Quy định pháp luật về vốn điều lệ của doanh nghiệp
Vốn điều lệ của doanh nghiệp
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp
Theo quy định của Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (trong bài viết này được gọi tắt là “Luật doanh nghiệp năm 2020”), vốn điều lệ tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành lập là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Vốn điều lệ sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Phụ thuộc vào kết quả góp vốn đã cam kết, kết quả thanh toán tiền mua cổ phần đã đăng ký của thành viên, cổ đông sáng lập mà sau khi kết thúc thời hạn quy định phải hoàn tất việc góp vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ được ghi nhận là giá trị tài sản đã được các thành viên, chủ sở hữu thực góp cho công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc số tiền đã được các cổ đông sáng lập thanh toán cho công ty cổ phần.
Trong trường hợp kết quả góp vốn, thanh toán tiền mua cổ phần đã đăng ký không được như cam kết tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp và phụ thuộc vào kết quả xử lý của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị đối với phần vốn góp bị thiếu mà có thể dẫn tới việc công ty phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ góp vốn, thay đổi thành viên, chuyển đổi mô hình hoạt động, thậm chí là giải thể ngay sau khi hết thời hạn góp vốn.
Tăng vốn điều lệ trong quá trình hoạt động
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ theo quy định sau đây:
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ theo một trong hai phương án: (i) các thành viên công ty góp thêm vốn; (ii) tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể tăng vốn điều lệ bằng một trong hai phương án: (i) chủ sở hữu công ty góp thêm vốn; (ii) huy động thêm vốn góp của người khác.
Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán thêm cổ phần theo một trong ba phương thức: (i) chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; (ii) chào bán cổ phần riêng lẻ; (iii) chào bán cổ phần ra công chúng.
Giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động như sau:
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ bằng một trong hai phương án: (i) hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên; (ii) mua lại phần vốn góp của thành viên.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể giảm vốn điều lệ bằng phương án hoàn trả lại một phần vốn góp cho chủ sở hữu.
Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ bằng một trong hai phương án: (i) hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông; (ii) mua lại cổ phần đã bán.
Điều quan trọng nhất cần được lưu ý rằng, trừ khoảng thời gian từ khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập cho đến khi kết thúc thời hạn góp vốn thành lập, được quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020 là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (cấp lần đầu) và cho đến khi kết thúc thời gian đăng ký thay đổi vốn điều lệ, được quy định là 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn góp vốn, vốn điều lệ của mỗi doanh nghiệp đều phải thể hiện phần vốn góp thực tế của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông trong doanh nghiệp.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm liên quan đến vốn điều lệ và góp vốn
Một trong số các vi phạm thường thấy và dễ bị các doanh nghiệp vừa và nhỏ bỏ qua là các vốn điều lệ thường không được ghi nhận, kê khai một cách chính xác. Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20.000.000đ đến 100.000.000đ, cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Ngoài ra, doanh nghiệp, thành viên, cổ đông cũng có thể bị xử phạt hành chính về việc góp vốn điều lệ theo quy định tại Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP đối với các vi phạm có liên quan đến việc góp vốn thành lập doanh nghiệp như sau:
Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
1. ………………………………………………..
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;
b) Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
4. …………………………………….
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thay đổi thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) ………………………………………………………
Vì vậy, theo quan điểm của người viết bài, doanh nghiệp (và các thành viên, cổ đông) không nên khuyến khích hoặc bỏ qua việc kê khai vốn điều lệ không đúng thực tế để tránh các rủi ro pháp lý về sau.