Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Để được thi hành tại Việt Nam các phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải trải qua thủ tục xét đơn yêu cầu để được Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Bài viết này đề cập một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Bộ luật TTDS“) về thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
(1) Những phán quyết nào của Trọng tài nước ngoài có thể được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam?
Theo Điều 424 Bộ luật TTDS, các phán quyết Trọng tài nước ngoài được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam gồm có:
(i) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
(ii) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Cần lưu ý rằng: phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản điểm (i) và (ii) nêu trên được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.
(2) Ai là người có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài?
Theo khoản 1 Điều 451 Bộ luật TTDS, những người sau đây có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài:
(i) Người được thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
(ii) Người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
(iii) Người đại diện hợp pháp của những người quy định tại điểm (i) hoặc (ii) nêu trên.
(3) Thời hạn để nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài là bao lâu và tính từ khi nào?
Cũng theo Điều 4513 Bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn để người có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật. Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến người có quyền không thực hiện được quyền yêu cầu trong thời hạn này thì thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan sẽ không được tính vào thời hạn.
(4) Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài?
Theo Điều 451 Bộ luật TTDS, Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn gồm:
(i) Bộ Tư pháp Việt Nam, trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên có quy định;
(ii) Tòa án Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan;
(5) Cơ quan nào có thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài?
Theo Điều 454, 455, 456, 457, 458 Bộ luật TTDS, Tòa án Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, không phụ thuộc vào vào việc đơn yêu cầu được nộp và nhận bởi Tòa án Việt Nam hay Bộ Tư pháp Việt Nam.
(6) Nội dung đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 452 Bộ luật TTDS, đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài gồm có:
(i) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;
(ii) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;
(iii) Yêu cầu của người được thi hành.
(6) Giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài gồm những gì ?
Theo quy định tại Điều 453 Bộ luật TTDS, giấy tờ và tài liệu kèm theo đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài gồm có:
(i) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
(ii) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài giữa các bên.
(7) Thời hạn để Tòa án Việt Nam giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài là bao lâu?
02 (hai tháng) kể từ ngày thụ lý đơn và có thể gia hạn thêm 02 (hai) tháng nếu có lý do chính đáng.
(Điều 457 Bộ luật TTDS).
(8) Tòa án Việt Nam có quyền từ chối yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài hay không?
Có.
Theo khoản 5 Điều 458 Bộ luật TTDS, Hội đồng xét đơn yêu cầu (gồm ba thẩm phán do Tòa án Việt Nam thành lâp) có quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc quyết định không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
(9) Những phán quyết nào của Trọng tài nước ngoài sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam?
Điều 459 Bộ luật TTDS quy định
1. Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;
b) Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó;
c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình;
d) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;
e) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên;
g) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.
2. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận, nếu Tòa án Việt Nam xét thấy:
a) Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài;
b) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(10) Quyết định của Tòa án Việt Nam và Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể bị kháng cáo, kháng nghị hay không?
Có.
(Điều 426, Điều 461 và Điều 462 Bộ luật TTDS).
(11) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận sẽ thi hành như thế nào?
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài, sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, sẽ được thi hành giống như các phán quyết của Trọng tài Việt Nam theo thủ tục thi hành án.