Pháp lý hoạt động thuê, cho thuê tài chính.
Thuê tài chính là một phương thức huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính. Thông qua các hợp đồng thuê tài chính, doanh nghiệp được sử dụng tài sản thuê (chủ yếu là máy móc, thiết bị) cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và trả tiền thuê cho bên cho thuê là các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số quy định pháp luật Việt Nam về hoạt động cho thuê tài chính được quy định trong Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính có hiệu lực từ ngày 25 tháng 06 năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 16/2019/NĐ-CP và Thông tư 30/2015/TT-NHNN ban hành ngày 25/12/2025 của Ngân hàng nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 08/02/2016. Thông qua bài viết này, tác giả mong muốn giới thiệu đến doanh nghiệp một số quy định pháp luật cơ bản liên quan đến hoạt động thuê tài chính mà doanh nghiệp có thể sẽ tham gia trong tương lai. Trong bài viết này, tác giả không đề cập đến các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính – các nội dung này sẽ được đề cập trong một bài viết khác.
Xin lưu ý rằng, nội dung bài viết thuần túy giới thiệu các quy định pháp luật hiện hành và được trình bày lại theo quan điểm cá nhân của tác giả bài viết. Công ty luật BFSC khuyến cáo rằng các nội dung được đề cập trong bài viết chỉ nên được sử dụng cho mục đích tham khảo, không nên được coi là ý kiến tư vấn của tác giả bài viết hay của BFSC đối với một tình huống pháp lý thực tế.
Bên thuê tài chính
Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì bên thuê tài chính là tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình. Bổ sung cho nội dung này, khoản 14 Điều 3 Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định Bên thuê tài chính (bao gồm cả Bên bán và thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính) là tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, bao gồm các pháp nhân, cá nhân và các chủ thể dân sự khác theo quy định của pháp luật về dân sự, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình.
Cần lưu ý rằng “nội dung trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình” là một điều kiện bắt buộc đối với Bên thuê tài chính và tiếp tục được nhắc lại trong các điều kiện mà Bên thuê tài chính phải đáp ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Thông tư 30/2015/TT-NHNN. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Thông tư 30/2015/TT-NHHH, Bên thuê tài chính phải có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
(ii) Có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả và khả thi, phương án sử dụng vốn để phục vụ đời sống khả thi và trực tiếp sử dụng tài sản thuê để thực hiện dự án, phương án đó, phù hợp với quy định của pháp luật;
(iii) Có khả năng tài chính đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ cam kết theo hợp đồng cho thuê tài chính;
(iv) Đối với tổ chức Việt Nam và nước ngoài, thời hạn cho thuê tài chính không quá thời hạn hoạt động còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam; đối với cá nhân nước ngoài, thời hạn cho thuê tài chính không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.
Bên cho thuê tài chính
Theo khoản 9 điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì bên cho thuê tài chính là công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính.
Theo quy định đã viện dẫn, Bên cho thuê tài chính có thể là (i) công ty cho thuê tài chính hoặc (ii) công ty tài chính. Tư cách pháp lý và ngành nghề cho thuê tài chính của Bên cho thuê tài chính phải được ghi nhận trong Giấy phép hoạt động của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp và còn hiệu lực.
Các bên liên quan khác
Trong giao dịch cho thuê tài chính, có thể sẽ xuất hiện vai trò của bên thứ ba với vai trò là người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ cho Bên thuê tài chính hoặc Bên cung ứng tài sản theo hợp đồng cho thuê tài chính. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không đề cập đến các bên liên quan của giao dịch cho thuê tài chính.
Tài sản cho thuê tài chính
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì tài sản cho thuê tài chính là máy móc, thiết bị hoặc tài sản khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước theo từng thời kỳ. Theo khoản 12 điều 3 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN thì tài sản cho thuê tài chính được quy định bao gồm các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải (trừ tàu thuyền, tàu bay) không thuộc danh mục cấm mua bán, xuất, nhập khẩu theo quy định. Cần lưu ý rằng: Đối với trường hợp cho thuê vận hành, tài sản cho thuê vận hành được quy định mở rộng hơn so với tài sản cho thuê tài chính, bao gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, các động sản khác, bất động sản theo quy định tại khoản 2 Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng (là bất động sản được Bên cho thuê tài chính nắm giữ do việc xử lý nợ vay).
Tài sản cho thuê tài chính có thể là tài sản do bên cho thuê tài chính tự mua để cho bên thuê tài chính thuê lại; là tài sản của bên thuê tài chính do bên cho thuê tài chính mua lại của bên thuê tài chính và sau đó cho bên thuê tài chính thuê chính tài sản này hoặc là tài sản do bên thuê thuê tài chính mua của bên thứ ba theo đơn đặt hàng của bên thuê tài chính.
Tuy nhiên, cho dù nguồn gốc và thủ tục pháp lý liên quan đến việc hình thành tài sản cho thuê tài chính thế nào, bên cho thuê tài chính được xác định là chủ sở hữu tài sản cho thuê tài chính trong suốt thời hạn cho thuê tài chính. Khoản 1 điều 17 Nghị định 39/2014/NĐ-CP quy định “quyền sở hữu tài sản cho thuê tài chính của bên cho thuê tài chính không bị ảnh hưởng trong trường hợp bên thuê tài chính phá sản, giải thể hoặc có tranh chấp, khởi kiện trước Tòa án liên quan đến một bên thứ ba khác. Tài sản cho thuê tài chính không được coi là tài sản của bên thuê khi xử lý tài sản để trả nợ cho các chủ nợ khác”.
Với tư cách là chủ sở hữu tài sản cho thuê tài chính, bên cho thuê có quyền đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản, gắn ký hiệu sở hữu lên tài sản, có quyền thu hồi tài sản cho thuê trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận và có quyền yêu cầu các cơ quan chính quyền địa phương hỗ trợ bên cho thuê tài chính thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản trong các trường hợp cần thiết.
Bên cho thuê tài chính cũng có nghĩa vụ mua, nhập khẩu tài sản cho thuê theo thỏa thuận giữa bên cho thuê tài chính và có nghĩa vụ đăng ký quyền sở hữu, mua bảo hiểm đối với tài sản cho thuê tài chính.
Việc xác định các yêu cầu, đặc tính kỹ thuật và các vấn đề có liên quan đến tài sản cho thuê tài chính là trách nhiệm chung của cả bên cho thuê tài chính và bên cho thuê tài chính theo các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, bên cho thuê tài chính không phải chịu trách nhiệm về việc tài sản cho thuê không được giao hoặc giao không đúng đối với các điều kiện do bên thuê tài chính thỏa thuận với bên cung ứng. Đây là một rủi ro mà bên thuê tài chính cần đặc biệt lưu ý trong trường hợp bên thuê tài chính dự định thỏa thuận rằng sẽ tự mình đặt hàng, kiểm tra hàng hóa và giao nhận hàng hóa trực tiếp với bên cung ứng hàng hóa.
Ngoài nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản cho thuê tài chính, bên thuê tài chính còn có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản thuê. Bên thuê tài chính cần xác định rõ trách nhiệm sửa chữa, khắc phục của các bên đối với các hư hỏng phát sinh liên quan đến tài sản cho thuê. Theo quy định pháp luật hiện hành, việc tài sản cho thuê bị hư hỏng không thể phục hồi, sửa chữa là điều kiện để bên cho thuê chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trong trường hợp này, bên thuê tài chính vẫn phải thanh toán toàn bộ tiền thuê còn lại và chịu các chi phí phát sinh đối với việc thu hồi tài sản thuê.
Hợp đồng cho thuê tài chính
Nội dung chủ yếu của Hợp đồng cho thuê tài chính
Nghị định 39/2014/NĐ-CP và Thông tư 30/2015/TT-NHNN đều quy định hợp đồng cho thuê tài chính là hợp đồng không hủy ngang. Khoản 2 Điều 35 Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định hợp đồng cho thuê tài chính phải được lập thành văn bản phù hợp với các quy định pháp luật về hợp đồng dân sự và phải có tối thiểu các nội dung sau đây:
(i) Tên, địa chỉ của Bên cho thuê tài chính và Bên thuê tài chính;
(ii) Điều kiện cho thuê tài chính;
(iii) Tên, đặc tính kỹ thuật, chủng loại, giá cả, thời hạn giao nhận, lắp đặt, bảo hành tài sản thuê, chất lượng của tài sản thuê, các điều khoản, điều kiện khác có liên quan đến tài sản thuê;
(iv) Mục đích sử dụng tài sản thuê;
(v) Tiền thuê tài chính, thời điểm nhận nợ tiền thuê tài chính; mức lãi suất cho thuê tài chính; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho thuê tài chính đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho thuê tài chính có điều chỉnh; loại phí và mức phí áp dụng; các chi phí theo quy định của pháp luật;
(vi) Thời hạn cho thuê tài chính và kỳ hạn trả nợ tiền thuê tài chính;
(vii) Thỏa thuận về việc chuyển nợ gốc quá hạn, thông báo về chuyển nợ gốc quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dự nợ gốc quá hạn, lãi suất áp dụng đối với tiền lãi thuê chậm trả;
(viii) Quyền và nghĩa vụ của các bên, xử lý trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước thời hạn theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính;
(ix) Các nội dung khác của hợp đồng cho thuê tài chính do Bên cho thuê tài chính và Bên thuê tài chính thỏa thuận.
