Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Tiếp nối chủ đề điều chỉnh dự án đầu tư trong các bài viết trước, trong bài viết này, tác giả giới thiệu quy định pháp luật về thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định tại Luật đầu tư năm 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư.
Nội dung bài viết
Các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Nội dung bài viết chỉ nhằm mục đích giới thiệu các quy định pháp luật có liên quan, không phải là quan điểm tư vấn của người viết bài hoặc của Công ty luật BFSC đối với tình huống pháp lý phát sinh thực tế. Mọi tình huống pháp lý phát sinh thực tế, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
(1) Các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Luật đầu tư năm 2020 không quy định cụ thể về trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư khi tổ chức lại, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế của Nhà đầu tư. Tuy nhiện, khoản 1 Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp của Nhà đầu tư được điều chỉnh dự án dự án đầu tư bao gồm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập. Khoản 1 Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP cũng quy định về việc Nhà đầu tư được điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (theo quy định của Luật doanh nghiệp, bao gồm: chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên và ngược lại; chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành công ty cổ phần và ngược lại…)
Khoản 1 Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức lại) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đối với dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan.
Một vấn đề cần lưu ý ở đây là trong quá trình tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất) có thể sẽ dẫn đến những thỏa thuận chia, tách, sáp nhập, hợp nhất dự án đầu tư và thủ tục xử lý trong tình huống phát sinh cả thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư do chia, tách, sáp nhập dự án và chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp sẽ là khá phức tạp (tác giả không đề cập đến trong phạm vi bài viết này).
(2) Hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Theo khoản 2 Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì Nhà đầu tư quyết định việc tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Sau khi hoàn thành thủ tục tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư, nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của tổ chức kinh tế sau khi tổ chức lại;
c) Bản sao nghị quyết hoặc quyết định của nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị tổ chức lại về việc tổ chức lại, trong đó có nội dung về việc xử lý tài sản, quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư;
d) Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư (nếu có);
đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có).
(3) Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
(3.1) Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và việc điều chỉnh dự án đầu tư khi tổ chức lại làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư:
Nhà đầu tư nộp 08 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP (được giới thiệu tại mục (2) bài viết) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc 04 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP (được giới thiệu tại mục (2) bài viết) cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho nhà đầu tư và Cơ quan đăng ký đầu tư.
(3.2) Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư:
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP (được giới thiệu tại mục (2) bài viết) cho Cơ quan đăng ký đầu tư để điều chỉnh dự án theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh được gửi cho nhà đầu tư.
(3.3) Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư là thành viên, cổ đông phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư và thực hiện thủ tục như sau:
a) Trường hợp tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại đó tiếp tục thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại thì thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại các mục (3.1) hoặc (3.2) bài viết này;
b)Trường hợp tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại đó không tiếp nhận và thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại thì nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư phải lập dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP trước khi tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp do tổ chức lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Tác giả bài viết: Luật sư Phan Quang Chung