Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thường được gắn với chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp tư nhân nên thường có sự nhầm lẫn rằng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng chính là những chức danh này. Sự hiểu nhầm này là không hiếm và xảy ra trong cả giới hành nghề luật. Trong bài viết này, nhóm tác giả giới thiệu một số quy định pháp luật cơ bản và quan trọng về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nội dung bài viết này được giới hạn trong phạm vi các quy định pháp luật của Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (“Luật doanh nghiệp năm 2020” hoặc “Luật doanh nghiệp”) mà không mở rộng sang các luật khác. Xin lưu ý rằng, bài viết thể hiện quan điểm riêng của những người viết bài nên chỉ có ý nghĩa tham khảo. Người đọc không nên coi đây là ý kiến tư vấn chính thức để áp dụng cho tình huống tương tự, mọi vấn đề pháp lý phát sinh thực tế nên được giải đáp thông qua việc sử dụng dịch vụ pháp lý của các văn phòng luật sư, công ty luật.
Nội dung bài viết
(i) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai?
(ii) Những loại hình doanh nghiệp nào được phép có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật?
(iii) Thẩm quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp?
(iv) Xác định thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật?
(v) Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
(vi) Người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
(vii) Người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
(viii) Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.
(ix) Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh.
(x) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai?
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1 Điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Quy định trên đây của Luật doanh nghiệp cho thấy chế định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” không quy định chức danh mà người đại diện theo pháp luật sẽ nắm giữ, nội dung này sẽ được phản ánh rõ nét hơn khi xem xét đến chức danh của người đại diện theo pháp luật trong các loại hình doanh nghiệp cụ thể.
Hơn nữa, cần lưu ý rằng chế định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không mặc định cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có toàn quyền đại diện cho doanh nghiệp như cách hiểu của không ít người và cũng không quy quyền đại diện đương nhiên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến giao kết hợp đồng, ngoại trừ quyền đại diện cho doanh nghiệp để ký kết và thực hiện hợp đồng (nội dung này, xin xem thêm về thẩm quyền liên quan đến giao kết hợp đồng trong doanh nghiệp, sẽ được nhóm tác giả tiếp tục trình bày trong bài viết khác).
Những loại hình doanh nghiệp nào được có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật?
Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật
(Khoản 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020)
Thẩm quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp?
Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
(Khoản 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Cần lưu ý rằng: theo Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 thì chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần là cơ quan quản lý doanh nghiệp có thẩm quyền quyết định thông qua, sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Do đó, thẩm quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc về các cơ quan này (và quyết định của những cơ quan quản lý doanh nghiệp này phải được ghi nhận trong Điều lệ công ty).
Xác định thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật?
Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Khoản 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp?
Điều 13. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.
Đây là quy định chung về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn có cách trách nhiệm riêng tùy thuộc vào chức danh mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nắm giữ và các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật doanh nghiệp, Điều lệ Công ty và Hợp đồng lao động.
Người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
(Khoản 3 Điều 79 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Chi tiết về thểm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc xin xem bài viết “cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên“.
Người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
(Khoản 3 Điều 54 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Chi tiết về thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên xin xem bài viết “cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên“.
Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần
Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
(Khoản 2 Điều 137 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Chi tiết về thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần xin xem bài viết “cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần” .
Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh
Điều 184 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định:
1. Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.
2….
3….
4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:
a) …
b) …
c) ….
d) …
đ) Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
Cần lưu ý rằng, khoản 1 Điều 184 Luật doanh nghiệp quy định thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh. Nhưng một phần chức năng của người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh quy định trong khoản 1 Điều 12 Luật doanh nghiệp lại được thực hiện bởi Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc như quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 184 Luật doanh nghiệp nêu trên.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân
Điều 190. Quản lý doanh nghiệp tư nhân
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác thèo quy định của pháp luật.
2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(Điều 190 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Khoản 2 Điều 190 Luật doanh nghiệp không quy định về thẩm quyền của Giám đốc, Tổng giám đốc của doanh nghiệp tư nhân mà chỉ quy định rằng Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp (trực tiếp làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc) hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để điều hành hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, khoản 3 Điều 190 Luật doanh nghiệp quy định rõ ràng rằng Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật. Do đó, trên quan điểm thận trọng thì nên hiểu rằng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân có chức danh là Chủ doanh nghiệp tư nhân chứ không bao gồm chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh.