Khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
Khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
Trong bài viết này, nhóm tác giả giới thiệu vắn tắt các quy định pháp luật về khiếu nại các quyết định của Hội đồng trọng tài trong giai đoạn tố tụng trọng tài được quy định tại Điều 43 Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12.
Nội dung bài viết
Các quyết định của Hội đồng trọng tài có thể bị khiếu nại theo Điều 44 Luật Trọng tài thương mại.
Trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài
Hậu quả của quyết định bị khiếu nại.
Bài viết này dẫn chiếu các quy định pháp luật của Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 (“Luật TTTM”), Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
Các quyết định của Hội đồng trọng tài có thể bị khiếu nại theo Điều 44 Luật Trọng tài thương mại.
Khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại quy định
“Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết”.
Khoản 1 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại quy định
“Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 43 của Luật này, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho Hội đồng trọng tài.”
Trên cơ sở các quy định pháp luật đã viện dẫn, các quyết định của Hội đồng trọng tài có thể bị khiếu nại chủ yếu gồm:
(i) Quyết định tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài trên cơ sở xác định có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu,thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được, vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài.
(ii) Quyết định từ chối, chấm dứt giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài với lý do không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được hoặc vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
Điều cần lưu ý là Luật Trọng tài thương mại quy định đối tượng của khiếu nại phải là “quyết định của Hội đồng trọng tài” và khoản 2 Điều 44 quy định thành phần hồ sơ khiếu nại phải bao gồm “quyết định của Hội đồng trọng tài”. Điều này đặt ra vấn đề là trong trường hợp thực hiện “hành vi” cụ thể nhưng không ban hành “quyết định” dưới hình thức tồn tại vật lý nào thì các bên có khiếu nại “hành vi” được không? Khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP quy định “Trường hợp Hội đồng trọng tài không ban hành quyết định riêng về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì người yêu cầu phải cung cấp những tài liệu, chứng cứ chứng minh việc Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó”. Quy định này cho thấy các bên tranh chấp được quyền khiếu nại ngay cả trong trường hợp Hội đồng trọng tài thể hiện hành vi hoặc bằng lời nói mà không ban hành quyết định bằng văn bản.
Trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
Khoản 2, 3, 4 Luật Trọng tài thương mại quy định về trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài như sau:
2. Đơn khiếu nại phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;
b) Tên và địa chỉ của bên khiếu nại;
c) Nội dung yêu cầu.
3. Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao đơn khởi kiện, thoả thuận trọng tài, quyết định của Hội đồng trọng tài. Trường hợp giấy tờ kèm theo bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và được chứng thực hợp lệ.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định. Quyết định của Toà án là cuối cùng.
Hậu quả của quyết định của Hội đồng trọng tài bị khiếu nại.
Khoản 5, khoản 6 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại quy định
5. Trong khi Tòa án giải quyết đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp.
6. Trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Nếu không có thoả thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Toà án. Thời hiệu khởi kiện ra Toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Như đã phân tích trong các bài viết về trường hợp không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, cần để ý rằng quy định về thời hiệu khởi kiện ở khoản 6 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại chỉ áp dụng đối với trường hợp các bên lựa chọn khởi kiện ra Tòa án sau khi Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Quy định về thời hiệu khởi kiện tại khoản 6 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại không áp dụng cho trường hợp các bên lựa chọn khởi kiện tại Trọng tài sau khi Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP về giải quyết hậu quả của tố tụng trọng tài trên cơ sở quyết định giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài như sau:
5. Căn cứ vào quy định của pháp luật mà Thẩm phán chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Tòa án nêu rõ lý do và căn cứ của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại, tùy từng trường hợp cụ thể mà xử lý như sau:
a) Trường hợp Tòa án xác định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì xử lý như sau:
a1) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ việc thì các bên có quyền thỏa thuận, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.
a2) Trường hợp vụ việc đang được Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án, Hội đồng trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 6 Điều 44 Luật TTTM.
a3) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trọng tài thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục chung.
b) Trường hợp Tòa án xác định vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài không vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài thực hiện được thì xử lý như sau:
b1) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án, Hội đồng trọng tài tiếp tục thụ lý, giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung.
b2) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trọng tài thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài hoặc yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục chung.
b3) Trường hợp vụ việc đang được Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung.
Nhóm tác giả sẽ cập nhật các quyết định giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trên cơ sở dữ liệu được công bố bởi Tòa án trong thời gian tới.
Tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh.