Thi hành quyết định, bản án dân sự của Tòa án và phán quyết Trọng tài
Trong bài viết này, luật sư của BFSC giới thiệu các quy định pháp luật về thủ tục thi hành quyết định, bản án dân sự của Tòa án, phán quyết Trọng tài được quy định trong Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 64/2014/QH13 và các Luật có liên quan (“Luật THADS”); Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 120/2016/NĐ-CP và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP (“Nghị định 62/2015/NĐ-CP”). Nội dung bài viết không đề cập đến thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Nội dung bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết bài dựa trên các quy định pháp luật, không phải là quan điểm tư vấn của người viết bài hay của BFSC đối với các tình huống tương tự phát sinh trên thực tiễn. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người đọc chỉ sử dụng thông tin trong bài viết cho mục đích tham khảo, mọi tình huống phát sinh thực tiễn cần được luật sư xem xét đầy đủ trước khi đưa ra ý kiến tư vấn chính thức.
Thi hành quyết định, bản án dân sự của Tòa án và phán quyết Trọng tài
(1) Các bản án, quyết định, phán quyết về dân sự được thi hành theo quy định của Luật THADS
Theo Điều 1 Luật THADS, các bản án, quyết định, phán quyết được thi hành dựa trên trình tự, thủ tục quy định của Luật này bao gồm:
(i) bản án, quyết định dân sự;
(ii) hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;
(iii) phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án;
(iv) quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
(v) quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;
(vi) phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
(2) Các bản án, quyết định được thi hành
Các bản án, quyết định được thi hành bao gồm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và các bản án, quyết định được thi hành ngay, cụ thể gồm:
(2.1) Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
(2.2) Những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị, bao gồm
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(3) Thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án
Luật THADS khuyến khích tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án và khuyến khích các bên thỏa thuận về việc thi hành án (Điều 6 và khoản 1 Điều 9 Luật THADS).
(4) Thời hiệu yêu cầu thi hành án
Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 (năm) năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 30 Luật THADS).
Cũng cần lưu ý rằng:
(i) trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm kể trên được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn;
(ii) trường hợp nghĩa vụ được thi hành định kỳ thì thời hạn 05 năm được tính cho nghĩa vụ đến hạn của từng kỳ;
(iii) thời gian hoãn, tạm đình chỉ thi hành án không tính vào thời hiệu;
(iv) thời gian trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu.
(5) Cơ quan thi hành án có thẩm quyền nhận đơn yêu cầu thi hành án
(5.1) Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.
(5.2) Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cùng địa bàn;
b) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao;
c) Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
d) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
e) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
g) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;
h) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;
i) Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.
(5.3) Cơ quan thi hành án cấp quân khu có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự quân khu và tương đương trên địa bàn;
b) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự khu vực trên địa bàn;
c) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự trung ương chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;
d) Quyết định dân sự của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;
đ) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cơ quan thi hành án cấp quân khu khác ủy thác.
(Điều 35 Luật THADS)
(6) Quyền yêu cầu thi hành án và đơn yêu cầu thi hành án
Người có quyền yêu cầu thi hành án (“người được yêu cầu thi hành án” có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án.
Đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật THADS, mẫu đơn được hướng dẫn tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
(7) Cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án
Ngược được thi hành án có thể thu thập và cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp người được thi hành án không cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án thì Chấp hành viên sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án không phải trả chi phí đối với việc Chấp hành viên thực hiện thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (điểm e khoản 1 Điều 7 Luật THADS).
(8) Các biện pháp bảo đảm thi hành án
Theo khoản 3 Điều 66 Luật THADS, có 03 biện pháp bảo đảm thi hành án, bao gồm:
a) Phong toả tài khoản;
b) Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
(9) Các biện pháp cưỡng chế thi hành án
Theo Điều 71 Luật THADS, có 06 biện pháp cưỡng chế thi hành án, bao gồm:
(i) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
(ii) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
(iii) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ;
(iv) Khai thác tài sản của người phải thi hành án;
(v) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
(vi) Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
(10) Nghĩa vụ chịu chi phí cưỡng chế thi hành án
Theo Điều 73 Luật THADS, nghĩa vụ chịu chi phí cưỡng chế thi hành án được quy định như sau:
(10.1) Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
a) Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp thuộc trách nhiệm của người phải thi hành án hay Cơ quan thi hành án dân sự;
d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
e) Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
(10.2) Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
a) Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;
b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
(11) Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án
Theo quy định tại Điều 47 Luật THADS, việc thanh toán tiền, phân chia tài sản thi hành án được thực hiện như sau:
(11.1) Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật THADS thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;
b) Án phí, lệ phí Tòa án;
c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
(11.2) Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại mục (11.1); trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;
c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
(11.3) Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này.
(11.4) Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
(12) Các tình huống khác có khả năng phát sinh trong quá trình yêu cầu thi hành án
Quá trình thi hành án, có khả năng phát sinh các tình huống sau và các tình huống này sẽ được xử lý theo quy định tại Luật THADS và Nghị định 62/2015/NĐ-CP, bao gồm:
(12.1) Người được thi hành án nhận tài sản, hiện vật để bù trừ nghĩa vụ.
(12.2) Người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án.
(12.3) Hoãn thi hành án.
(12.4) Tạm đình chỉ thi hành án.
(12.5) Miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
(12.6) Xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự đối với các vi phạm có liên quan.
Mọi ý kiến trao đổi về bài viết, vui lòng liên hệ với người viết bài – luật sư Phan Quang Chung và luật sư Nguyễn Ngọc Diệp.
Mọi yêu cầu tư vấn về thủ tục thi hành án, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: [email protected] hoặc các luật sư, các văn phòng của BFSC.