Nội dung chủ yếu của hợp đồng mua tài sản trong giao dịch mua và cho thuê lại
Trong trường hợp giao dịch cho thuê tài chính là giao dịch mua và cho thuê lại, các bên phải thực hiện giao dịch này thông qua hai hợp đồng gồm (i) hợp đồng mua tài sản và (ii) hợp đồng cho thuê tài chính giữa Bên mua và cho thuê lại và Bên bán và thuê lại. Trong trường hợp này, hợp đồng mua tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm hợp đồng cho thuê tài chính có hiệu lực và hợp đồng mua tài sản phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
(i) tên, địa chỉ của các bên;
(ii) mục đích mua tài sản;
(iii) mô tả tài sản;
(iv) giá mua tài sản;
(v) phương thức thanh toán;
(vi) thời gian, địa điểm thực hiện hợp đồng, phương thức thực hiện hợp đồng;
(vii) quyền lợi và nghĩa vụ các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
(viii) phạt vi phạm hợp đồng và các nội dung khác theo thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật về mua bán tài sản;
Nội dung chủ yếu của hợp đồng cho thuê vận hành
Trong trường hợp giao dịch cho thuê tài chính là hình thức cho thuê vận hành thì hợp đồng cho thuê vận hành tối thiểu phải có các nội dung sau đây:
(i) tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty cho thuê tài chính, Bên thuê vận hành;
(ii) Tên, loại, mã số (nếu có) của tài sản cho thuê và các thông tin cần thiết để xác định đúng tài sản cho thuê;
(iii) Thời hạn cho thuê;
(iv) Tiền thuê;
(v) Trách nhiệm của các bên trong việc bảo hiểm, bảo dưỡng, bảo hành, kiểm định, sửa chữa, thay thế và các trách nhiệm khác theo thỏa thuận đối với tài sản cho thuê trong thời gian cho thuê;
(vi) Quyền, nghĩa vụ của công ty cho thuê tài chính và Bên thuê vận hành trong hoạt động cho thuê vận hành, chấm dứt hợp đồng cho thuê vận hành trước hạn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và các quy định pháp luật có liên quan.
Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng cho thuê tài chính
Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính được quyền thỏa thuận về việc phát vi phạm, bồi thường thiệt hại đối với trường hợp Bên cho thuê tài chính, Bên thuê tài chính không thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính.
Hai bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ (i) chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc (ii) vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính
Điều 24 Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định việc đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc phải đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính và cũng không có văn bản pháp luật nào quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính. Theo quy định tại Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm thì hợp đồng cho thuê tài chính cũng không thuộc đối tượng phải đăng ký. Tuy nhiên, trong trường hợp phát sinh các giao dịch liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng cho thuê tài chính thì các giao dịch bảo đảm tài sản này sẽ phải tiến hành đăng ký theo quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đồng tiền cho thuê tài chính
Đồng tiền sử dụng để cho thuê tài chính trong trường hợp cho thuê tài chính; mua và cho thuê lại là đồng Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành cũng cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số trường hợp nhất định nếu đáp ứng các điều kiện quy định.
Đối với hợp đồng cho thuê vận hành, các quy định hiện hành không có quy định mặc định về đồng tiền phải sử dụng trong hoạt động cho thuê vận hành và cũng không quy định điều kiện sử dụng ngoại tệ trong hoạt động cho thuê vận hành. Theo quan điểm của cá nhân tác giả, hợp đồng cho thuê vận hành là một hình thức của hợp đồng cho thuê tài chính nên việc sử dụng đồng tiền cho thuê tài chính cũng sẽ được áp dụng tương tự như quy định đối với hợp đồng cho thuê tài chính.
Lãi suất cho thuê tài chính
Theo các quy định hiện hành, lãi suất cho thuê tài chính do Bên cho thuê tài chính và Bên thuê tài chính thỏa thuận với mức lãi suất được tính theo tỷ lệ % / năm.
Trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn, khi đến hạn thanh toán mà Bên thuê tài chính vi phạm nghĩa vụ trả tiền thuê tài chính, Bên thuê tài chính phải trả lãi như sau:
(i) Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do Bên cho thuê tài chính thỏa thuận với Bên thuê tài chính trong hợp đồng cho thuê tài chính nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho thuê tài chính trong hạn áp dụng ngay trước thời điểm chuyển sang nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc đó;
(ii) Trường hợp Bên thuê tài chính không trả tiền lãi thuê đúng hạn, Bên thuê tài chính còn phải trả cho Bên cho thuê tài chính tiền lãi đối với tiền lãi thuê chậm trả theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số tiền lãi thuê chậm trả trong thời gian chậm trả.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính là việc Bên cho thuê tài chính chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ tiền thuê tài chính hoặc gia hạn nợ tiền thuê tài chính.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 35 Thông tư 30/2015/TT-NHNN thì trong trường hợp (i) Bên thuê tài chính không có khả năng trả nợ tiền thuê tài chính đúng kỳ hạn nợ gốc và / hoặc tiền lãi thuê trong phạm vi thời hạn cho thuê tài chính đã thỏa thuận hoặc (ii) Bên thuê tài chính không có khả năng trả hết nợ gốc và hoặc tiền lãi thuê đúng thời hạn cho thuê tài chính đã thỏa thuận, Bên cho thuê tài chính có thể xem xét việc cơ lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính trên cơ sở đề nghị của Bên thuê tài chính và đánh giá của Bên cho thuê tài chính về khả năng trả nợ của Bên thuê tài chính.
Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính, Bên cho thuê tài chính sẽ xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, lãi hoặc gia hạn thời hạn cho thuê tài chính phù hợp với nguồn trả nợ của Bên thuê tài chính.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính phải được thực hiện trước hoặc trong ngày cuối cùng của kỳ hạn trả nợ, thời hạn trả nợ.
Bên thuê tài chính cần phải hiểu rằng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiền thuê tài chính không hoàn toàn là nghĩa vụ phải thực hiện của Bên cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành và việc đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ của Bên thuê tài chính là sự đánh giá có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính chủ quan của Bên cho thuê tài chính.
Chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn
Theo quy định tại Nghị định 39/2014/NĐ-CP và Thông tư 30/2015/TT-NHNN thì hợp đồng cho thuê tài chính có thể chấm dứt trước thời hạn trong các trường hợp sau:
(i) Bên thuê tài chính không thanh toán tiền thuê;
(ii) Bên thuê tài chính bị tuyên bố phá sản, giải thể;
(iii) Tài sản thuê tài chính bị mất, hỏng không thể phục hồi sửa chữa;
(iv) Bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính đồng ý để bên thuê tài chính thanh toán toàn bộ tiền thuê còn lại trước thời hạn thuê quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
(v) Bên cho thuê tài chính hoặc bên thuê tài chính vi phạm một trong các điều kiện, điều khoản là căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
Đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước thời hạn do (i) Bên thuê tài chính không không thanh toán tiền thuê hoặc (ii) vi phạm một trong các điều khoản, điều kiện là căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính hoặc (iii) Bên thuê tài chính bị tuyên bố phá sản, giải thể, Bên thuê tài chính phải thanh toán ngay toàn bộ số tiền thuê còn lại bao gồm:
(i) Nợ gốc còn lại; Trường hợp Bên thuê tài chính không thanh toán ngay được số tiền nợ gốc còn lại, Bên thuê tài chính còn phải trả lãi chậm trả theo quy định sau đây:
A = B – C.
Trong đó:
A: Số tiền lãi chậm trả do chậm thanh toán đối với tiền nợ gốc còn lại;
B: Tiền lãi thuê trên số nợ gốc còn lại theo lãi suất do Bên cho thuê tài chính thỏa thuận với Bên thuê tài chính nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho thuê tài chính trong hạn tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn từ thời điểm chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn đến thời điểm trả hết số tiền nợ gốc;
C: Tiền lãi thuê còn lại phải trả theo hợp đồng cho thuê tài chính quy định tại mục (ii) dưới đây từ thời điểm chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn đến thời điểm trả hết số tiền nợ gốc. Trường hợp Bên thuê tài chính không trả hết số tiền nợ gốc trước thời điểm kết thúc hợp đồng cho thuê tài chính theo hợp đồng cho thuê tài chính thì C bằng toàn bộ tiền lãi thuê còn lại phải trả theo hợp đồng cho thuê tài chính quy định tại mục (ii) dưới đây.
(ii) Tiền lãi thuê còn lại phải trả theo hợp đồng cho thuê tài chính từ thời điểm chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn đến thời điểm kết thúc hợp đồng cho thuê tài chính theo hợp đồng cho thuê tài chính. Trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính không có quy định và các bên không có thỏa thuận khác thì tiền lãi tiền thuê còn lại phải trả được tính theo lãi suất trong hạn tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn;
(iii) Tiền lãi thuê trong hạn, tiền lãi thuê quá hạn chưa trả tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn;
(iv) Tiền lãi đối với tiền thuê chậm trả tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn ./.
Nội dung đầy đủ của bài viết, vui lòng download tại đây.