Chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng
Trong bài viết này, tác giả đề giới thiệu các quy định pháp luật về chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng. Nội dung bài viết chỉ tập trung vào các quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng và hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng dựa trên các quy định pháp luật của Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 của Quốc hội, ban hành ngày 26/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 (“Luật chứng khoán năm 2019”) và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán, được Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 (“Nghị định 155”) . Bài viết này thể hiện quan điểm của người viết bài và nhằm mục đích tham khảo, không phải là quan điểm tư vấn của người viết bài và cũng không phải là quan điểm tư vấn của BFSC đối với một tình huống cụ thể của Khách hàng. Mọi tình huống phát sinh thực tế của Khách hàng phải được tư vấn bởi các luật sư có kinh nghiệm.
Chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng
Các định nghĩa
“Công ty cổ phần đại chúng” là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
(i) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
(ii) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật chứng khoán.
(Khoản 1 Điều 32 Luật chứng khoán).
Cần lưu ý rằng, không phải mọi công ty cổ phần đáp ứng quy định tại điều luật viện dẫn đều sẽ đương nhiên trở thành công ty đại chúng. Công ty cổ phần đáp ứng quy định tại điều luật này phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và được Ủy ban chứng khoán Nhà nước xác nhận là công ty đại chúng và công bố trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
“Chào bán chứng khoán riêng lẻ” là việc chào bán chứng khoán không thông qua phương tiện thông tin đại chúng và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
(ii) Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
(Khoản 20 Điều 4 Luật chứng khoán)’
Cần lưu ý rằng, đây là quy định chung cho chào bán chứng khoán riêng lẻ (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán khác và áp dụng cho các loại hình công ty khác nhau). Tuy nhiên,điểm b khoản 1 Điều 31 Luật chứng khoán chỉ ra rằng, đối tượng tham gia của đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ bao gồm cổ đông chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:
a) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan;
b) Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;
c) Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
d) Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
đ) Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.
Quy định về xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xin tham khảo thêm tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định 155.
“Nhà đầu tư chiến lược” là nhà đầu tư được Đại hội đồng cổ đông lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 03 (ba) năm.
(Khoản 17 Điều 4 Luật chứng khoán).
Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng
Theo khoản 1 Điều 31 Luật chứng khoán năm 2019, điều kiện chung đối với việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm:
a) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;
b) Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
c) Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;
d) Các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.
đ) Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Như đã được đề cập tại bài viết về “chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần chưa đại chúng” cần lưu ý về hai trường hợp cũng phải tuân thủ một phần hoặc toàn bộ các điều kiện như được áp dụng đối với chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, đó là:
(i) Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng khi chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải đáp ứng toàn bộ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật chứng khoán năm 2019 đã viện dẫn ở trên;
(ii) Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu hiện có phải đáp ứng hai điều kiện quy định tại điểm a) và d) khoản 1 Điều 31 Luật chứng khoán năm 2019 đã được viện dẫn ở trên.
Ngoài các điều kiện chung đã được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật chứng khoán năm 2019 như đã viện dẫn ở trên, Nghị định 155 quy định điều kiện riêng áp dụng cho hai trường hợp chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng, cụ thể như sau:
Điều kiện để công ty đại chúng chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá thấp hơn mệnh giá
1. Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược và việc chuyển nhượng cổ phiếu bị hạn chế tối thiểu là 03 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
2. Việc phát hành phải đảm bảo không dẫn đến vi phạm quy định về sở hữu chéo của Luật Doanh nghiệp.
3. Đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, d và đ khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán, các khoản 1, 2 Điều 17 Nghị định 155. Trong đó, các điểm a, d và đ khoản 1 Điều 31 Luật chứng khoán năm 2019 đã được giới thiệu ở phần trên của bài viết; các quy định tại khoản 1,2 Điều 17 Nghị định 155 như sau:
1. Giá cổ phiếu của tổ chức phát hành giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, trong đó giá cổ phiếu được tính bằng bình quân giá tham chiếu của 60 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến hoặc hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành.
2. Có đủ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá.
(Điều 44 Nghị định 155).
Điều kiện để công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ưu đãi kèm chứng quyền riêng lẻ:
1. Điều lệ công ty có quy định việc công ty có cổ phần ưu đãi kèm chứng quyền.
2. Khoảng cách giữa các đợt chào bán, phát hành riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành riêng lẻ gần nhất theo quy định tại khoản 7 Điều 48 Nghị định này.
3. Điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, đ khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán.
(Điều 46 Nghị định 155).
Hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng
Trong các trường hợp thông thường, hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng bao gồm:
1. Giấy đăng ký chào bán theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, trong đó:
a) Phương án phát hành nêu rõ: mục đích chào bán; số lượng cổ phiếu chào bán; giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định giá chào bán; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; số lượng nhà đầu tư; nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và số lượng cổ phiếu chào bán cho từng nhà đầu tư hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Những người có quyền lợi liên quan đến đợt chào bán không được tham gia biểu quyết. Trường hợp trong phương án phát hành không nêu cụ thể giá chào bán, nguyên tắc xác định giá chào bán thì giá chào bán được xác định theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;
b) Trường hợp đợt chào bán nhằm mục đích huy động tiền để thực hiện dự án, phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán phải bao gồm nội dung về phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
3. Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua đối tượng được chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong trường hợp được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền. Những người có quyền lợi liên quan đến đợt chào bán cổ phiếu không được tham gia biểu quyết.
4. Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua hồ sơ đăng ký chào bán. Đối với việc chào bán cổ phiếu của tổ chức tín dụng, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đề nghị tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng. Đối với việc chào bán cổ phiếu của tổ chức kinh doanh bảo hiểm, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
5. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (trong trường hợp được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền) thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
6. Cam kết của tổ chức phát hành về việc không vi phạm quy định về sở hữu chéo của Luật Doanh nghiệp.
7. Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
8. Tài liệu cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư (nếu có).
9. Tài liệu sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán (nếu có).
(Điều 43 Nghị định 15).
Ngoài ra, tương ứng với hai trường hợp được quy định điều kiện chào bán riêng biệt, Nghị định 155 cũng quy định hai hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ tương ứng, bao gồm:
Hồ sơ công ty đại chúng đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ thấp hơn mệnh giá
1. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, trong đó:
a) Phương án phát hành phải nêu rõ: mục đích chào bán; số lượng cổ phiếu chào bán; giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định giá chào bán; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; danh sách nhà đầu tư chiến lược và số lượng cổ phiếu chào bán cho từng nhà đầu tư. Những người có quyền lợi liên quan đến đợt chào bán cổ phiếu không được tham gia biểu quyết. Trường hợp trong phương án phát hành không nêu cụ thể giá chào bán, nguyên tắc xác định giá chào bán thì giá chào bán được xác định theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;
b) Trường hợp đợt chào bán nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án, phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán phải bao gồm nội dung về phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
2. Bảng thống kê giá tham chiếu cổ phiếu của 60 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến hoặc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành có xác nhận của 01 công ty chứng khoán.
3. Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
4. Tài liệu quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 43 Nghị định này.
(Điều 45 Nghị định 155).
Hồ sơ công ty đại chúng đăng ký chào bán cổ phiếu ưu đãi kèm chứng quyền riêng lẻ:
1. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, trong đó:
a) Phương án phát hành nêu rõ: loại cổ phiếu chào bán; đặc tính của cổ phiếu ưu đãi kèm chứng quyền; số lượng cổ phiếu ưu đãi kèm chứng quyền; giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định giá chào bán; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; số lượng nhà đầu tư; nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và số lượng cổ phiếu chào bán cho từng nhà đầu tư hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phương án thực hiện quyền của chứng quyền (điều kiện, thời hạn, tỷ lệ thực hiện quyền; giá hoặc phương pháp tính giá phát hành; thông qua hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu để thực hiện quyền đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các điều khoản khác). Những người có quyền lợi liên quan đến đợt chào bán không được tham gia biểu quyết. Trường hợp trong phương án phát hành không nêu cụ thể giá chào bán, nguyên tắc xác định giá chào bán thì giá chào bán được xác định theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;
b) Phương án sử dụng số tiền bao gồm: phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ưu đãi kèm chứng quyền và phương án dự kiến sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu để thực hiện quyền. Trường hợp đợt chào bán nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án, phương án sử dụng số tiền phải bao gồm nội dung về phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
2. Điều lệ của tổ chức phát hành.
3. Tài liệu quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 43 Nghị định này.
(Điều 47 Nghị định 155)
Trình tự, thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng
Trình tự và thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng được quy định như sau:
1. Tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có chấp thuận bằng văn bản và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Tổ chức phát hành phải hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận.
4. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải gửi Báo cáo kết quả đợt chào bán kèm theo xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, Sở giao dịch chứng khoán về kết quả đợt chào bán.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo kết quả đợt chào bán đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản về việc nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán cho tổ chức phát hành đồng thời gửi cho Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán.
6. Sau khi có thông báo nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành được yêu cầu chấm dứt phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
7. Khoảng cách giữa các đợt chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ sau phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành riêng lẻ gần nhất, bao gồm: chào bán cổ phiếu riêng lẻ; chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ; chào bán trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ; chào bán cổ phiếu ưu đãi kèm chứng quyền riêng lẻ; phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần cho cổ đông công ty cổ phần chưa đại chúng, hoán đổi phần vốn góp cho thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn; phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần cho số cổ đông xác định trong công ty đại chúng; phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ.
(Điều 48 Nghị định 155).
Mọi ý kiến trao đổi về bài viết, vui lòng liên hệ với tác giả: Luật sư Phan Quang Chung theo địa chỉ email: [email protected]