Thủ tục đầu tư đặc biệt
Luật số 57/2024/QH15 bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt vào Luật đầu tư số 61/2020/QH14 tại Điều 36a (“Luật đầu tư”) . Ngày 10/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt (“Nghị định 19”). Trong bài viết này, tác giả giới thiệu một số nội dung về thủ tục đầu tư đặc biệt.
Thủ tục đầu tư đặc biệt
Điều kiện áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt
(i) Dự án đầu tư không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội tại Điều 30 Luật đầu tư.
(ii) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư là tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế. Điều 2.2 Nghị định 19 quy định thêm rằng: Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với dự án thực hiện hoạt động công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao và quy định của Chính phủ về khu công nghệ cao.
(iii) Dự án đầu tư thuộc một trong các lĩnh vực sau đây:
– Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
– Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
(iv) Nhà đầu tự lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt. Nhà đầu tư được quyết định lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt trước khi nộp hồ sơ hoặc trong đề nghị áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt trong trường hợp hồ sơ đã nộp trước ngày 15/01/2025 và đang trong quá trình xử lý. Cơ quan đăng ký đầu tư có quyền đề xuất Nhà đầu tư lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt trong một số trường hợp nhất định.
(2) Hồ sơ đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt
(i) Hồ sơ đăng ký đầu tư gồm tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật đầu tư, trong đó văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư bao gồm cam kết đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy; đề xuất dự án đầu tư bao gồm nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường thay thế cho đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Thành phần hồ sơ đăng ký đầu tư theo thủ tục đặc biệt đã loại bỏ thành phần hồ sơ về “Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ” tại điểm e khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư nhưng bổ sung thêm các nội dung tài liệu tại điểm a, c khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư như đã viện dẫn.
(ii) Cam kết của nhà đầu tư tại văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư gồm các nội dung sau:
(ii1) Các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
(ii2) Đánh giá sơ bộ sự phù hợp của dự án với điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định tại điểm (ii1);
(ii3) Cam kết về việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định tại điểm (ii2), không thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung cam kết.
(3) Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt và thời hạn giải quyết, kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký
(i) Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế là Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết thủ tục.
(ii) Thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt là 15 ngày làm việc.
(iii) Kết quả giải quyết thủ tục là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm các cam kết của nhà đầu tư và là cơ sở để giám sát, đánh giá thực hiện dự án.
(4) Các ưu điểm của thủ tục đầu tư đặc biệt so với thủ tục đầu tư thông thường
(i) Không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp Giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
(ii) Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ (chỉ còn 15 ngày làm việc) và chỉ phải thực hiện thủ tục tại Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
(iii) Giảm bớt các thủ tục về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.
(iv) Đơn giản hóa thủ tục giám sát và cơ quan giám sát thực hiện dự án đầu tư.
Cần lưu ý rằng các quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt hiện nay chưa đề cập đến việc giảm bớt các thủ tục về giao đất, cho thuê đất.
Cũng lưu ý rằng, nội dung đề cập trong bài viết không phải là quan điểm tư vấn của người viết bài hay của BFSC LAW LLC đối với một tình huống cụ thể. Do đó, tác giả bài viết và BFSC LAW LLC không chịu trách nhiệm trong trường hợp người đọc sử dụng bất kỳ nội dung nào trong bài viết với ý nghĩa như một văn bản tư vấn cho các tình huống tương tự.
Mọi ý kiến trao đổi, vui lòng liên hệ với tác giả bài viết:
Luật sư Phan Quang Chung
Điện thoại: (024) 7108 2688 | Email: [email protected]