 6 Điều 44 Luật TTTM có lẽ là chỉ áp dụng trong trường hợp khởi kiện tại Tòa án mà không áp dụng cho trường hợp các bên tiếp tục khởi kiện tại Trọng tài.
(10.2) Khởi kiện lại sau khi Tòa án hủy phán quyết Trọng tài do không có thỏa thuận trọng tài.
Khoản 8 Điều 71 Luật TTTM quy định trong trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Khoản 8 Điều 71 Luật TTTM quy định, trong mọi trường hợp, thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thời gian tiến hành thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Ở đây, có sự khác biệt về cách tính thời hiệu khởi kiện so với trường hợp Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp theo điểm đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM. Trong trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy do không có thỏa thuận trọng tài, thời hiệu khởi kiện lại vụ tranh chấp tại Trọng tài hay Tòa án đều được quyền trừ đi khoảng thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thời gian tiến hành thủ tục hủy phán quyết trọng tài.
(11) Biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài?
Trên cơ sở các phân tích pháp lý như trên và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại, nhóm tác giả có ý kiến rằng:
(i) Không nên đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo thủ tục tố tụng trọng tài khi xét thấy không có thỏa thuận trọng tài, không có cơ sở xác định tồn tại một thỏa thuận trọng tài;
(ii) Cân nhắc thật kỹ lựa chọn tố tụng trọng tài hay tòa án là hợp lý nhất với điều kiện thực tế tại thời điểm để quyết định về việc có nên xác lập một thỏa thuận trọng tài bổ sung trong trường hợp cụ thể đó hay không? Trường hợp mong muốn tiến hành tố tụng trọng tài mà xét thấy không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài không tồn tại hoặc không rõ ràng về sự tồn tại và hiệu lực của thỏa thuận trọng tài thì cần bổ sung một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực trước khi nộp đơn khởi kiện. Và cần hết sức lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong trường hợp dự định xác lập thỏa thuận trọng tài bổ sung.
Tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh