Giải quyết tranh chấp thương mại trong trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Giải quyết tranh chấp thương mại trong trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Khác với tình huống không có thỏa thuận trọng tài, ở tình huống này có tồn tại một thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu. Tuy nhiên, như đã phân tích trong bài viết về trường hợp không có thỏa thuận trọng tài, vẫn có những điểm khó phân biệt giữa trường hợp “không có thỏa thuận trọng tài” với trường hợp “thỏa thuận trọng tài vô hiệu”, đặc biệt là trong tình huống được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12.
Bài viết này, nhóm tác giả đề cập đến các quy định pháp luật liên quan đến việc khởi kiện, thụ lý, giải quyết tranh chấp phát sinh trong trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu. Các cơ sở pháp lý được viện dẫn trong bài viết chủ yếu là từ Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 (“Luật TTTM”); Nghị quyết số 01/ 2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại (“Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP”); Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài được ban hành bởi Trung Tâm Quốc Tế Việt Nam (VIAC) và có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2017 (“Quy Tắc TTTT VIAC”).
Nội dung bài viết
Thế nào là thỏa thuận trọng tài vô hiệu?
Khởi kiện tại Tòa án hay Trọng tài khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu?
Hậu quả pháp lý của tố tụng trọng tài khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu?
Làm cách nào để khắc phục thỏa thuận trọng tài vô hiệu?
Bài viết này, nhóm tác giả mong muốn cung cấp cho người đọc các thông tin pháp lý để xác định thế nào là thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thủ tục lựa chọn khởi kiện ban đầu, các hậu quả pháp lý liên quan đến thỏa thuận trọng tài vô hiệu và các biện pháp khắc phục thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Lưu ý rằng, các nội dung bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhóm tác giả, không phải là quan điểm tư vấn của Công ty luật BFSC và chỉ nên sử dụng để tham khảo. Các tình huống phát sinh thực tế cần được đánh giá, tư vấn bởi các luật sư.
1. Thế nào là thỏa thuận trọng tài vô hiệu?
1.1. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Luật TTTM không định nghĩa thế nào là thỏa thuận trọng tài vô hiệu mà chỉ liệt kê 6 trường hợp được coi là thỏa thuận trọng tài vô hiệu tại Điều 18 Luật TTTM. Do đó, có thể hiểu rằng thỏa thuận trọng tài vô hiệu là trường hợp có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng này bị vô hiệu theo quy định tại Điều 18 Luật TTTM.
1.2. Sáu trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Sáu (06) trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu được quy định tại Điều 18 Luật TTTM và được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP bao gồm:
(1.2.1) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật TTTM.
Đây là trường hợp có thỏa thuận trọng tài nhưng tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật TTTM. Điều 2 Luật TTTM quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài bao gồm:
(i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
(ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
(iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Cần lưu ý rằng:
– Hoạt động thương mại, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại số 36/2005/QH11 được định nghĩa là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Theo định nghĩa này, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi.
– Trọng tài chỉ có thẩm quyền đối với các tranh chấp, mà không có quyền đối với các yêu cầu. Tuy nhiên, trường hợp yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cố đông theo Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có lẽ được coi là ngoại lệ.
(1.2.2) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đây là trường hợp người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng nhưng vượt quá phạm vi ủy quyền.
Về nguyên tắc, thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thì thỏa thuận đó vô hiệu. Tuy nhiên, hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP chỉ ra rằng trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.
Có một thắc mắc và cần được giải đáp bởi các phán quyết trọng tài thực tế hoặc bản án, quyết định về hoạt động trọng tài là: Trong trường hợp điều khoản trọng tài được quy định trong hợp đồng, người xác lập hợp đồng không có thẩm quyền (cả về xác lập hợp đồng và thỏa thuận trọng tài) nhưng hợp đồng đã được thực hiện và người có thẩm quyền không phản đối việc thực hiện hợp đồng thì có được coi là đã chấp thuận và không phản đối thỏa thuận trọng tài hay không?
(1.2.3) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
Đây là trường hợp người xác lập thỏa thuận trọng tài là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP thì căn cứ để xác định là giấy tờ xác định ngày tháng năm sinh (đối với trường hợp người chưa thành niên), kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
(1.2.4) Hình thức thỏa thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật TTTM.
Hướng dẫn tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP chỉ ra rằng đây là trường hợp thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 16 Luật TTTM và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP.
Điều 16 Luật TTTM quy định như sau:
“Điều 16. Hình thức thoả thuận trọng tài
1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
2. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.”
Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP quy định như sau:
”Điều 7. Về thỏa thuận trọng tài quy định tại Điều 16 Luật TTTM
1. Trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng.
2. Trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để giải thích.
3. Khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện;
b) Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.”
(1.2.5) Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
Hướng dẫn tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP thì đây là trường hợp bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài. Hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép được xác định theo quy định tại Điều 4, Điều 132 Bộ luật dân sự. Khái niệm Bộ luật dân sự ở đây được hiểu là Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 (là Bộ luật dân sự đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP). Tại thời điểm viết bài này, các quy định tương ứng được hiểu là thỏa thuận trọng tài được xác lập trái với nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 hoặc thuộc trường hợp quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì vô hiệu.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý rằng thỏa thuận trọng tài trong trường hợp này không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ vô hiệu khi có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
(1.2.6) Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Hướng dẫn tại khoản 6 Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP thì thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật thuộc trường hợp quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự (Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, là Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP). Tại thời điểm viết bài này, quy định tương ứng trong Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 là Điều 122, Điều 122 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Nội hàm “điều cấm của pháp luật” đã có sự thay đổi từ Điều 128 Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 sang thành “điều cấm của luật” theo Điều 122 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13. Lưu ý rằng thỏa thuận trọng tài trái đạo đức xã hội không được đề cập đến trong hướng dẫn này và không rõ có được coi là đã bao trùm trong hướng dẫn tại khoản 6 Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP hay không?
2. Khởi kiện tại Tòa án hay Trọng tài khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu?
Điều 6 Luật TTTM quy định “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.
Hiểu theo quy định tại Điều 6 Luật TTTM thì Tòa án sẽ không từ chối thụ lý (hay có nghĩa là Tòa án sẽ thụ lý) trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách này thì các bên tranh chấp có thể sẽ cho rằng khi nhận thấy thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì bên đó ngay lập tức được quyền khởi kiện tại Tòa án. Các hiểu này là không đúng với các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng Trọng tài.
Luật TTTM không có thủ tục riêng biệt về việc yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành cũng không quy định thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Luật TTTM quy định thẩm quyền xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu như sau:
(i) Hội đồng trọng tài, theo thủ tục quy định về nghĩa vụ xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu của Hội đồng trọng tài trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật TTTM;
(ii) Tòa án, trong trường hợp có khiếu nại của các bên tranh chấp theo Điều 44 Luật TTTM đối với quyết định của Hội đồng trọng tài;
(iii) Tòa án, trong trường hợp có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo Điều 68 Luật TTTM.
Hướng dẫn về thủ tục thụ lý đơn khởi kiện tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP quy định như sau:
“Điều 2. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Tòa án theo quy định Luật TTTM
1. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quy định tại Điều 2 Luật TTTM nếu các bên có thoả thuận trọng tài quy định tại Điều 5 và Điều 16 Luật TTTM, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
2. Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật TTTM thì Tòa án yêu cầu một hoặc các bên cho biết tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện để xác định vụ tranh chấp đó có thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
a) Trường hợp tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
b) Trường hợp tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 (sau đây gọi tắt là BLTTDS) để trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Trường hợp sau khi thụ lý vụ án Tòa án mới phát hiện vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
c) Trường hợp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp thì dù Tòa án nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hoặc tuy đã có thoả thuận trọng tài nhưng thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp Tòa án đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trừ trường hợp Tòa án thụ lý vụ tranh chấp trước khi có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp. Sau khi có quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài quy định tại các điều 43, 58, 59 và 61 Luật TTTM mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
2. Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:
a) Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
b) Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM;
c) Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết này.
3. Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:
a) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
b) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
Hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP cho thấy trong hầu hết mọi trường hợp, Tòa án sẽ không thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết vụ tranh chấp và cũng không thụ lý đơn yêu cầu xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Thẩm quyền xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu được Luật Trọng tài thương mại quy định trước tiên là thuộc về Hội đồng trọng tài, sau đó mới đến Tòa án (với điều kiện là có khiếu nại hoặc yêu cầu của một bên tranh chấp).
Do đó, ngay cả trong trường hợp có đủ cơ sở để xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu, các bên tranh chấp vẫn buộc phải khởi kiện tại Trọng tài để yêu cầu giải quyết tranh chấp và việc thỏa thuận trọng tài vô hiệu sẽ được xem xét trong quá trình tố tụng trọng tài.
3. Hậu quả pháp lý của việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận trọng tài vô hiệu tại Trọng tài?
Như đã phân tích tại mục 2, thỏa thuận trọng tài vô hiệu cũng vẫn thuộc trường hợp có thỏa thuận trọng tài nên Tòa án sẽ không đương nhiên thụ lý đơn khởi kiện. Do đó, vụ tranh chấp sẽ được thụ lý bởi Trọng tài và quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài có thể phát sinh các tình huống như sau:
(3.1) Hội đồng trọng tài tự mình đình chỉ giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 43 Luật TTTM.
Theo khoản 1 Điều 43 Luật TTTM thì Hội đồng trọng tài tự mình đình chỉ giải quyết tranh chấp khi có cơ sở xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Khoản 2 Điều 28 Quy Tắc TTTT VIAC cũng quy định rõ Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và phải tự mình đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài xét thấy có căn cứ đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp do thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.
Sau khi Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 43 Luật TTTM, các khả năng sau có thể sẽ xảy ra:
(i) Nếu không có khiếu nại nào về việc Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp được nộp cho Tòa án và các bên không có thỏa thuận nào khác (về việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận trọng tài có hiệu lực) thì các bên được quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Tòa án. Trong trường hợp này, quy định về thời hiệu khởi kiện tại khoản 6 Điều 44 sẽ được áp dụng, theo đó: thời hiệu khởi kiện sẽ được tính theo quy định của pháp luật; và thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Tòa án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện. Cần lưu ý rằng, quy định về thời hiệu này chỉ áp dụng nếu các bên khởi kiện vụ tranh chấp ra Tòa án, không áp dụng cho trường hợp các bên khởi kiện vụ tranh chấp ra Trọng tài.
(ii) Nếu có khiếu nại của một bên yêu cầu Tòa án xem xét về quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài thì tùy theo quyết định của Tòa án, các khả năng sau sẽ tiếp tục xảy ra:
(ii1) Trường hợp Tòa án quyết định rằng Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp là không đúng thì Hội đồng trọng tài sẽ tiếp tục tiến hành giải quyết tranh chấp.
(ii2) Trường hợp Tòa án quyết định rằng Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp là đúng và các bên không có thỏa thuận khác thì các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Tòa án. Trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án, quy định về thời hiệu khởi kiện tại khoản 6 Điều 44 Luật TTTM sẽ được áp dụng như phân tích tại mục 3.1(i).
(3.2) Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp.
(i) Nếu không có bên nào phản đối, khiếu nại việc Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài có thể sẽ ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên tranh chấp theo Điều 58 Luật TTTM hoặc ban hành phán quyết trọng tài theo Điều 61 Luật TTTM. Trong trường hợp này, có lẽ là quyết định công nhận sự thỏa thuận / phán quyết trọng tài khó có thể bị một bên yêu cầu hủy do thỏa thuận trọng tài vô hiệu xét trên quy định về “mất quyền phản đối” tại Điều 13 Luật TTTM.
(ii) Nếu có khiếu nại để yêu cầu Tòa án xem xét quyết định tiếp tục giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài thì phụ thuộc vào kết quả giải quyết khiếu nại của Tòa án, các khả năng sau đây sẽ diễn ra:
(ii1) Trường hợp Tòa án đồng ý với quyết định tiếp tục giải quyết của Hội đồng trọng tài thì vụ tranh chấp sẽ được Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết. Trong trường hợp này, nếu Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên tranh chấp theo Điều 58 Luật TTTM hoặc ra phán quyết theo Điều 61 Luật TTTM thì yêu cầu hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận hoặc hủy phán quyết trọng tài sẽ không tiếp tục đặt ra.
(ii2) Trường hợp Tòa án quyết định thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì Hội đồng trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Sau khi Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì các bên có quyền khởi kiện tranh chấp ra Tòa án. Trong trường hợp này, quy định về thời hiệu tại khoản 6 Điều 44 Luật TTTM sẽ được áp dụng như phân tích tại mục 3.1(i).
(3.3) Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên tranh chấp, phán quyết trọng tài bị hủy vì lý do thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
Về mặt lý thuyết, vẫn tồn tại những khả năng là quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên tranh chấp hoặc phán quyết trọng tài bị hủy vì lý do thỏa thuận trọng tài vô hiệu, ngay cả trong trường hợp Tòa án đã từng bỏ qua vấn đề thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi giải quyết khiếu nại theo Điều 44 Luật TTTM. Tuy nhiên, đây là một đề tài phức tạp và nhóm tác giả không dành thời gian để phân tích trong phạm vi bài viết này.
4. Khắc phục thỏa thuận trọng tài vô hiệu?
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu có thể khắc phục được nếu sau khi phát hiện khả năng vô hiệu của thỏa thuận trọng tài, các bên đã tiến hành thỏa thuận để sửa đổi thỏa thuận trọng tài. Sửa đổi này nên được tiến hành trước khi khởi kiện trọng tài để phòng ngừa rủi ro tố tụng trọng tài bị đình chỉ, phán quyết trọng tài bị hủy bỏ.
Theo quan điểm của nhóm tác giả thì các bên tranh chấp cần lưu ý các vấn đề pháp lý sau liên quan đến thỏa thuận trọng tài vô hiệu:
(i) Cẩn trọng trong việc soạn thảo, đàm phán hợp đồng và thỏa thuận điều khoản trọng tài, ký kết hợp đồng và ký kết điều khoản trọng tài để phòng ngừa khả năng rủi ro dẫn tới thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
(ii) Sửa đổi, bổ sung thỏa thuận trọng tài ngay trước khi khởi kiện để phòng tránh các rủi ro phát sinh sau khi tố tụng trọng tài. Khi tiến hành các thỏa thuận sửa đổi, bổ sung này, cần lưu ý đến khả năng thực tiễn tại thời điểm và thời hiệu khởi kiện.
(iii) Đề cập đến nội dung thỏa thuận trọng tài vô hiệu với Hội đồng trọng tài vào thời điểm thích hợp để phòng ngừa rủi ro phát sinh liên quan đến tố tụng trọng tài dẫn đến đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp (với Nguyên đơn) hoặc “mất quyền phản đối” (đối với Bị đơn).
Tác giả bài viết: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh.