Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Điều 151 Luật doanh nghiệp quy định: “Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây: 1. Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 của Luật này. 2. Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty”.
Bài viết dưới đây, tác giả phân tích các vấn đề có liên quan đến yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định pháp luật hiện hành. BFSC xin đăng nguyên văn nội dung với lưu ý rằng bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả bài viết và chỉ nên sử dụng để tham khảo. Mọi tình huống phát sinh thực tế cần được tư vấn bởi các Luật sư và BFSC chỉ chịu trách nhiệm về các ý kiến tư vấn do BFSC theo các Thỏa Thuận Dịch Vụ.
Người có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông?
Nội dung điều 151 Luật doanh nghiệp quy định rằng, chỉ có cổ đông và nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp mới được quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Đây là cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (năm phần trăm) cổ tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.
Ngoài việc đảm bảo tỷ lệ sở hữu của cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu hủy bỏ nghị nguyết Đại hội đồng cổ đông cũng cần lưu ý rằng quyền yêu cầu trong trường hợp này chỉ thuộc về cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông mà không thuộc về cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi, bao gồm cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác của công ty. Quyền yêu cầu của cổ đông, nhóm cổ đông trong trường hợp này có lẽ không loại trừ nhóm cổ đông, nhóm cổ đông đã biểu quyết tán thành nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trước đó.
Thời hiệu yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông?
Thời hiệu yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được quy định là 90 ngày kể từ ngày cổ đông, nhóm cổ đông nhận được một trong các tài liệu gồm:
i) nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;
ii) biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông.
Việc xác định thời hiệu yêu cầu sẽ trở nên phức tạp hơn trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông nhận được nghị quyết hoặc biên bản vào các ngày khác nhau hoặc trong trường hợp một hoặc một số cổ đông bị thất lạc nghị quyết, biên bản mà không phải do lỗi của cổ đông trong việc cập nhật thông tin liên lạc cho công ty.
Những nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có nguy cơ bị yêu cầu hủy bỏ?
Điều luật quy định hai trường hợp mà cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp được yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, bao gồm:
a) Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 Luật doanh nghiệp.
Theo quy định này, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp được quyền khởi kiện trong hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: trình tự, thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty;
Trường hợp thứ hai: trình tự, thủ tục ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Cần lưu ý rằng không phải mọi vi phạm trong quá trình triệu tập họp, ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông đều là điều kiện để cổ đông, nhóm cổ đông thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông mà chỉ những vi phạm nghiêm trọng mới là cơ sở để thực hiện quyền này. Các vi phạm này có lẽ là những vi phạm thay đổi hoặc tác động nghiêm trọng đến việc thảo luận, ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông mà nếu không có vi phạm này thì Đại hội đồng cổ đông có thể ra quyết định khác đi.
Cũng cần lưu ý rằng điều luật loại trừ quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đối với những nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đã được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ngay cả khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua nghị quyết đó vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
b) Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
Điều kiện này cần được hiểu rằng mọi nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, dù có vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty hay không và kể cả trong trường hợp được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nhưng nếu vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty đều có nguy cơ bị hủy bỏ. Khái niệm “vi phạm” trong trường hợp này là rất rộng, nhưng theo quan điểm của cá nhân tác giả thì chỉ nên được giới hạn bởi những vi phạm mà dẫn đến việc thực hiện nghị quyết đó không thể thực hiện được hoặc nếu thực hiện được thì cũng vi phạm các điều cấm của luật.
Thẩm quyền thụ lý, giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ?
Điều 151 Luật doanh nghiệp quy định rằng Trọng tài và Tòa án đều có thẩm quyền thụ lý, giải quyết yêu cầu về việc hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Hiệu lực của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bị yêu cầu hủy bỏ?
Luật doanh nghiệp không quy định về khả năng cổ đông, nhóm cổ đông được quyền yêu cầu đình chỉ ngay lập tức hiệu lực của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đang bị yêu cầu hủy bỏ. Tuy nhiên, yêu cầu đình chỉ hiệu lực của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là không bị hạn chế và cổ đông, nhóm cổ đông có thể thực hiện được nếu yêu cầu Trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là đình chỉ thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo các quy định tương ứng của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Trọng tài thương mại.
Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hay khởi kiện để yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông?
Trên thực tế, vẫn có trường hợp nhầm lẫn khái niệm khi thực hiện quyền này, ngay cả đối với các luật sư, thẩm phán, trọng tài viên. Cần xác định một cách rõ ràng rằng việc hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là quyền yêu cầu và sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng áp dụng đối với vụ việc dân sự (nếu là tố tụng Tòa án).
Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả bài viết, không phải là ý kiến tư vấn của BFSC đối với một tình huống cụ thể. Mọi đóng góp ý kiến liên quan đến nội dung bài viết, vui lòng liên hệ với luật sư Phan Quang Chung – tác giả bài viết.