Những việc cần làm khi có nguy cơ xảy ra tranh chấp
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Xung đột lợi ích (hoặc bất đồng, tranh chấp) là một sự kiện nằm ngoài mong muốn của tất cả các bên tham gia giao dịch nhưng không phải là một tình huống hiếm gặp.
Khi đối diện với nguy cơ này, phản xạ tự nhiên của không ít nhà điều hành doanh nghiệp là cố gắng cho rằng doanh nghiệp mình không sai (hoặc sai không đáng kể) hoặc tìm kiếm các nguyên nhân khác để giải thích cho sai sót đó.
Cách tiếp cận này dường như sẽ mang đến sự căng thẳng trong quá trình tìm kiếm tiếng nói chung để giải quyết xung đột lợi ích thông qua hoạt động đối thoại, hòa giải. Từ đó có nguy cơ dẫn đến tạm ngừng, chấm dứt giao dịch và khả năng cao là sẽ cần đến sự phân định đúng sai của Tòa án hoặc Trọng tài.
Quan điểm của chúng tôi là khi đối diện với nguy cơ xung đột quyền lợi, mỗi bên cần trả lời được hai câu hỏi quan trọng sau đây:
Thứ nhất, xét một cách khách quan và toàn diện, nếu phải phân xử (bất đồng, tranh chấp này) bởi một thủ tục tố tụng (Tòa án, Trọng tài, Hội đồng cạnh tranh, Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo) thì kết quả sẽ ra sao; và
Thứ hai, trình tự, thủ tục, thời gian, chi phí để thực hiện tiến trình tố tụng và khả năng thu được lợi ích, giá trị cuối cùng trên thực tế sau khi kết thúc mọi tiến trình tố tụng sẽ ra sao?
Trong một số trường hợp, câu hỏi thứ nhất có thể tự trả lời được một cách khá chính xác nếu (i) các bên đã có thỏa thuận bằng văn bản một cách rõ ràng, chi tiết về giao dịch (chúng tôi gọi là Hợp Đồng), với điều kiện là Hợp Đồng đã được soạn thảo, đàm phán, ký kết phù hợp với ý chí của các bên và các quy định pháp luật: và (ii) các bên đã có sự kiểm soát chi tiết quá trình thực hiện giao dịch trên cơ sở các quy định của Hợp Đồng và mức độ hoàn thành / vi phạm hợp đồng của mỗi bên. Tuy nhiên, câu hỏi thứ hai cần nhiều hơn sự tư duy và các kiến thức pháp lý cũng như kinh nghiệm giải quyết các tình huống xung đột lợi ích tương tự.
Chúng tôi luôn khuyến khích các bên sử dụng dịch vụ thẩm định hồ sơ tranh chấp từ các luật sư, công ty luật với một điều kiện tiên quyết là hãy yêu cầu (và hãy để cho) các luật sư, công ty luật đánh giá một cách trung thực, khách quan (và tốt nhất là chúng tôi cũng như họ – các luật sư, công ty luật nên chịu trách nhiệm về ý kiến đánh giá đó).
Trên cơ sở ý kiến thẩm định pháp lý của các luật sư, công ty luật, các bên sẽ (và nên) quyết định thúc đẩy hơn nữa hoạt động đối thoại, hòa giải để giảm thiểu thời gian, chi phí và các tác động không tốt nếu phải giải quyết xung đột bằng quá trình tố tụng tại Tòa án, Trọng tài. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp nhận thấy khả năng thi hành phán quyết của Trọng tài, Tòa án của (các) bên còn lại là không chắc chắn thì việc đạt được một lợi ích nhỏ từ hoạt động đối thoại, hòa giải là sẽ hữu hiệu hơn việc có được một lợi ích lớn hơn theo phán quyết nhưng không có khả năng thi hành.
Một vấn đề khác có liên quan, chúng tôi cho rằng hầu hết mọi xung đột lợi ích đều có khả năng phòng ngừa được thông qua việc sử dụng dịch vụ tư vấn từ các luật sư, công ty luật trước và trong quá trình thực hiện giao dịch với các khách hàng, đối tác (và trong cả các thủ tục pháp lý với Cơ quan có thẩm quyền – mà chúng tôi sẽ đề cập lý do trong một bài viết khác). Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu và nên thực hiện song song cùng với chính sách bảo hiểm (nếu có thể). Xét cho đến cùng, phí tư vấn pháp lý chi trả cho những công ty luật dẫn đầu thị trường là một khoản chi phí hợp lý nên được tính đến thường xuyên trong chi phí hoạt động để xây dựng nên những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.