Khởi kiện và theo đuổi vụ kiện tại Trọng tài thương mại Việt Nam.
Trong bài viết này, các luật sư của Công ty luật BFSC hướng dẫn sơ bộ về thủ tục khởi kiện và theo đuổi vụ kiện tại Trọng tài thương mại Việt Nam. Nội dung bài viết chủ yếu dựa trên tố tụng trọng tài được quy định trong Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 (“Luật TTTM”) và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTM (“Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP”). Nội dung bài viết không đề cập đến các quy định riêng biệt của các Trung tâm trọng tài được thể hiện trong các Quy tắc tố tụng trọng tài của từng Trung tâm. Do các giới hạn về nội dung của bài viết như đã được đề cập, Công ty luật BFSC khuyến cáo khách hàng chỉ sử dụng các thông tin trong bài viết cho mục đích tham khảo. Trường hợp Khách hàng chuẩn bị khởi kiện hoặc tham gia tố tụng trong một vụ kiện Trọng tài cụ thể, Khách hàng cần liên hệ với chúng tôi để nhận được ý kiến tư vấn chính thức.
Khởi kiện và theo đuổi vụ kiện tại Trọng tài thương mại Việt Nam.
Chuẩn bị đơn khởi kiện tại Trọng tài
Trong trường hợp là bên khởi kiện (“nguyên đơn”), các công việc chuẩn bị dưới đây sẽ là cần thiết:
(i) Kiểm tra điều khoản Trọng tài để xác định sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và khả năng thực thi thỏa thuận trọng tài tại thời điểm nộp đơn kiện;
(ii) Kiểm tra khả năng thương lượng, hòa giải ngoài tố tụng hoặc khả năng thương lượng, hòa giải thông qua thủ tục hòa giải trước khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài;
(iii) Kiểm tra thời hiệu khởi kiện;
(iv) Xác định các yêu cầu khởi kiện và các chứng cứ, lập luận cho mỗi yêu cầu khởi kiện; Xác định nhu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần tiến hành trước hoặc tại thời điểm
(v) Liên hệ Trung tâm trọng tài nơi sẽ nộp đơn khởi kiện để lấy mẫu đơn khởi kiện theo mẫu của Trung tâm; tính toán phí và chi phí Trọng tài theo quy định của Trung tâm; xem xét Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài để lập kế hoạch cho vụ kiện;
(vi) Liên hệ với luật sư có kinh nghiệm tố tụng Trọng tài để tư vấn, hỗ trợ chuẩn bị đơn khởi kiện, lập luận, chứng cứ và thiết lập các hướng dẫn cụ thể về tố tụng Trọng tài.
Nộp đơn khởi kiện tại Trung tâm trọng tài
Tùy theo Quy tắc tố tụng của từng Trung tâm trọng tài, nguyên đơn có thể nộp đơn kiện (cùng với các tài liệu, chứng cứ) trực tiếp tại Trung tâm trọng tài hoặc nộp qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ theo phương thức hợp lệ được quy định bởi Trung tâm.
Nguyên đơn cần lưu ý đến các hướng dẫn, thông báo của Trung tâm, bao gồm chủ yếu là Thông báo về việc nộp phí và chi phí Trọng tài để đảm bảo đơn kiện được Trung tâm trọng tài thụ lý.
Giải quyết vụ kiện tại Trọng tài
Những vấn đề nguyên đơn cần quan tâm trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài
Ngoài việc đảm bảo việc nộp phí và chi phí Trọng tài, nguyên đơn cần đảm bảo:
(i) Lựa chọn Trọng tài viên trong trường hợp đơn kiện chưa lựa chọn Trọng tài viên;
(ii) Sửa đổi, bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện (nếu có) trong một thời hạn hợp lý để các yêu cầu khởi kiện có liên quan thể được giải quyết một cách toàn diện trong cùng một vụ kiện, tránh việc phải tách nội dung vụ kiện thành các vụ trước / sau, ảnh hưởng đến tính thống nhất của vụ kiện.
(iii) Đưa ra các yêu cầu một cách hợp lý và thanh toán các chi phí kịp thời để Hội đồng trọng tài có thể giải quyết yêu cầu một cách nhanh chóng nhất, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các yêu cầu: áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thu thập và bảo quản chứng cứ; triệu tập nhân chứng; yêu cầu nhân chứng chuyên gia…;
(iv) Tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài để đảm bảo không bị coi là từ bỏ yêu cầu khởi kiện.
(v) Đưa ra ý kiến phản hồi đơn kiện lại của bị đơn; đưa ra ý kiến phản đối, khiếu nại về Trọng tài viên hoặc tố tụng Trọng tài trong thời hạn hợp lý để tránh bị coi là mất quyền phản đối hoặc từ bỏ quyền khiếu nại do đã không đưa ra ý kiến phản đối, khiếu nại trong thời hạn quy định.
(vi) Nỗ lực tham gia hòa giải nhằm giải quyết vụ tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Những vấn đề bị đơn cần quan tâm trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài
Sau khi nhận Thông báo về vụ kiện của Trung tâm trọng tài, bị đơn cần đảm bảo:
(i) Liên hệ với luật sư để chuẩn bị và cung cấp cho Trung tâm trọng tài ý kiến chính thức về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đưa ra yêu cầu ngược lại với nguyên đơn (đơn kiện lại) trong thời hạn quy định;
(ii) Xem xét và lựa chọn Trọng tài viên trong danh sách Trọng tài viên được lựa chọn;
(iii) Đưa ra ý kiến về các yêu cầu khởi kiện được sửa đổi, bổ sung bởi nguyên đơn và đưa ra ý kiến phản đối, khiếu nại về Trọng tài viên và tố tụng Trọng tài trong thời hạn hợp lý;
(iv) Đưa ra các yêu cầu một cách hợp lý và thanh toán các chi phí kịp thời để Hội đồng trọng tài có thể giải quyết yêu cầu một cách nhanh chóng nhất, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các yêu cầu: áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thu thập và bảo quản chứng cứ; triệu tập nhân chứng; yêu cầu nhân chứng chuyên gia…;
(v) Nỗ lực tham gia hòa giải nhằm giải quyết vụ tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả.
(vi) Tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài để đảm bảo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình một cách hợp lý.
Những việc cần làm sau khi kết thúc tố tụng Trọng tài
Sau phiên xử Trọng tài và Hội đồng Trọng tài đã tuyên bố kết thúc tố tụng Trọng tài đối với các yêu cầu của nguyên đơn trong đơn kiện trọng tài và các yêu cầu của bị đơn trong đơn kiện lại, các bên cần tiếp tục tham vấn ý kiến của luật sư hoặc chủ động thực hiện một trong các hành động tiếp theo như sau:
(i) Nhận phán quyết Trọng tài bằng văn bản và yêu cầu Hội đồng Trọng tài đính chính, sửa chữa phán quyết Trọng tài một cách phù hợp;
(ii) Xem xét khả năng yêu cầu hủy phán quyết trọng tài;
(iii) Trong trường hợp không phát sinh yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài, bên thắng kiện cần chuẩn bị cho việc yêu cầu thi hành phán quyết Trọng tài và bên thua kiện cần chuẩn bị cho việc thi hành phán quyết Trọng tài theo thủ tục tự nguyện thi hành hoặc theo thủ tục được quy định tại Luật Thi hành án dân sự.
Các nội dung có liên quan đến thời hiệu khởi kiện trọng tài, biện pháp khẩn cấp tạm thời, xác định sự tồn tại và hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến sự tồn tại và hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, các thủ tục pháp lý trong tố tụng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, yêu cầu thi hành án đối với phán quyết trọng tài …, Quý khách vui lòng xem tại đây.
Ý kiến đóng góp cho bài viết, vui lòng trao đổi trực tiếp với tác giả bài viết. Quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn hoặc dịch vụ giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng trọng tài, vui lòng liên hệ với chúng tôi.