Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt nam
Ngoại trừ các quy định của Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 về bán Doanh nghiệp tư nhân, không có quy định pháp luật rõ ràng về việc mua bán doanh nghiệp đối với mô hình Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh hay mô hình Công ty mẹ – con hay tập toàn kinh tế. Hoạt động mua bán doanh nghiệp đối với các mô hình này chủ yếu được thực hiện thông qua cơ chế mua bán cổ phần, phần vốn góp, vốn chủ sở hữu để đạt đến tỷ lệ nắm quyền kiểm soát tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
Hoạt động sáp nhập, lại có được một số các quy định pháp luật rõ ràng hơn trong Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13. Các quy định này, mặc dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nhưng đã tạo được một hành lang pháp lý đáng kể cho các hoạt động sáp nhập, chia, tách, hợp nhất doanh nghiệp.
Ngoài các quy định của Luật doanh nghiệp về mua bán cổ phần, phần vốn góp, vốn chủ sở hữu thì hoạt động mua bán doanh nghiệp còn chịu sự điểu chỉnh của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (về điều kiện kinh doanh, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài) và các quy định của pháp luật chứng khoán về chào mua, chào bán và các thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Không chỉ có vậy, các giao dịch mua bán trong một số trường hợp còn phải tuân thủ các quy định của Luật cạnh tranh nhằm phòng chống độc quyền và tập trung kinh tế.
Phạm vi bài viết này chỉ đề cập một cách khái quát và ngắn gọn về pháp lý đối với hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt nam để khách hàng tham khảo, các luật sư của BFSC Law Firm sẽ có các tư vấn chi tiết khi cung cấp dịch vụ.