Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là các hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 (“Luật cạnh tranh“). Bài viết này, luật sư của BFSC giới thiệu các quy định của Luật cạnh tranh và các văn bản có liên quan về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Xin lưu ý rằng nội dung bài viết không thể hiện quan điểm tư vấn của luật sư hoặc quan điểm tư vấn của BFSC đối với một tình huống pháp lý cụ thể và chỉ nên sử dụng để tham khảo. Nếu cần ý kiến tư vấn pháp lý cho một tình huống cụ thể, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền
(1) Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
Theo khoản 1 Điều 24 Luật cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 Luật cạnh tranh hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan (khái niệm “sức mạnh thị trường đáng kể” được giới thiệu tại mục (4) bài viết).
(2) Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
Theo khoản 2 Điều 24 Luật cạnh tranh, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật cạnh tranh hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
d) Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.
Cần lưu ý rằng, theo khoản 3 Điều 24 Luật cạnh tranh, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được quy định tại khoản 2 Điều 24 như đã viện dẫn trên không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.
Cũng cần lưu ý rằng, theo Luật cạnh tranh, khả năng “gây tác động hạn chế cạnh tranh” được hiểu là khả năng loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường và “sức mạnh thị trường đáng kể” được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật cạnh tranh và trong bài viết này được đề cập tại mục (4).
(3) Doanh nghiệp có vị trí độc quyền
Theo Điều 25 Luật cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.
(4) Căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
Theo khoản 1 Điều 26 Luật cạnh tranh, sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Tại Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều cùa Luật cạnh tranh thì Ủy ban cạnh tranh quốc gia xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường dựa vào một số yếu tố như sau:
a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan được đánh giá trên cơ sở so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan
b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được cánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh;
c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác được đánh giá dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định;
d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ được, đánh giá căn cứ vào ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường;
đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh;
e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác được xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan;
i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.
(5) Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm
Theo khoản 1 Điều 27 Luật cạnh tranh, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sau đây bị cấm:
a) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
b) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
c) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;d) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
đ) Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
e) Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
g) Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
(6) Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
Theo khoản 2 Điều 27 Luật cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí độc quyền bị cấm thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền sau đây:
a) Hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 27 Luật cạnh tranh, bao gồm:
– Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
– Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
– Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
– Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
– Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
b) Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;
c) Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;
d) Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
(7) Xử lý vi phạm đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền
Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền có thể bị xử phạt theo các hành thức xử lý quy định tại Luật cạnh tranh, Nghị định 79/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên bị thiệt hại bởi hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.