Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và thủ tục đề nghị miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một trong ba hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 (“Luật cạnh tranh“). Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh nên hầu hết các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đều bị cấm. Tuy nhiên, một số thỏa thuận cạnh tranh bị vẫn có thể được miễn trừ có thời hạn nếu các thỏa thuận đó đáp ứng các điều kiện miễn trừ theo quy định. Bài viết này, nhóm tác giả sẽ cung cấp các thông tin cơ bản liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật cạnh tranh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chúng tôi lưu ý rằng nội dung bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết bài, không phải là ý kiến tư vấn của tác giả hay của ý kiến tư vấn của Công ty luật BFSC đối với một tình huống tương tự có thể phát sinh trên thực tế, do đó các nội dung trong bài viết chỉ nên sử dụng để tham khảo.
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Luật cạnh tranh, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là “hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh“. Khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh được hiểu là khả năng loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường.
Tại Điều 11 Luật cạnh tranh, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được phân loại thành 10 thỏa thuận cụ thể được quy định từ khoản 1 Điều 11 đến khoản 10 Điều 11, ngoài các thỏa thuận cụ thể đã được liệt kê, bất cứ thỏa thuận nào được xác định là “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh” cũng sẽ bị cấm theo quy định tại khoản 11 Điều 11.
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Điều 11 Luật cạnh tranh bao gồm:
1. Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
2. Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
3. Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
4. Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ
5. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.
6. Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
7. Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
8. Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
9. Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận
10. Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
11. Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
(Điều 11 Luật cạnh tranh).
Những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nào bị cấm?
Theo Điều 12 Luật cạnh tranh, những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau đây sẽ bị cấm:
(1) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật cạnh tranh; cụ thể bao gồm:
(i) Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
(ii) Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
(iii) Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(2)Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 11 của Luật cạnh tranh, cụ thể bao gồm:
(i) Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(ii) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.
(iii) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
(3) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật cạnh tranh khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, cụ thể bao gồm:
(i) Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
(ii) Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
(iii) Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
(iv) Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
(v) Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
(4) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật cạnh tranh khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường; cụ thể bao gồm:
(i) Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
(ii) Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(iii) Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(iv) Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
(v) Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.\
(vi) Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
(vii) Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
(viii) Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
(Điều 12 Luật cạnh tranh)
Cơ sở đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh?
Theo khoản 1 Điều 13 Luật cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
a) Mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận;
b) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường;
c) Hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ;
d) Giảm khả năng tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu;
đ) Tăng chi phí, thời gian của khách hàng trong việc mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hoặc khi chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
e) Gây cản trở cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận.
Hướng dẫn quy định này, Điều 11 Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được căn cứ vào một hoặc một số yếu tố như sau:
a) Diễn biến, xu hướng thay đổi mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận được đánh giá trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh không tham gia thỏa thuận;
b) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường được đánh giá để xác định tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận căn cứ vào những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định này;
c) Hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ được đánh giá để xác định tác động hoặc khả năng gây tác động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đối với mục tiêu nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc nâng cao năng lực công nghệ trong ngành và lĩnh vực liên quan;
d) Giảm khả năng tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu được đánh giá căn cứ vào mức độ thiết yếu của cơ sở hạ tầng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi phí, thời gian để các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh không tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng đó hoặc cơ sở hạ tầng tương tự;
đ) Tăng chi phí, thời gian của khách hàng trong việc mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hoặc khi chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ liên quan khác được xác định bằng việc so sánh chi phí, thời gian cần thiết của khách hàng khi mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hoặc khi chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trước và sau khi có thỏa thuận;
e) Gây cản trở cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận được xác định dựa trên mức độ chi phối của các yếu tố đặc thù đó đối với hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.
Cũng theo quy định này của Nghị định 35/2020/NĐ-CP, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được coi là không gây ra hoặc không có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận nhỏ hơn 5%;
b) Đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, khi thị phần của từng doanh nghiệp tham gia thoả thuận nhỏ hơn 15%.
Miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Theo quy định tại Điều 14 Luật cạnh tranh, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 bị cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật cạnh tranh được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
b) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;
c) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;
d) Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.
Hồ sơ đề nghị hưởng quyền miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Khoản 2 Điều 15 Luật cạnh tranh quy định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm bao gồm:
a) Đơn theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
b) Dự thảo nội dung thỏa thuận giữa các bên;c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; bản sao Điều lệ của hiệp hội ngành, nghề đối với trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có sự tham gia của hiệp hội ngành, nghề;
d) Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;
đ) Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này kèm theo chứng cứ để chứng minh;
e) Văn bản ủy quyền của các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm cho bên đại diện (nếu có).
Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận cạnh tranh bị cấm
(i) Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thụ lý hồ sơ;
(ii) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn về việc
- Chấp nhận hồ sơ hợp lệ: Trong trường hợp này, người nộp hồ sơ sẽ được thông báo phí thẩm định hồ sơ và ấn định thời hạn nộp phí. Hết thời hạn này mà phí thẩm định không được nộp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ trả lại hồ sơ.
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ: Trong trường hợp này, người nộp hồ sơ sẽ có 30 ngày để sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Hết thời hạn này mà hồ sơ không được sửa đổi, bổ sung hợp lệ thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ trả lại hồ sơ.
(iii) Thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là 60 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ (ngày thụ lý hồ sơ là ngày Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo hồ sơ hợp lệ và bên yêu cầu đã nộp phí thẩm định. Phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là 50.000.000đ đối với Bên yêu cầu và 10.000.000đ đối với Bên yêu cầu độc lập). Trường hợp vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được gia hạn nhưng không quá 60 ngày.
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hưởng miễn trừ khi nào?
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm chỉ được hưởng miễn trừ sau khi có quyết định chấp nhận cho hưởng miễn trừ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và chỉ được hưởng các miễn trừ trong thời hạn và theo các điều kiện tromg quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Thời gian hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm?
Thời gian hưởng miễn trừ không quá 05 (năm) năm kể từ ngày ra quyết định cho hưởng miễn trừ và có thể được gia hạn một lần với thời gian gia hạn không quá 05 (năm) năm.
Bãi bỏ quyết định hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Theo khoản 1 Điều 23 Luật cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định bãi bỏ quyết định hưởng miễn trừ trong các trường hợp sau đây:
a) Điều kiện được hưởng miễn trừ không còn;
b) Phát hiện có sự gian dối trong việc đề nghị hưởng miễn trừ;
c) Doanh nghiệp được hưởng miễn trừ vi phạm các điều kiện, nghĩa vụ để được hưởng miễn trừ trong quyết định hưởng miễn trừ;
d) Quyết định hưởng miễn trừ dựa trên thông tin, tài liệu không chính xác về điều kiện được hưởng miễn trừ.