Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại
Thời hiệu
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan (Khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13).
Thời hiệu khởi kiện
Khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:
“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.
Nghiên cứu của nhóm chúng tôi trên 55 Luật, Pháp lệnh đang có hiệu lực cho thấy có đến 26 Luật, Pháp lệnh có quy định về thời hiệu, bao gồm chủ yếu là các loại thời hiệu liên quan đến khiếu nại, khởi kiện, miễn trừ, quyền và nghĩa vụ.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng và thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp thương mại. Xin lưu ý rằng, các ý kiến riêng của nhóm chúng tôi đề cập trong bài viết chỉ nên được sử dụng để tham khảo. Mọi tình huống phát sinh thực tế cần được xem xét, đánh giá bởi các luật sư.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tại Tòa án
Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại
Điều 319 Luật thương mại quy định thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 (điểm e khoản 1 Điều 237 Luật thương mại là quy định được áp dụng riêng đối với thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logicstic).
Thời hiệu khởi kiện trọng tài
Điều 33 Luật Trọng tài thương mại quy định thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.
Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu theo các quy định tại khoản 3 Điều 150, Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 319 Luật thương mại, ĐIều 33 Luật Trọng tài thương mại đã viện dẫn ở trên thì một tranh chấp hợp đồng hoặc tranh chấp thương mại đã hết thời hiệu có dẫn đến mất quyền khởi kiện và lợi ích của chủ thể có vì thế mà bị triệt tiêu hay không?
Nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy rằng:
1/ Về khả năng mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu?
Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 và Luật trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 không quy định về việc Tòa án hay Trọng tài sẽ từ chối thụ lý đơn khởi kiện bởi lý do đã hết thời hiệu khởi kiện. Do đó, Tòa án (theo Bộ luật tố tụng dân sự) và Trọng tài (theo Luật Trọng tài thương mại) sẽ không từ chối thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng, tranh chấp thương mại đã hết thời hiệu. Như vậy, chủ thể sẽ không bị “mất quyền khởi kiện” như quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 mà vẫn có quyền nộp đơn khởi kiện như bình thường và Tòa án, Trọng tài sẽ thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện như bình thường.
2/ Các khả năng sẽ xảy ra khi vụ kiện được thụ lý, giải quyết khi hết thời hiệu khởi kiện?
2.1. Khả năng “tính lại” thời hiệu khởi kiện
Trong trường hợp phát sinh những sự kiện được quy định tại Điều 156 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 như dẫn chiếu dưới đây, Tòa án hoặc Trọng tài sẽ tính lại thời hiệu khởi kiện để loại trừ những khoảng thời gian diễn ra sự kiện khỏi thời gian tính thời hiệu. Trong trường hợp đó, thời hiệu khởi kiện sẽ được “tính lại” bằng cách cộng thêm một khoảng thời gian tương ứng với thời gian xảy ra sự kiện. Cần phân biệt giữa khả năng “tính lại” với ý nghĩa là cộng thêm hoặc trừ đi khoảng thời gian tương ứng của thời hiệu trong trường hợp này với khả năng “bắt đầu lại” với ý nghĩa rằng thời hiệu khởi kiện sẽ được tính lại từ đầu tại mục 2.2 bài viết này.
“Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
2.2. Khả năng xác định lại ngày bắt đầu của thời hiệu khởi kiện (bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện).
Trong trường hợp phát sinh các sự kiện được quy định tại Điều 175 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 được dẫn chiếu kèm theo đây thì Tòa án, Trọng tài sẽ xác định lại ngày bắt đầu của thời hiệu khởi kiện. Nghĩa là, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính lại từ ngày xảy ra sự kiện được quy định là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Bộ luật dân sự không hạn chế số lần bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và do đó, thời hiệu khởi kiện sẽ luôn luôn bắt đầu lại vào ngày xảy ra một trong các sự kiện được quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự.
“Điều 157. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.”
2.3. Khả năng Tòa án không áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện.
2.3.1. Mặc dù định nghĩa tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự có chỉ ra hậu quả pháp lý là “mất quyền khởi kiện”. Nhưng như đã đề cập tại mục 2.1, Tòa án sẽ không được từ chối thụ lý đơn kiện trong trường hợp vụ kiện đã hết thời hiệu. Không những thế, khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự và và khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự số 101/2015/QH13 sự hiện hành còn quy định rằng Tòa án không đương nhiên áp dụng quy định về thời hiệu (để bác đơn khởi kiện) mà chỉ áp dụng quy định về thời hiệu. Các quy định đã dẫn chỉ ra rằng Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu nếu (i) một hoặc các bên yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu; và (ii) yêu cầu được đưa ra trước trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Chúng tôi xin trích nguyên văn khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 dưới đây.
Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015
“Điều 149. Thời hiệu
1…
2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”
Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
“Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
1. …………
2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”
2.3.2. Một khả năng nữa dẫn đến Tòa án sẽ không áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện là nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 155 Bộ luật dân sự được trích dẫn dưới đây.
“Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;
b) Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác
c) Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai
d) Trường hợp khác do luật quy định.”
2.4. Khả năng Trọng tài không áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện.
2.4.1. Luật Trọng tài thương mại không có quy định về việc Trọng tài chỉ được áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện như đối với Tòa án (tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự và khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự đã dẫn tại mục 2.3).
Tuy nhiên, Điều 13 Luật trọng tài thương mại có quy định về “mất quyền phản đối”, theo đó một bên nếu phát hiện có vi phạm quy định của Luật trọng tài thương mại hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật trọng tài thương mại quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài và Tòa án.
Điều 33 Luật Trọng tài thương mại quy định thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm. Việc nộp đơn khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trọng tài khi hết thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài có thể bị coi là vi phạm quy định của Luật trọng tài thương mại. Tuy nhiên, hiện không rõ trong trường hợp này thì bị đơn có buộc phải biết việc nộp đơn đó là vi phạm hay không và thời hạn phản đối việc nộp đơn này được xác định theo thời hạn nộp bản tự bảo vệ hay trong suốt quá trình tố tụng Trọng tài cho đến khi phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành. Do đó, theo quan điểm thận trọng của chúng tôi thì trong trường hợp này, cần áp dụng tương tự quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự và khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự để xác định rằng yêu cầu phản đối việc xét xử vụ kiện hoặc yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện tố tụng trọng tài phải được đưa ra trước khi Trọng tài ban hành phán quyết giải quyết tranh chấp.
2.4.2. Các quy định về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện tại Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 như đã dẫn tại mục 2.3.1 có lẽ không được xem xét để áp dụng khi giải quyết tranh chấp thương mại theo tố tụng Trọng tài bởi các vấn đề được đề cập tại Điều 155 Bộ luật dân sự hầu như không phát sinh trong các vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền tố tụng của Trọng tài.
Phần cuối bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, tranh chấp có liên quan đến hợp đồng, tranh chấp thương mại trong Luật thương mại, Bộ luật lao động, Bộ luật hàng hải, Luật các công cụ chuyển nhượng, Luật giao thông đường thủy nội địa dưới đây:
Thời hiệu khởi kiện trong Luật thương mại số 36/2005/QH11
Ngoài quy định về thời hiệu khởi kiện tại Điều 319 đã được đề cập trong bài viết này, điểm đ) và điểm e) khoản 1Điều 237 Luật thương mại quy định về thời hiệu miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics như sau:
“1. Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa phát sinh trong các trường hợp sau đây:
……..
đ) Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
e) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng”.
Thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật lao động số 45/2019/QH14.
Điều 190. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.”
Thời hiệu khởi kiện trong Luật các công cụ chuyển nhượng số 49/2005/QH11
Điều 78. Thời hiệu khởi kiện
1. Người thụ hưởng có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người bảo lãnh, người chuyển nhượng, người chấp nhận yêu cầu thanh toán số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.
2. Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại Điều 76 của Luật này có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng trước mình, người bảo lãnh, người chấp nhận về số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này trong thời hạn hai năm, kể từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán công cụ chuyển nhượng.
3. Trường hợp người thụ hưởng không xuất trình công cụ chuyển nhượng để thanh toán đúng hạn theo quy định tại Điều 43 và Điều 69 của Luật này hoặc không gửi thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 50 của Luật này thì chỉ có quyền khởi kiện người chấp nhận, người phát hành, người ký phát, người bảo lãnh cho người bị ký phát trong thời hạn hai năm, kể từ ngày ký phát công cụ chuyển nhượng.
4. Trong thời hiệu khởi kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, nếu xẩy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền khởi kiện của người thụ hưởng và người có liên quan thì thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật hàng hải.
Điều 195 Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến
Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 02 năm kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Điều 219. Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng thuê tàu
Thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc liên quan đến hợp đồng thuê tàu là 02 năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.
Điều 241. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển
Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Điều 246. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng môi giới hàng hải
Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng môi giới hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Điều 262. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng lai dắt tàu biển
Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng lai dắt tàu biển là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Điều 274. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ hàng hải
Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ hàng hải là 02 năm kể từ ngày kết thúc hành động cứu hộ.
Điều 336. Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải
Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Thời hiệu khởi kiện trong Luật giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11
Điều 92. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường, thời hạn giải quyết bồi thường và thời hiệu khởi kiện
1. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi là hai mươi ngày, kể từ ngày hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi được giao cho người nhận hoặc ngày mà lẽ ra hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi phải được giao cho người nhận. Người kinh doanh vận tải phải giải quyết bồi thường trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có yêu cầu bồi thường của người thuê vận tải.
2. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hành khách là hai mươi ngày, kể từ thời điểm xảy ra thiệt hại. Người kinh doanh vận tải có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có yêu cầu bồi thường của hành khách hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.
3. Trường hợp hai bên không giải quyết được yêu cầu bồi thường thì có quyền yêu cầu trọng tài kinh tế hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi, đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khoẻ là một năm, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Nhóm tác giả: Luật sư Phan Quang Chung | Trợ lý luật sư Phạm Thị Kiều Anh.