Quy định về “mất quyền phản đối” trong tố tụng trọng tài.
Trong bài viết này, nhóm tác giả giới thiệu các quy định pháp luật của Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH11 (“Luật TTTM”), Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM (“Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP”) và Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2017 (“Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài VIAC”). Bài viết cũng đề cập đến quy định của Luật mẫu của UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế và trích dẫn một số bản án, quyết định có liên quan của Tòa án liên quan đến vấn đề “mất quyền phản đối”trong tố tụng trọng tài.
Quy định về “mất quyền phản đối” trong tố tụng trọng tài
Nội dung bài viết
Quy định của Luật TTTM về mất quyền phản đối.
Quy định của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP về mất quyền phản đối.
Quy định của Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài VIAC về mất quyền phản đối.
Quy định tại Luật mẫu của UNCITRAL về mất quyền phản đối.
Một số bản án của Tòa án về mất quyền phản đối trong tố tụng trọng tài.
Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của nhóm tác giả, chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu pháp luật, không phải là quan điểm tư vấn của Công ty luật BFSC đối với một tình huống thực tế. Quý khách hàng vui lòng liên hệ để yêu cầu dịch vụ khi có vấn đề pháp lý phát sinh thực tế.
Quy định của Luật Trọng tài thương mại về mất quyền phản đối.
Điều 13 Luật TTTM quy định về “mất quyền phản đối” như sau:
Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.
Quy định của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP về mất quyền phản đối.
Điều 6 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 13 Luật TTTM về mất quyền phản đối như sau:
1. Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật TTTM quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.
2. Trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối.
Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên.
3. Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thì Tòa án có quyền quyết định ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối.
Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngoài việc hướng dẫn thi hành Điều 13 Luật TTTM còn quy định thêm rằng Tòa án sẽ không áp dụng quy định về mất quyền phản đối khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Quy định của Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài VIAC về mất quyền phản đối.
Khoản 1 Điều 9 Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài VIAC quy định về mất quyền phản đối như sau:
“Trong trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối”.
Quy định tại Luật mẫu của UNCITRAL về mất quyền phản đối.
Điều 4 Luật mẫu của UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế, phiên bản sửa đổi 07/07/2006 quy định về mất quyền phản đối như sau:
“Điều 4. Khước từ quyền phản đối
Nếu một bên biết rằng một trong các quy định mà các bên có quyền không áp dụng trong Luật này hoặc một điều kiện quy định trong thỏa thuận trọng tài đã bị vi phạm mà vẫn tiếp tục thủ tục tố tụng trọng tài và không phản đối một cách nhanh chóng hoặc trong thời hạn quy định, nếu có, thì coi như đã từ bỏ quyền phản đối của mình”
Một số quyết định giải quyết yêu cầu hủy phán quyến trọng tài của Tòa án liên quan đến việc áp dụng quy định về mất quyền phản đối trong tố tụng trọng tài.
1. Quyết định số 11/2022/QĐ-PQTT ngày 20/09/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do không có thỏa thuận trọng tài.
“Bên yêu cầu đưa ra căn cứ pháp lý hủy Phán quyết là điểm a khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010: Các bên không có thỏa thuận trọng tài.
Xét căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu, thấy:
Giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký hợp đồng mua bán găng tay số 001 và 002 trong các ngày 10/7/2020 và 17/7/2020. Tại các hợp đồng mua bán này, các bên chỉ thỏa thuận về sản phẩm mua bán, điều khoản thương mại, điều khoản thanh toán, chứng từ xuất khẩu mà các bên không thỏa thuận điều khoản nào về giải quyết tranh chấp.
Tại bản tự bảo vệ gửi Hội đồng trọng tài, bị đơn thừa nhận nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn số tiền là 1.027.500 USD. Do THB không thể giao được hàng hóa theo đúng thỏa thuận nên THB có nghĩa vụ hoàn trả lại GMA các khoản tiền mà GMA đã thanh toán sau khi đối trừ đi một phần tiền mà THB đã thanh toán trả cho GMA.
Để giải quyết công nợ đối với số tiền chưa thanh toán theo các hợp đồng đã ký kết, các bên có nhiều trao đổi bằng văn bản và email cho nhau, cụ thể:
Ngày 18/01/2021, THB có văn bản gửi GMA có nội dung: Trả lời công văn nhắc nhợ ngày 11/01/2021 của GMA về vấn đề thu hồi công nợ đang tranh chấp. Theo đó, tại văn bản này, THB đã đề cập đến số tiền tranh chấp tại mục B/Phương án xử lý tranh chấp, cụ thể là số tiền 60.640,7 USD còn nợ của GMA.
Theo quy định tại khoản 4 điều 71 Luật trọng tài thương mại, Hội đồng xét đơn không giải quyết về nội dung vụ kiện, tuy nhiên, Hội đồng xét đơn xem xét việc ký kết các hợp đồng mua bán làm căn cứ xác định việc bên yêu cầu cho rằng Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Quá trình tố tụng tại trọng tài, THB chỉ thừa nhận ký 02 hợp đồng mua bán số 001 ngày 10/7/2020 và số 002 ngày 17/7/2020. Ngoài ra THB không thừa nhận giao dịch nào khác với GMA. Tuy nhiên, giá trị của 02 hợp đồng nêu trên lại chỉ có 420.000USD nhưng THB xác nhận là GMA đã chuyển cho THB tổng số tiền là 1.027.500 USD. Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ giao hàng nên các bên ký 03 biên bản thanh lý. Theo đó
– Biên bản thanh lý ngày 04/8/2020 để thanh lý hợp đồng mua bán số 003 với số tiền là 607.500 USD
-Biên bản thanh lý ngày 12/8/2020 để thanh lý hợp đồng mua bán số 001 với số tiền là 219.000 USD
– Biên bản thanh lý ngày 12/8/2020 để thanh lý hợp đồng mua bán số 002 với số tiền là 201.000 USD
Với tổng giá trị theo 03 biên bản thanh lý là 1.027.500 USD
Như vậy, thấy rằng mặc dù THB không thừa nhận ký kết hợp đồng số 03 nhưng thực tế đã nhận đủ số tiền của 03 hợp đồng mua bán theo đúng 3 biên bản thanh lý nêu trên với số tiền là 1.027.500 USD. Do THB không giao được hàng nên phải hoàn trả lại cho GMA số tiền mà GMA đã thanh toán và THB mới chuyển được một phần cho GMA và số tiền còn lại là 60.640,7 USD.
Trên cơ sở đó ngày 11/01/2021 thì GMA có văn bản gửi THB về việc nhắc nợ đối với THB về số tiền 60.640,7 USD này đồng thời thông báo cho THB biết nếu THB không thanh toán khoản nợ trên thì GMA sẽ thực hiện quyền khởi kiện và các biện pháp khác để đòi THB thanh toán trả số tiền nêu trên.
Đến ngày 18/01/2021, chính THB đã có công văn gửi GMA để trả lời công văn ngày 11/01/2021 liên quan đến số tiền nợ 60.640,07USD. Theo đó, ngay tiêu đề của văn bản ngày 18/01/2021 gửi GMA đã thể hiện nội dung “Trả lời công văn nhắc nợ ngày 11/01/2021 của Công ty GMA Inc về vấn đề thu hồi đang tranh chấp”. Tại mục 3 phần B của công văn này, THB cũng đề xuất cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cụ thể: “Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến thỏa thuận này, bao gồm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt của Thỏa thuận, sẽ được tham chiếu và giải quyết cuối cùng bằng trọng tài do Trung tâm trọng tài quốc tế VIệt Nam (“VIAC””) theo quy định Quy tắc Trọng tài của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (“Quy tắc VIAC”) tại thời điểm có hiệu lực, quy tắc mà được coi là hợp nhất bằng cách tham chiếu trong điều khoản này. Địa điểm trọng tài sẽ là thành phố Hà Nội… tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ điều chỉnh các thủ tục trọng tài”.
Thấy rằng, lựa chọn trọng tài tại văn bản ngày 18/01/2021 của THB chính là lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp về khoản nợ liên quan đến các hợp đồng mua bán đã ký với GMA mà không phải bất kỳ một giao dịch khác vì giữa hai bên không tồn tại giao dịch nào khác ngoài giao dịch liên quan đến 03 hợp đồng mua bán và việc thỏa thuận trọng tài nêu trên chính là thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ của các hợp đồng mua bán.
THB viện dẫn cho rằng văn bản 18/01/2021 là một giao kết hợp đồng mới với bên thứ 3 nhưng lập luận này là không có căn cứ vì dù có liên quan đến bên thứ 3 nhưng các giao dịch thể hiện trong văn bản này chỉ viện dẫn đến khoản nợ liên quan đến các hợp đồng mua bán đã ký với THB và GMA mà không phải là giao dịch nào khác nên thỏa thuận về lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp tại văn bản này chính là lựa chọn về cơ quan giải quyết tranh chấp cho khoản nợ giữa THB và GMA như đã phân tích nêu trên.
Tại văn bản ngày 17/5/2021 của GMA gửi THB với nội dung: đồng ý với đề xuất của THB liên quan đến điều khoản giải quyết tranh chấp, cụ thể là: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến giao dịch thương mại giữa hai bên cho việc đặt mua găng tay y tế sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Địa điểm trọng tài là thành phố Hà Nội. Luật áp dụng là pháp luật Việt Nam. Ngôn ngữ trọng tài là Tiếng Việt.
Như vậy, đề xuất lựa chọn trọng tài giải quyết vụ việc của THB đã được GMA đồng ý nên coi đây là thỏa thuận trọng tài giữa hai bên và Hội đồng xét đơn xác định Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định.
Quá trình tố tụng tại trọng tài, THB cũng có nhiều ý kiến về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài như văn bản ngày 17/5/2021 không được đóng dấu, không được hợp pháp hóa lãnh sự. Thấy rằng, tại hợp đồng mua bán, các biên bản thanh lý đều chỉ có chữ ký của ông Peter Douaihy mà không đóng dấu của GMA nhưng THB cũng chưa khi nào khiếu nại hoặc có ý kiến về việc này, vì vậy Hội đồng trọng tài xác định văn bản ngày 17/5/2021 là ý kiến chính thức của GMA là có căn cứ.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 điều 43 Luật trọng tài thương mại thấy: Quá trình tham gia tố tụng tại VIAC nếu không đồng ý với thẩm quyền trọng tài thì THB có quyền khiếu nại với Hội đồng trọng tài, trên cơ sở đó, Hội đồng trọng tài sẽ có quyết định về thẩm quyền trọng tài. Nếu không đồng ý với Quyết định về thẩm quyền trọng tài của Hội đồng trọng tài, THB có quyền yêu cầu xem xét lại quyết định này của Hội đồng trọng tài (về thẩm quyền) tại Tòa án theo quy định tại điều 44 Luật trọng tài thương mại nhưng THB đã không thực hiện việc này mà chỉ có ý kiến khi Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc là mất quyền phản đối theo Điều 13 Luật Trọng tài thương mại”.
(Xem chi tiết quyết định tại đây https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1097870t1cvn/chi-tiet-ban-an)
2. Quyết định số 1185/2022/QĐ-PQTT ngày 29/07/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được.
[3.1] Về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng Trọng tài: Công ty H khởi kiện Công ty T tranh chấp phát sinh từ các Hợp đồng sau: Hợp đồng số 16/2016/HĐTT ngày 09/11/2016 về thi công xây dựng Dự án PMR 10Evergreen-Gói thầu chính -Giai đoạn 1; Hợp đồng số PNH-KEN/2009/01 ngày 21/01/2009 về thi công xây dựng Khối nhà G+H & Hầm để xe Zone 2&; Hợp đồng số PNH-KEN/2009/07 ngày 24/12/2009 về thi công xây trát tường Khối nhà G+H thuộc dự án khu căn hộ cao cấp The Kenton (nay là dựán The Kenton Node); Hợp đồng số KENTON/TN-HBC/2017 ngày 01/02/2017 về việc thi công công trình Landscape (Hardscape). Tại thỏa thuận Trọng tài trong 02 Hợp đồng PNH-KEN/2009/01 và PNH-KEN/2009/07 lại chọn Ban trọng tài kinh tế Thành phốHồ Chí Minh. Do thỏa thuận Trọng tài này là không thể thực hiện được; nên ngày 26/10/2021, Công ty H đã gửi đến Công ty T Công văn số 83/2021/CV-HBC, đề xuất việc lựa chọn V làm Tổ chức Trọng tài để giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng và đề nghị Công ty T có ý kiến phản hồi trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được công văn nêu trên. Đến hết ngày 09/11/2021 (quá thời hạn 07 ngày), Công ty H không nhận được ý kiến phản hồi của Công ty T về việc lựa chọn Tổ chức Trọng tài. Như vậy, thể hiện rõ việc các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Tổ chức Trọng tài để giải quyết tranh chấp. Tại khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại quy định như sau: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”.Tại phiên họp hôm nay, phía Công ty T xác nhận khi Công ty H thông báo việc nộp đơn và lựa chọn V là Trung tâm giải quyết tranh chấp, phía Công ty T không phản đối và cũng không chọn Trung tâm Trọng tài nào để giải quyết. Trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, Công ty T không phản đối về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài . Căn cứ theo điểm đ Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại thì: “2. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản: đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”.
Như vậy, việc Công ty T không phản đối về thẩm quyền giải quyết của V được xem là đã đồng ý xác lập thỏa thuận trọng tài với Công ty H trong việc giải quyết vụ tranh chấp tại V. Nay Công ty T yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài với lý do này là mất quyền phản đối theo Điều 13 Luật Trọng tài thương mại: “Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những viphạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án”.
Đồng thời, tại Biên bản Phiên họp ngày 17/02/2022, người đại diện theo ủy quyền của Công ty T là bà Nguyễn Thị T đã xác nhận: “…đồng ý và không có ý kiến phản đối về việc: (i) thỏa thuận trọng tài có hiệu lực; (ii) thành phần của Hội đồng Trọng tài và thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng Trọng tài; (iii) trình tự,thủ tục tố tụng trọng tài của vụ tranh chấp từ khi thụ lý cho đến lúc mở Phiên 11 họp giải quyết”. Do đó, việc Công ty T cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài là không có cơ sở.
(Chi tiết quyết định xem tại đây https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1061252t1cvn/chi-tiet-ban-an).
3. Quyết định số 04/2022/QĐ-PQTT ngày 21/03/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Bên yêu cầucho rằng Phán quyết trọng tài số 05/20/HMC ngày 28/8/2020 của Hội đồng Trọng tài thuộc VIAClà không phù hợp với nội dung các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng; trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; vi phạm thủ tục tố tụng. Vì bên liên quan không có tư cách khởi kiện yêu cầu VIAC giải quyết tranh chấp, chưa đủ điều kiện khởi kiện do các bên chưa tiến hành hòa giải theo Nghị định 22/2017/CP và theo thỏa thuận trong Hợp đồng. Hội đồng xét đơn xét thấy quá trình giải quyết Hội đồng Trọng tài đã xem xét và có nhận định đầy đủ về các nội dụng trong Phán Quyết Trọng tài và theo quy định tại Điều 35 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và khoản 1 Điều 9 Quy tắc Trọng tài của VIAC đều quy định trong trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ, nếu bị đơn không nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ thì bị đơn mấtquyền phản đối, như vậy thời hạn để Bị đơn đưa ra phản đối về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài và sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài là tại thời điểm nộp bản tự bảo vệ. Ngày 28/02/2020,VIAC nhận được bản tự bảo vệ của Bị đơn đề ngày 25/02/2020 kèm theo các tài liệu liên quan. Tuy nhiên tại bản tự bảo vệ này của Bị đơn không có bất kỳ phản đối nào về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài cũng như sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài giữa Bị đơn và Nguyên đơn. Ngày 8/4/2020 Bị đơn mới có đơn khiếu nại thẩm quyền là sau thời điểm nộp bản tự bảo vệ là đã quá thời hạn quy định của pháp luật.
(Chi tiết quyết định xem tại đây https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta930075t1cvn/chi-tiet-ban-an)
4. Quyết định số 892/2019/QĐ-PQTT ngày 26/07/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
[2.2].Về nội dung tại mục 56 và 57 của Phán quyết trọng tài thuộc VIAC cho rằng : Mặc dù khi ký kết hợp đồng thuê bao gồm thỏa thuận trọng tài, đại diện của bị đơn không phải là đại diện theo pháp luật và cũng không phải là đại diện được ủy quyền hợp pháp nhưng trước khi có ý kiến phản đối thỏa thuận trọng tài tại Bản tự bảo vệ ngày 10/10/2018, người có thẩm quyền không có sự phản đối nào đối với bị đơn khi thực hiện sự ủy quyền trong quá trình thực hiện hợp đồng và tốtụng trọng tài thì được xem là đồng ý hoặc biết và không phản đối hợp đồng có thỏa thuận trọng tài để từ đó nhận định cho rằng thỏa thuận trọng tài tồn tại, hợp lệ và có khả năng thực hiện. Xét: Về hình thức thỏa thuận trọng tài được quy định tại Điều 16 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì thỏa thuận trọng tài có thể xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặcthỏa thuận riêng. Tại Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định thỏa thuận Trọng tài là điều khoản riêng và độc lập với các điều khoản khác tại hợp đồng dân sự mà các bên giao kết. Như phân tích tại Mục 2.2 nêu trên về việc không có thỏa thuận trọng tài giữa Công ty NK và Công ty M và tại phiên họp, đại diện của Công ty M (bên nhận chuyển nhượng hợp đồng thuê từ Công ty Mc) đã không cung cấp được tài liệu chứng minh việc người có thẩm quyền của Công ty NK có xác lập thỏa thuận trọng tài với Công ty M cũng như ủy quyền cho Ông Nguyễn Thanh S xác lập thỏa thuận trọng tài với Công ty M. Phía đại diện của Công ty NKcũng chỉ thừa nhận biết và không phản đối việc Công ty M thuê nhà và thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà chứ không biết có điều khoản thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng thuê ngày 22/12/2015. Trong quá trình tố tụng trọng tài cũng như tại phiên họp của Hội đồng Trọng tài thì đại diện hợp pháp của Công ty NK đã có Bản tự bảo vệ lập ngày 10/10/2018 trong đó thể hiện nội dung phản đối việc người đại diện không có ủy quyền xác lập thỏa thuận Trọng tài tại hợp đồngthuêngày 22/12/2015. Hơn nữa, tại Biên bản thỏa thuận tranh chấp ngày11/10/2018 được lập tại VIAC, thì đại diện cho Công ty NK đã gạch bỏ hai chữ “thẩm quyền” thể hiện sự phản đối thẩm quyền của Trọng tài. Phía Công ty M cũng thừa nhận có sự việc Công ty NK đã gạch bỏ hai chữ “thẩm quyền” tại biên bản. Do vậy không có cơ sở để cho rằng người có thẩm quyền của Công ty NK biết và không phản đối thỏa thuận trọng tài để xác nhận tính hợp lệ của thỏa thuận trọng tài như nhận định tại mục 56 và 57 của phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC.
(Chi tiết quyết định xem tại https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta869657t1cvn/chi-tiet-ban-an)
Tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh