Yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị
Yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị
Với tư cách “là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông” theo quy định tại Khoản 1 Điều 153 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 “(Luật doanh nghiệp năm 2020”), các nghị quyết , quyết định của Hội đồng quản trị ảnh hưởng rất nhiều đến tổ chức, hoạt động của công ty.
Bài viết này, tác giả phân tích một số quy định pháp luật có liên quan đến thủ tục yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Xin lưu ý rằng, các thông tin trong nội dung bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết, không phải là quan điểm của BFSC và không phải là ý kiến tư vấn của BFSC hay người viết bài liên quan đến một tình huống tương tự của độc giả.
Những nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có khả năng bị yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ?
Khoản 4 Điều 153 Luật doanh nghiệp quy định: “Trong trường hợp nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết, quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty, thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trong trường hợp này, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nói trên”.
Theo quy định của điều luật, một nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị sẽ trở thành đối tượng có khả năng bị yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nếu đáp ứng cả hai tiêu chí sau đây:
(i) nghị quyết, quyết định đó được Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty; và
(ii) nghị quyết, quyết định đó gây thiệt hại cho công ty.
Quy định này có lẽ nên được hiểu rằng một nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua (i) vi phạm các điều cấm hoặc vi phạm điều phải làm về trình tự, thủ tục triệu tập họp, biểu quyết thông qua hoặc nội dung được biểu quyết thông qua theo quy định của pháp luật, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty; và (ii) gây ra một thiệt hại có thể xác định được cho công ty thì sẽ thuộc đối tượng có khả năng bị yêu cầu yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ.
Một vấn đề phát sinh trong thực tiễn là trong trường hợp nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị được thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty nhưng không gây thiệt hại cho công ty (hoặc thậm chí là mang lại lợi ích trong ngắn hạn cho công ty trong một thời gian đầu) thì có khả năng bị yêu cầu đình chỉ hoặc hủy bỏ ngay sau khi được thông qua không hay phải chờ đến khi nghị quyết, quyết định này gây thiệt hại theo quy định của điều luật?
Người có quyền yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị?
Điều luật quy định quyền yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị trong trường hợp đó thuộc về cổ đông công ty. Không có hạn chế nào của liên quan đến loại cổ phần hoặc số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty như quy định đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo Điều 151 hay việc khởi kiện thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc theo Điều 166 Luật doanh nghiệp.
Một câu hỏi phát sinh thực tiễn là liệu rằng Hội đồng quản trị có quyền tự mình ra một nghị quyết, quyết định khác nhằm đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực nghị quyết, quyết định do chính mình thông qua, ban hành trong trường hợp này hay không? Hay liệu rằng Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp có quyền triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thảo luận, ra một nghị quyết nhằm đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực nghị quyết, quyết định đó của Hội đồng quản trị hay không?
Một vấn đề cũng sẽ nảy sinh trên thực tế là nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị không phải là loại tài liệu phải được công khai hoặc phải được gửi cho cổ đông như nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Do vậy, việc cổ đông biết được việc có một nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông đã bị thông qua “trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty” là một thực tiễn phức tạp, trừ khi cổ đông khởi kiện là người có điều kiện tiếp cận các thông tin của Hội đồng quản trị. Điều này sẽ dẫn đến việc xác định thời hiệu yêu cầu và việc sao chụp các tài liệu có liên quan đến nghị quyết, quyết định bị yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ là khó khăn đối với cổ đông thực hiện việc khởi quyền yêu cầu.
Thẩm quyền thụ lý, giải quyết yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị?
Điều luật quy định rằng cổ đông có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị trong trường hợp này.
Tuy nhiên trên thực tế, trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định thẩm quyền của Trọng tài thì việc cổ đông yêu cầu Trọng tài đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định là một vấn đề chưa rõ ràng theo các quy định pháp luật về tố tụng trọng tài hiện tại. Theo ý kiến của cá nhân người viết bài, xét trên tính tương đồng về “quyền yêu cầu” như đối với thẩm quyền của Trọng tài đối với việc thụ lý đơn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thì đây là một thực tiễn có thể chấp nhận được.
Hiệu lực nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị bị yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ?
Việc cổ đông nộp đơn yêu cầu tại Tòa án hoặc Trọng tài để yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực của nghị quyết, quyết định không ngay lập tức gây nên sự đình chỉ tạm thời đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Để nghị quyết, quyết định bị đình chỉ hiệu lực sớm, người yêu cầu phải thực hiện thủ tục bổ sung về việc yêu cầu Tòa án, Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo các quy định pháp luật tố tụng tương ứng.
Giải quyết hậu quả của việc Hội đồng quản trị thông qua nghị quyết, quyết định trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty?
Điều luật quy định, các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết, quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty, thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm.
Tuy nhiên, vấn đề thực tiễn đặt ra là yêu cầu bồi thường cho công ty có thể được áp dụng đồng thời với yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hay không hay sẽ phải thực hiện quyền khởi kiện thành một vụ kiện độc lập theo Điều 166 Luật doanh nghiệp?
Một vấn đề thực tiễn khác là liệu rằng sự kiện phát sinh nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị bị yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ được đề cập trong bài viết này có dẫn đến khả năng về việc Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp được quyền yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để hủy bỏ nghị quyết, quyết định đó hoặc bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đối với các thành viên đã biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết, quyết định hay không?
Thời hiệu yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị?
Khoản 4 Điều 153 Luật doanh nghiệp không quy định về thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu và Bộ luật tố tụng dân sự, Luật trọng tài thương mại cũng không quy định về thời hiệu này do đó, tại thời điểm viết bài, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu là không bị hạn chế.
Khởi kiện để yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ hay yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị?
Tương tự như phân tích trong bài “yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông”, việc đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị là “quyền yêu cầu” và sẽ được thực hiện theo thủ tục tố tụng áp dụng đối với vụ việc dân sự theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự.
Trên đây là phân tích của luật sư về nội dung điều luật liên quan đến quyền yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. BFSC một lần nữa nhấn mạnh rằng nội dung bài viết này thể hiện quan điểm riêng của người viết bài, không phải là quan điểm tư vấn của người viết bài hay của BFSC đối với một tình huống thực tiễn tương tự. Mọi ý kiến đóng góp, vui lòng liên lạc với luật sư Phan Quang Chung – tác giả bài viết.