Chào bán phần vốn góp và chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Chào bán phần vốn góp và chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thực hiện theo các quy định tại Điều 51, Điều 52, Điều 53 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ban hành ngày 17/06/2020 (trong bài viết này, chúng tôi gọi tắt là “Luật doanh nghiệp”). Bài viết này sử dụng cơ sở pháp lý là các điều luật đã dẫn và có tham khảo thêm các quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp và một số quy định của Luật đầu tư năm 2020 về đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài và Luật cạnh tranh năm 2018 về tập trung kinh tế.
Tùy vào mục tiêu của bên mua (bên nhận chuyển nhượng) đối với giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp mà giao dịch này có thể được coi là một giao dịch sáp nhập và mua lại (M&A) hay không. Do tính chất phức tạp của giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp cho mục đích sáp nhập và mua lại (M&A) nên trong bài viết này, tác giả không đề cập đến các vấn đề pháp lý của giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp cho mục đích sáp nhập và mua lại; bài viết cũng không đề cập đến chi tiết các giao dịch hoán đổi phần vốn góp cho mục đích sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp hay mua lại doanh nghiệp. Các nội dung trong bài viết này chỉ giới thiệu các nội dung cơ bản của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành về chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Như mọi bài viết khác được cập nhật trên website của Công ty luật BFSC, chúng tôi nhấn mạnh rằng các thông tin trong bài viết chỉ có ý nghĩa tham khảo. Các vấn đề pháp lý thực tiễn đối với một giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vì mục đích sáp nhập và mua lại hoặc không vì mục đích này đều cần được thẩm định và tư vấn bởi các luật sư có kinh nghiệm. Vì vậy, hãy liên hệ với công ty luật BFSC để nhận được ý kiến tư vấn chính thức từ các luật sư của chúng tôi cho các giao dịch thực tế.
Điều kiện chuyển nhượng phần vốn góp
i) Bên chuyển nhượng là chủ sở hữu hợp pháp phần vốn góp hoặc được chủ sở hữu (các đồng sở hữu) phần vốn góp chấp thuận chuyển nhượng;
ii) Bên nhận chuyển nhượng đủ điều kiện nhận chuyển nhượng (ví dụ như trong trường hợp là nhà đầu tư nước ngoài thì phải được sự chấp thuận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền);
iii) Phần vốn góp không bị tranh chấp, không bị kê biên để thi hành án, không đang là tài sản bảo đảm cho một nghĩa vụ với bên thứ ba (cầm cố, thế chấp, bảo lãnh…) không thuộc trường hợp bị hạn chế hoặc bị cấm chuyển nhượng;
iv) Không vi phạm quy định về sở hữu chéo hoặc tập trung kinh tế;
v) Tuân thủ quy định về thủ tục, bao gồm nhưng không giới hạn bởi: đăng ký mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài; thông báo tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh; chấp thuận của chủ sở hữu, đồng sở hữu;
vi) Chào bán phần vốn góp cho các thành viên còn lại trong công ty (trừ các ngoại lệ theo quy định của pháp luật);
Chào bán phần vốn góp
Khoản 1 Điều 52 Luật doanh nghiệp quy định thành viên dự kiến chuyển nhượng phần vốn góp (trừ trường hợp tặng cho hoặc trả nợ) phải thực hiện thủ tục chào bán phần vốn góp cho các thành viên còn lại theo quy định sau đây:
i) Thành viên dự kiến chuyển nhượng phải chào bán phần vốn góp (phần vốn góp dự định chuyển nhượng) cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
ii) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán (điều kiện đã chào bán cho các thành viên còn lại) cho người không phải là thành viên công ty nếu các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.
Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ về việc một thành viên còn lại của công ty sau khi nhận được lời chào bán của thành viên dự kiến chuyển nhượng nhưng quyết định không mua thì: (i) có quyền chuyển nhượng quyền mua cho các thành viên khác trong công ty hay không? (ii) các thành viên khác trong công ty có được đăng ký mua phần vốn góp mà thành viên đã nhận thông tin chào bán nhưng không đăng ký mua hoặc đăng ký mua nhưng không mua hết hay không? Vấn đề này cần được quy định trong Điều lệ công ty và/hoặc Thỏa thuận thành viên trong khi chờ các quy định hướng dẫn bổ sung hoặc các án lệ có liên quan.
Các ngoại lệ không phải tiến hành thủ tục chào bán phần vốn góp
i) Tặng cho phần vốn góp
Trong trường hợp phần vốn góp được chuyển nhượng theo thỏa thuận tặng cho, bên chuyển nhượng không phải thực hiện thủ tục chào bán cho các thành viên còn lại như trong trường hợp chuyển nhượng thông thường. Tuy nhiên, người nhận tặng cho chỉ đương nhiên được chấp nhận là thành viên công ty nếu thuộc đối tượng được thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự; người nhận tặng cho không thuộc đối tượng được thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự thì chỉ trở thành thành thành viên công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.
Vì vậy, trong trường tặng cho phần vốn góp, các quy định về diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự sẽ được áp dụng để xem xét xem bên nhận tặng cho có đủ điều kiện để được coi là “thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật” hay không? Và nếu trong trường hợp không thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật thì cần triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên công ty để biểu quyết về việc có chấp thuận cho bên nhận tặng cho trở thành thành viên công ty hay không. Đương nhiên tại phiên họp này, bên nhận tặng cho không được biểu quyết vì chưa có tư cách thành viên công ty. Luật doanh nghiệp không có quy định nào hạn chế thành viên là bên tặng cho phần vốn góp tham gia và biểu quyết trong cuộc họp này.
Trường hợp bên nhận tặng cho không được Hội đồng thành viên chấp thuận là thành viên công ty, phần vốn góp này có thể sẽ được công ty mua lại theo Điều 51 Luật doanh nghiệp hoặc được chào bán theo quy định về chào bán phần vốn góp theo Điều 52 Luật doanh nghiệp.
ii) Trả nợ bằng phần vốn góp
Trường hợp phần vốn góp được chuyển nhượng cho mục đích trả nợ, bên nhận chuyển nhượng (người được thanh toán nợ) chỉ trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Nếu Hội đồng thành viên không chấp thuận, người nhận thanh toán nợ được quyền chào bán theo quy định tại điểm b) khoản 7 Điều 53 Luật doanh nghiệp. Vấn đề pháp lý nảy sinh ở đây là do bên nhận thanh toán không được Hội đồng thành viên chấp thuận và do đó không có tư cách thành viên cũng như quyền sở hữu hợp pháp đối với phần vốn góp được trả nợ. Vì vậy, trong trường hợp nhận trả nợ bằng phần vốn góp, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp cần quy định rõ các thủ tục có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho bên nhận trả nợ có thể thực hiện quyền.
iii) Thừa kế phần vốn góp
Trong trường hợp phần vốn góp được thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế thì người được nhận phần vốn góp đương nhiên trở thành thành viên của công ty, trừ trường hợp người nhận thừa kế không muốn trở thành thành viên của công ty. Trong trường hợp người thừa kế phần vốn góp không muốn trở thành thành viên của công ty thì phần vốn góp này sẽ được công ty mua lại theo quy định tại Điều 51 Luật doanh nghiệp hoặc người thừa kế được quyền chào bán cho các thành viên còn lại theo Điều 52 Luật doanh nghiệp.
iv) Phần vốn góp không được mua lại theo yêu cầu của thành viên công ty
Theo quy định tại khoản 4 Điều 51 Luật doanh nghiệp thì thành viên công ty được tự do chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty nếu công ty không mua lại phần vốn góp của thành viên sau khi thành viên đã thực hiện thủ tục yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp theo quy định.
Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp
Luật doanh nghiệp không có quy định bắt buộc về nội dung và hình thức của hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp. Do đó, các bên có thể tùy chọn nội dung và hình thức của hợp đồng.
Tuy nhiên, thông lệ chung là hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp sẽ được ký bởi đại diện có thẩm quyền của mỗi bên và được xác nhận bởi đại diện theo pháp luật của công ty hoặc được chứng thực bởi công chứng viên.
Do tính khép kín của mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và do các quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp hầu hết đều sẽ được thông tin đến thành viên còn lại theo hình thức này hay hình thức khác (trừ trường hợp người nhận tặng cho, thừa kế đáp ứng điều kiện để được mặc nhiên công nhận là thành viên công ty) nên hầu hết giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp đều mang tính công khai với các thành viên còn lại. Do đó, việc yêu cầu hợp đồng chuyển nhượng được thông qua bởi Hội đồng thành viên và chứng thực bởi người đại diện theo pháp luật của công ty là một thực tiễn thường gặp nhất.
Nội dung hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, các điều kiện và điều khoản của hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, và mẫu hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp sẽ được luật sư của Công ty luật BFSC tư vấn cụ thể cho từng giao dịch.
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp
Ngoại trừ (i) các thủ tục nội bộ liên quan đến việc quyết định chuyển nhượng (bán), quyết định nhận chuyển nhượng (mua) của mỗi bên, bao gồm việc xin ý kiến của cơ quan chủ quản (đối với phần vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp) hoặc thông qua chủ sở hữu (đối với thành viên là tổ chức) hoặc thông qua đồng sở hữu (đối với thành viên là cá nhân đang có vợ / chồng); và (ii) các thỏa thuận về việc chuyển nhượng, tặng cho, trả nợ, thừa kế giữa các bên; thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp sẽ được thực hiện như sau:
i) thẩm định giá trị chuyển nhượng và các thẩm định pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng;
ii) xác định hình thức chuyển nhượng; thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng nguyên tắc và các điều kiện chung của giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp;
iii) chào bán cho các thành viên còn lại của công ty hoặc thông qua ý kiến chấp thuận của Hội đồng thành viên công ty;
iv) Đăng ký mua phần vốn góp (đối với nhà đầu tư nước ngoài – nếu có); thông báo tập trung kinh tế (nếu có);
v) Hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, ghi tên thành viên vào sổ đăng ký thành viên, cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp;
vi) Đăng ký thay đổi tại Cơ quan đăng ký kinh doanh phù hợp với các thay đổi thực tế sau khi chuyển nhượng.