Soạn thảo hợp đồng và đàm phán, quản trị giao dịch
Tư Vấn Soạn Thảo Hợp Đồng Và Đàm Phán, Quản Trị Giao Dịch
Hầu hết mọi hoạt động của doanh nghiệp đều khởi nguồn bởi các hợp đồng, giao dịch. Từ những giao dịch tiền đề để nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp cho đến các giao dịch đăng ký góp vốn, đăng ký mua cổ phần để thành lập doanh nghiệp cho đến thỏa thuận hợp tác kinh doanh, giao dịch thuê đất, thuê lại đất và các hợp đồng về khảo sát, thiết kế, thi công công trình xây dựng, cung cấp và lắp đặt máy móc thiết bị, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thuê lao động hay các giao dịch về nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển nhượng dự án, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, dự án.
Bài viết này, tác giả đề cập đến các vấn đề cần quan tâm khi tiến hành soạn thảo hợp đồng, đàm phán và quản trị pháp lý giao dịch. Xin lưu ý rằng bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không nên được coi là ý kiến tư vấn của tác giả hay Công ty luật BFSC về một hợp đồng, giao dịch cụ thể. Mọi hợp đồng, giao dịch thực tế xin vui lòng thông qua bộ phận pháp chế của doanh nghiệp hoặc sử dụng dịch vụ từ các công ty luật có uy tín và kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn hợp đồng, giao dịch.
Về mặt bản chất, hợp đồng là tài liệu pháp lý ghi nhận thỏa thuận của các bên trong khi tiến hành một giao dịch (và như vậy có nghĩa là trong quá trình thực hiện một giao dịch, các bên còn có những hành động khác để hoàn thành giao dịch, các hành động này có thể được ghi nhận trong hợp đồng hoặc thực hiện theo thói quen, theo quy định chung của pháp luật). Tuy nhiên, theo thói quen và để cho dễ hiểu, tác giả xin được dùng khái niệm “hợp hồng, giao dịch” để chỉ chung cho một hoặc cả hai đối tượng này, tùy theo điều kiện ngữ cảnh, mặc dù về mặt thuật ngữ pháp lý thì việc sử dụng khái niệm như vậy sẽ không hoàn toàn chính xác.
Các văn bản pháp luật được viện dẫn trong bài viết này được hiểu là đang có hiệu lực tại thời điểm viết bài, tác giả không đi sâu phân tích các vấn đề pháp lý phát sinh bởi các văn bản đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Đối Tượng Của Hợp Đồng, Giao Dịch
Đối tượng của hợp đồng, giao dịch có thể là các tài sản (cổ phần, phần vốn góp, dự án đầu tư, tài sản dự án (nhà xưởng, công trình xây dựng gắn liền hoặc không gắn liền với dây chuyền máy móc thiết bị, quy trình công nghệ và nhiều khi là bao gồm cả hệ thống nhân lực đã được đào tạo bài bản), nhà ở, máy bay, tàu biển, công trình xây dựng..) hoặc các quyền tài sản (quyền sử dụng đất, quyền khai thăm dò khoáng sản trong Giấy phép thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản trong Giấy phép khai thác khoáng sản) hoặc các lợi ích nhận được từ các dịch vụ (dịch vụ pháp lý của luật sư, dịch vụ thi công công trình xây dựng của các nhà thầu xây dựng …) hoặc là sự kết hợp giữa tài sản, quyền tài sản, hàng hóa, dịch vụ (hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công công trình xây dựng, cung cấp máy móc thiết bị và lắp đặt,,, trong các hợp đồng tổng thầu ..).
Trong mọi trường hợp, bên tham gia giao dịch cần tìm hiểu và đánh giá, xác định xem đối tượng của hợp đồng, giao dịch có đủ điều kiện để giao dịch hay không, có bị cấm giao dịch hoặc bị hạn chế giao dịch hay không. Các quy định về điều kiện giao dịch của từng đối tượng giao dịch chủ yếu được quy định trong các Luật chuyên ngành như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật khoáng sản, Luật dầu khí ….
Có thể thấy ví dụ về điều kiện về đối tượng giao dịch là “cổ phần” trong giao dịch “chuyển nhượng cổ phần” được quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp số 60/2020/QH14 như sau:
“Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.
Hoặc điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư được quy định chung tại khoản Điều 46 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 và dẫn tới rất nhiều các điều kiện khác được quy định tại các luật chuyên ngành như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…như sau:
“1. Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật này.
b) Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này;
c) Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
d) Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
đ) Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
e) Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư”.
Ngoài ra, bên tham gia giao dịch cũng cần tìm hiểu và xác định hình thức tồn tại hoặc chứng minh sự tồn tại của đối tượng giao dịch, như cổ phần phải được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu, phần vốn góp được thể hiện dưới hình thức Giấy chứng nhận phần vốn góp, dự án đầu tư được thể hiện bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, công trình xây dựng tồn tại dưới hình thức Giấy phép xây dựng, hồ sơ hoàn công và Giấy chứng nhận quyền sở hữu. Hình thức thể hiện sự tồn tại của đối tượng giao dịch này sẽ quyết định xem đối tượng giao dịch có đủ điều kiện giao dịch hay không, các yêu cầu đối với chủ thể giao dịch và trình tự, thủ tục cần thiết phải tiến hành để hoàn tất giao dịch.
Có thể lấy ví dụ về đối tượng giao dịch là “cổ phần”, “phần vốn góp” trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp sẽ có hình thức tồn tại là “cổ phiếu”, “Giấy chứng nhận phần vốn góp” và gắn với nó là thủ tục “đăng ký thay đổi thành viên”, “thay đổi cổ đông sáng lập”, “thay đổi vốn Điều lệ” ; hoặc đối tượng giao dịch là “dự án đầu tư” trong các giao dịch về chia, tách, sáp nhập, hợp nhất dự án đầu tư sẽ có hình thức tồn tại là “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” và có thể là “văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư” và gắn với nó là thủ tục “điều chỉnh dự án đầu tư” kèm theo việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và / hoặc chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư.
Điều Kiện Đối Với Các Thủ Thể Tham Gia Hợp Đồng, Giao Dịch
Bên tham gia giao dịch cần đánh giá xem chính mình và các chủ thể giao dịch khác có thuộc đối tượng được phép tham gia vào giao dịch đó hay không. Trong một số trường hợp, đặc biệt là các giao dịch về mua bán sáp nhập, pháp luật có quy định về điều kiện phải đáp ứng để được phép tham gia giao dịch. Có thể thấy ví dụ về điều kiện của Bên nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 là “Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án”, hoặc quy định về điều kiện đối với chủ thể nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật khoáng sản là “Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải có đủ điều kiện được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản”. Các đánh giá này cũng bao gồm các giao dịch mà trong đó chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư năm 2020.
Bên tham gia giao dịch cũng cần đánh giá xem đối tác giao dịch có phải là bên có quyền thực hiện giao dịch đó hay không (có phải là chủ sở hữu hoặc người được quyền quyết định về đối tượng giao dịch hay không?). Vẫn có những trường hợp giao dịch được ký bởi người đại diện cho chủ sở hữu thông qua các văn bản ủy quyền không đủ hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực pháp luật.
Một vấn đề dường như hay bị lãng quên là thẩm quyền đàm phán, ký kết, thực hiện giao dịch bởi trong khá nhiều trường hợp thì người đại diện theo pháp luật còn phải thực hiện việc xin ý kiến hoặc thông qua Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị trước khi tiến hành giao dịch theo quy định của Luật doanh nghiệp, Điều lệ công ty hoặc các thỏa thuận thành viên, thỏa thuận cổ đông.
Việc tiến hành giao dịch mà không kiểm tra và đánh giá điều kiện đối với chủ thể giao dịch có thể dẫn tới giao dịch bị chậm trễ, tạm ngừng, chấm dứt một cách không cần thiết.
Các Quy Định Pháp Luật Có Liên Quan
Các Quy định về Trình Tự, Thủ Tục
Trong các giao dịch dân sự, thương mại mà đối tượng giao dịch không tồn tại dưới một hình thức pháp lý được quy định cụ thể (như dịch vụ sửa chữa ô tô, thực phẩm, đồ uống, mua sắm hàng hóa và cung ứng dịch vụ thông thường) các bên tham gia giao dịch được quyền tự quyết định về trình tự, thủ tục giao dịch.
Tuy nhiên, trong các trường hợp khác như các giao dịch về cổ phần, vốn góp, dự án đầu tư, dự án bất động sản, dự án khai thác khoáng sản, dự án khai thác dầu khí …thì các bên tham gia giao dịch sẽ phải tiến hành một số công việc theo trình tự, thủ tục theo quy định được Nhà nước ấn định sẵn như quy định về thay đổi thành viên, cổ đông; điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sán; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và có thể là chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư. Đôi khi, cản trở từ các quy định liên quan đến điều kiện của đối tượng giao dịch, điều kiện chủ thể tham gia giao dịch, trình tự thủ tục thực hiện giao dịch sẽ khiến cho giao dịch có thể bị tạm ngừng, chấm dứt, không thể thực hiện được hoặc bị xác định là vô hiệu.
Việc xác định chính xác trình tự giao dịch sẽ góp phần quan trọng vào việc xác định quyền, nghĩa vụ tương ứng của mỗi bên trong từng tiến trình giao dịch và phân kỳ thanh toán phù hợp để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tiến hành giao dịch. Xác định chính xác trình tự giao dịch cũng giúp cho các bên thảo luận và quyết định được thủ tục phù hợp để tiến hành giao dịch một cách an toàn và ít tốn kém chi phí nhất như thay vì sẽ tiến hành thủ tục chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng tài sản thì có thể tiến hành thông qua hoạt động chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và / hoawch thông qua hình thức chuyển quyền sở hữu cổ phần, phần vốn góp.
Các Quy Định Về Thuế, Phí, Lệ Phí, Chi Phí
Các vấn đề này dường như rất rõ ràng trong các giao dịch về mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ngắn hạn nhưng lại là vấn đề cực kỳ phức tạp trong các giao dịch về xây dựng, chuyển nhượng dự án và mua bán sáp nhập. Xác định chính xác các nghĩa vụ này sẽ giúp các thủ thể tham gia giao dịch lựa chọn được hình thức giao dịch phù hợp để tiết kiệm chi phí và vẫn được coi là hợp pháp.
Do vậy,các bên tham gia, ngoài đội ngũ kỹ thuật thì còn cần có đội ngũ luật sư về thuế và đội ngũ kế toán đủ mạnh để xác định chính xác các khoản này.
Soạn Thảo Hợp Đồng
Các bên tham gia giao dịch cần chú tâm đến việc soạn thảo và thương lượng các điều kiện và điều khoản hợp đồng. Việc chuẩn bị kỹ nội dung hợp đồng và chuẩn bị đầy đủ các tài liệu giao dịch kèm theo có thể tốn kém thời giờ và thường sẽ gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp khi phải đọc và phê duyệt một bộ hợp đồng, tài liệu giao dịch dài, khó đọc và nhiều khi là khó hiểu, nhất là cách hành văn hợp đồng theo hệ thống luật Anh – Mỹ (Kinh nghiệm chung là các giám đốc điều hành chỉ phê duyệt nội dung chính của giao dịch, còn các điều khoản kỹ thuật và pháp lý sẽ do các bộ phận kỹ thuật, tài chính, luật sư chịu trách nhiệm đảm bảo).
Một số doanh nghiệp muốn rút ngắn các điều kiện và điều khoản hợp đồng, rút ngắn số trang tài liệu cần phải xem xét, thông qua vì cho rằng nếu xảy ra vấn đề gì thì đã có quy định của pháp luật là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Trong hầu hết các văn bản luật và dưới luật hiện nay đều được thiết kế theo hướng chỉ quy định các vấn đề thuộc tiêu chuẩn mà bên tham gia giao dịch phải chấp hành (với các bên còn lại hoặc với Nhà nước) và chủ yếu bao gồm các nghĩa vụ mà bên đó phải chấp hành đối với Nhà nước, các quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia giao dịch được xây dựng theo hướng tự do thỏa thuận miễn là không trái pháp luật hoặc không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội.
Một hợp đồng ngắn gọn có thể đã đủ ý chính và tiện cho việc đàm phán nhưng sẽ không đủ để giải thích chi tiết quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong từng sự kiện sẽ xảy ra trong quá trình giao dịch và dẫn tới nhầm tưởng về quyền lợi được hưởng và nghĩa vụ phải thực hiện, và do đó dẫn đến không thực hiện đúng nghĩa vụ, đòi hỏi quyền lợi quá nhiều rồi dẫn đến bất đồng, tranh chấp và cả những vụ kiện không mang lại bất kỳ lợi ích nào đáng kể.
Theo ý kiến của tác giả bài viết, hợp đồng nên gồm đầy đủ các điều kiện và điều khoản sau đây:
– Luật áp dụng để ký kết hoặc giải thích hợp đồng;
– Ngôn ngữ của hợp đồng và việc lựa chọn ngôn ngữ khi giải thích hợp đồng;
– Danh sách các hồ sơ, tài liệu hợp đồng và thứ tự ưu tiên để giải thích hợp đồng (nếu có);
– Các định nghĩa được sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại trong hợp đồng;
– Chủ thể của hợp đồng, bao gồm thông tin và giấy tờ chứng minh chủ thể hợp đồng đủ điều kiện tham gia giao dịch và người đại diện ký hợp đồng đủ điều kiện ký kết hợp đồng;
– Đối tượng của hợp đồng, bao gồm thông tin mô tả về đối tượng giao dịch và các giấy tờ pháp lý có liên quan để xác định đối tượng hợp đồng đủ điều kiện để giao dịch;
– Các điều kiện tiên quyết, bao gồm các điều kiện mà đối tượng của hợp đồng hoặc các chủ thể phải đáp ứng để giao dịch đủ điều kiện được tiến hành (và nếu thiếu các điều kiện đó thì giao dịch sẽ không được coi là đủ điều kiện, bị chấm dứt hoặc bị tạm ngừng cho đến khi đủ điều kiện); cũng bao gồm nghĩa vụ cung cấp thông tin về đối tượng giao dịch, chủ thể giao dịch một cách đầy đủ, trung thực và các yêu cầu về phê duyệt nội bộ, vô hiệu hóa thỏa thuận thành viên hoặc cổ đông có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến giao dịch;
– Các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tương ứng với trình tự của giao dịch, bao gồm nội dung thanh toán, bàn giao hoặc chuyển giao, bảo đảm hoặc bảo hành, thực hiện thủ tục hành chính pháp lý, thực hiện thủ tục phê duyệt nội bộ, kiểm tra và đánh giá chất lượng và các nội dung khác phụ thuộc vào từng đối tượng giao dịch;
– Các quy định về xử lý hành vi vi phạm khi vi phạm hợp đồng, bao gồm xác định thế nào là hành vi vi phạm, thủ tục xử lý vi phạm, các biện pháp xử lý vi phạm như tính lãi quá hạn, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại;
– Các quy định về điều kiện, trình tự thủ tục tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng;
– Quy định về Sự Kiện Bất Khả Kháng, bao gồm xác định thế nào là sự kiện bất khả kháng và các thủ tục liên quan đến việc thông báo, khắc phục hậu quả, miễn trừ nghĩa vụ, gia hạn hoặc tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng;
– Các quy định về khiếu nại, giải quyết bất đồng, giải quyết tranh chấp và thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp (Trọng tài hay Tòa án) và nghĩa vụ chịu các phí tổn khi giải quyết tranh chấp;
– Các quy định về liên lạc, thông báo và các quy định khác về vấn đề giải quyết hợp đồng vô hiệu;
– Quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, số lượng bản gốc, các phụ lục và tài liệu mẫu kèm theo của hợp đồng.
Đàm Phán, Ký Kết Hợp Đồng
Mong muốn của mọi bên tham gia giao dịch thông thường sẽ là hoàn tất việc đàm phán hợp đồng càng nhanh càng tốt (và rất dễ chủ quan khi đã đạt được các lợi ích mà bên đó hướng tới). Tuy nhiên, việc đàm phán nhanh nếu đồng nghĩa với việc không hiểu rõ các quyền lợi và nghĩa vụ hoặc lược bớt các điều khoản bị cho là dài dòng hoặc chấp nhận các điều kiện bất lợi hơn sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Sự thỏa hiệp, dễ dãi trong đàm phán hợp đồng luôn đi kèm với sự bất ổn trong quá trình thực hiện và giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hợp đồng. Trong đa số các giao dịch, phần lợi nhuận thu được luôn luôn ở phần cuối của giao dịch (sau khi mỗi bên đã bỏ ra một khoản chi phí, thời gian và công sức khá lớn so với tổng giá trị đóng góp của mỗi bên đối với giao dịch). Nnhưng nếu đến thời điểm các bên đã tham gia sâu vào giao dịch rồi mới nảy sinh vấn đề và nhận thấy thiếu sót của hợp đồng và bên còn lại dường như không muốn hoặc không đủ khả năng tiếp tục giao dịch thì việc giải quyết hậu quả sẽ vô cùng phức tạp. Vì vậy, tiến trình đàm phán hợp đồng nên được thực hiện một cách cẩn trọng và được giám sát bởi bộ phận pháp chế hoặc các luật sư có kinh nghiệm.
Sau khi hoàn tất công tác đàm phán hợp đồng, bên tham gia giao dịch cần kiểm tra kỹ lưỡng bản hợp đồng và các tài liệu giao dịch đã được đàm phán xong đề phòng các sai sót hoặc các nội dung được tự ý thay đổi mà không thông báo hoặc không đàm phán. Sau đó, hợp đồng cần được ký từng trang bởi người đại diện có thẩm quyền và được đóng dấu (nếu có) bởi chủ thể có thẩm quyền, tốt nhất là nên được đóng dấu giáp lai giữa các trang hợp đồng để tránh việc bị thay thế một cách tùy tiện.
Sau khi các đối tác đã ký kết hợp đồng và gửi lại, bộ phận quản lý hợp đồng cũng cần kiểm tra lại kỹ từng trang hợp đồng và tổng thể hợp đồng để đảm bảo không có sai sót. Các hoạt động phê duyệt hợp đồng cần được tiến hành trước khi hợp đồng được ký, đóng dấu và tốt nhất là kết quả phê duyệt hợp đồng cần được lập thành văn bản, lưu trữ cùng với hợp đồng để tránh nhầm lẫn.
Quản Trị Pháp Lý Hợp Đồng, Giao Dịch
Các bên tham gia giao dịch cần quản trị pháp lý để đảm bảo giao dịch được thực hiện đúng như nó cần phải được thực hiện, bao gồm toàn bộ các thỏa thuận đã được ghi nhận trong hợp đồng và hành động hoặc không hành động mà các bên cần phải thực hiện vì mục đích của giao dịch (phần này, theo ý kiến của cá nhân tác giả thì cũng cần được ghi nhận trong hợp đồng, không nên để ở dạng nghĩa vụ tùy nghi hoặc ghi nhận ngắn gọn với nội dung “theo quy định pháp luật”).
Quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát sinh bất đồng hoặc khiếu nại, các bên cần dựa trên kết quả thực hiện giao dịch thực tế, các hành động hoặc không hành động của mỗi bên và các quy định trong hợp đồng để đưa ra phương án hợp lý để giải quyết ổn thỏa vấn đề đã phát sinh với mục đích cao nhất là hoàn tất được giao dịch và thu được lợi nhuận hoặc giảm tối đa tổn thất (rong nhiều trường hợp, phương án hợp lý này không đồng nhất với hợp đồng và việc đó phải được ghi nhận là không thay đổi các điều kiện và điều khoản của hợp đồng, trong trường hợp cần thiết hoặc dẫn tới thay đổi các điều kiện và điều khoản của hợp đồng thì sự thay đổi đó cần được các bên thảo luận, ghi nhận bởi một phụ lục).
Trường hợp bất đồng không thể tự giải quyết bởi các bên tham gia giao dịch, các bên có thể cân nhắc lựa chọn các đơn vị trung gian hòa giải, bao gồm và chủ yếu là các tổ chức Trọng Tài, tổ chức hành nghề luật sư để giải quyết bất đồng lần cuối.
Cuối cùng, nếu bất đồng vẫn không thể được giải quyết thì một bên cần tính tới phương án giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng Tòa án hoặc tố tụng Trọng tài. Quá trình này cần được thực hiện và giám sát bởi các luật sư, công ty luật có kinh nghiệm để tránh việc sa vào các vụ kiện không có hồi kết thúc hoặc kết thúc vụ khởi kiện với một kết quả thu được không đáng gì so với chi phí kiện tụng và tổn thất (phần này, tác giả sẽ đề cập đến trong một bài viết khác).
Tác giả bài viết: Luật sư Phan Quang Chung.
Download toàn văn bài viết “tư vấn soạn thảo hợp đồng và đàm phán, quản trị giao dịch” tại đây.