Chuyển nhượng cổ phần
Chuyển nhượng cổ phần
Chuyển nhượng cổ phần là lựa chọn thường gặp trong các giao dịch mua bán sáp nhập. Thông qua giao dịch chuyển nhượng cổ phần, bên nhận chuyển nhượng sẽ nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp (nếu nắm giữ đủ số phiếu biểu quyết để có quyền biểu quyết về các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp) và thông qua đó gián tiếp quản lý tài sản, dự án hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu.
Khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập theo quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp và trường hợp Điều lệ doanh nghiệp có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần.
Tuy nhiên,
(i) Hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập tại khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp cũng chỉ áp dụng nếu cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho tổ chức, cá nhân khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; và
(ii) Quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong Điều lệ doanh nghiệp chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Ngoài các hạn chế chuyển nhượng nêu trên, các bên tham gia giao dịch chuyển nhượng cổ phần cũng cần lưu ý:
(i) Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng, trừ trường hợp chuyển nhượng theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế (Khoản 3 Điều 116 Luật doanh nghiệp);
(ii) Lưu ý quy định về sở hữu chéo khi giao dịch chuyển nhượng cổ phần;
(ii) Thỏa thuận hạn chế chuyển nhượng hoặc các điều kiện chuyển nhượng trong các Thỏa thuận cổ đông có thể sẽ ảnh hưởng đến giao dịch chuyển nhượng và làm phát sinh các nghĩa vụ nhất định đối với Bên nhận chuyển nhượng trong việc tiếp tục duy trì, tuân thủ Thỏa thuận cổ đông mà bên chuyển nhượng đã tham gia.
(iv) Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và thuộc trường hợp phải đăng ký mua cổ phần theo quy định của Luật đầu tư thì giao dịch chuyển nhượng cổ phần có thể bị từ chối bởi quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong một số tình huống nhất định;
(v) Trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng cổ phần thuộc đối tượng phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh thì giao dịch chuyển nhượng cố phần cũng có thể bị từ chối bởi quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong một số tình huống nhất định;
(vi) Giao dịch chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần đại chúng có thể phải thực hiện thủ tục công bố thông tin trước và sau giao dịch hoặc thực hiện thủ tục chào mua công khai theo quy định của Luật chứng khoán; và sau khi kết thúc đợt chào mua công khai, cổ đông và nhóm cổ đông, người có liên quan nắm giữ từ 80% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của một công ty cổ phần đại chúng có thể phải mua tiếp số cổ phiếu còn lại của các cổ đông trong thời hạn 30 ngày theo các điều kiện về giá chào mua và phương thức thanh toán tương tự như đợt chào mua công khai đã thực hiện;
Các quy định pháp luật trong bài viết này chỉ có ý nghĩa tham khảo với các giao dịch chuyển nhượng cổ phần đơn giản. Thực tiễn các giao dịch chuyển nhượng cổ phần đòi hỏi sự đánh giá, chuẩn bị kỹ càng và cẩn trọng, nhất là các giao dịch chuyển nhượng cổ phần nhằm mục đích mua bán sáo nhập (sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp với mục tiêu rõ ràng là nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp và thông qua đó quản lý tài sản, dự án của doanh nghiệp mục tiêu). Các giao dịch thực tế luôn phức tạp và cần được tư vấn bởi các luật sư có kinh nghiệm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.