Những vấn đề cơ bản của thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài
Theo định nghĩa của Luật Trọng tài thương mại thì “thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”.
Thỏa thuận trọng tài là cơ sở pháp lý quan trọng và duy nhất để một tranh chấp có khả năng được thụ lý, giải quyết tại Trọng tài. Nếu không đủ cơ sở để xác định tồn tại một thỏa thuận trọng tài để giải quyết tranh chấp thì tranh chấp sẽ được giải quyết bằng một cơ quan giải quyết tranh chấp khác (như Tòa án chẳng hạn).
Đặc tính quan trọng của thỏa thuận trọng tài
Ngoài các đặc tính cơ bản cần phải có của thỏa thuận trọng tài với tính chất là một giao dịch dân sự, đối tượng của thỏa thuận trọng tài cần phải đáp ứng hai đặc tính quan trọng gồm: (i) là tranh chấp và (ii) là tranh chấp thuộc thẩm quyền tài phán của Trọng tài.
Xác lập thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
Hình thức của thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
(i) Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
(ii) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
(iii) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
(iv) Trong các giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
(v) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Các lưu ý để thỏa thuận trọng tài có hiệu lực
Các trường hợp dưới đây, dù có cơ sở để xác định tồn tại thỏa thuận trọng tài nhưng thẩm quyền xét xử cuối cùng lại thuộc về Tòa án, và còn phải trải qua một số thủ tục rất phức tạp trước khi vụ việc được Tòa án thụ lý, giải quyết:
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong các trường hợp sau:
(i) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài;
(ii) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
(iii) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
(iv) Hình thức của thỏa thuận trọng tài không phù hợp;
(v) Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận Trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu;
(vi) Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được
Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được bao gồm:
(i) Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp;
(ii) Các bên đã có thỏa thuận về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
(iii) Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
(iv) Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế;
(v) Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật trọng tài thương mại nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Thỏa thuận trọng tài mẫu / điều khoản trọng tài mẫu
Khuyến cáo của các Trung tâm Trọng tài về điều khoản trọng tài mẫu thông thường là
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng (giao dịch) sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài X theo Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài”
Với Hội đồng Trọng tài gồm Y Trọng tài viên; và
Ngôn ngữ Trọng tài là tiếng ….
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả bài viết thì do ưu điểm lớn nhất của Trọng tài là thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn nhưng kéo theo đó là chi phí Trọng tài khá lớn so với chi phí Tòa án. Do đó, các bên tham gia giao dịch nên xác định, lựa chọn và giới hạn phạm vi thỏa thuận những tranh chấp nào sẽ được giải quyết bằng tố tụng Trọng tài, các tranh chấp còn lại sẽ được giải quyết tại Tòa án hoặc tùy chọn bởi bên khởi kiện.
Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải là ý kiến tư vấn của BFSC và không nên được mặc nhiên áp dụng cho một thỏa thuận trọng tài hoặc điều khoản trọng tài cụ thể của Khách Hàng.
Mọi ý kiến trao đổi, góp ý về bài viết, xin liên lạc với tác giả
Luật sư Phan Quang Chung
Công ty luật TNHH BFSC
Email: [email protected]